Xe

Toyota và Volkswagen chật vật tìm lại thị phần ở Trung Quốc

Nhiều nhà sản xuất ôtô truyền thống phải tăng tốc điện hóa hoặc phát triển nhiều tính năng mới nhằm chinh phục người dùng Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới hiện nay.

Các nhà sản xuất ôtô truyền thống chịu áp lực từ nhiều hãng ôtô điện nội địa Trung Quốc. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg.

Theo Reuters, nhiều nhà sản xuất ôtô quốc tế bao gồm Toyota và Volkswagen đã xuất hiện tại triển lãm Shanghai Auto Show 2023 với các sản phẩm được thiết kế dành riêng cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Đi cùng với đó, 2 trong số những nhà sản xuất ôtô truyền thống lâu đời cũng trình làng các mẫu xe thuần điện để tìm kiếm cơ hội tiếp theo tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, khi xu hướng mua sắm ôtô tại Trung Quốc dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng bất lợi cho các nhà sản xuất ôtô truyền thống từng nắm giữ phần lớn thị phần, giới lãnh đạo của các thương hiệu ôtô nội địa tại quốc gia này đã khiến cuộc chơi diễn ra nhanh hơn cùng áp lực giảm giá ngày một khốc liệt hơn.

Nỗ lực tái chinh phục

Trong khuôn khổ triển lãm Shanghai Auto Show 2023, Volkswagen xác nhận sẽ giới thiệu thêm 10 mẫu EV tại Trung Quốc vào năm 2026, đồng thời rút ngắn 40% thời gian phát triển các mẫu xe mới để có thể theo kịp các đối thủ Trung Quốc vốn đang phát triển nhanh chóng.

“Nguyên tắc của chúng tôi là phát triển nhanh ở Trung Quốc và hướng đến người tiêu dùng Trung Quốc”, ông Thomas Schafer – lãnh đạo mảng ôtô du lịch của tập đoàn Volkswagen – cho biết.

Volkswagen xác nhận trình làng 10 mẫu xe điện cho khách hàng Trung Quốc trong 3 năm tiếp theo. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Trong khi đó, Toyota cũng sử dụng triển lãm ôtô tại Thượng Hải để trình làng 2 mẫu xe điện mới, qua đó tăng gấp đôi số lượng EV mà tập đoàn này kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, Toyota cũng ra mắt Lexus LM, mẫu minivan hybrid được đánh giá là nhắm đúng thị hiếu của tệp khách hàng ở phân khúc xe sang tại quốc gia tỷ dân.

Năm ngoái, cả Toyota và Volkswagen đều đánh mất thị phần tại Trung Quốc khi thị trường dần dịch chuyển sang xe điện và ôtô hybrid. Theo Reuters, xu hướng này có lợi cho những thương hiệu ôtô nội địa Trung Quốc, với BYD là cái tên dẫn đầu về đà tăng trưởng doanh số trong năm 2022.

Ở quý đầu năm nay, BYD đã trở thành thương hiệu ôtô bán chạy hơn cả Toyota và Volkswagen tại thị trường Trung Quốc.

Tập đoàn ôtô này còn trực tiếp thách thức Toyota khi tung ra mẫu xe điện Seagull, nhắm vào phân khúc ôtô cỡ nhỏ mà Toyota từ lâu đã trở thành thương hiệu thống trị với dòng xe Toyota Corolla.

BYD Seagull - mẫu xe điện cỡ nhỏ giá rẻ - được cho là lời thách thức trực tiếp mà BYD dành cho Toyota. Ảnh: Car News China.

BYD định giá Seagull ở mức tương đương hơn 11.000 USD, thấp hơn khá nhiều so với mẫu xe điện Toyota bZ4X vốn có giá khởi điểm trên 29.000 USD tại thị trường Trung Quốc.

“Giá bán hấp dẫn đáng kinh ngạc. Seagull sẽ là mẫu xe bán chạy nhất Trung Quốc trong vòng 6 tháng kể từ khi ra mắt”, ông Bill Russo – người sáng lập Automobility cho biết.

Tập trung cho thị trường Trung Quốc

Theo Reuters, lãnh đạo BMW cho biết đã bổ sung các tính năng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, chẳng hạn hệ thống giải trí với màn hình 8K kích thước 31 inch cho hàng ghế sau sẽ xuất hiện trên mẫu sedan BMW i7. Theo kế hoạch, hãng xe của Đức sẽ ra mắt đến 11 mẫu xe điện tại thị trường Trung Quốc vào cuối năm nay.

“Điều gì chinh phục được khách hàng Trung Quốc trong hôm nay sẽ khiến cả thế giới xiêu lòng vào ngày mai”, ông Oliver Zipse – CEO của BMW – ví von.

Màn hình cỡ lớn dành cho hành khách ở hàng ghế thứ hai trên BMW i7 được xem là tính năng hướng đến đối tượng khách hàng tại Trung Quốc. Ảnh: Anh Xuân.

Nhiều lãnh đạo của các hãng ôtô Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của tốc độ và áp lực cắt giảm chi phí đến khả năng cạnh tranh tại thị trường mà ôtô thuần điện hiện nắm giữ gần một phần ba doanh số ôtô mới.

Đáng chú ý, ông Zhu Jiangmin – CEO của Leapmotor – từng đặt ra một dự đoán táo bạo về giá xe điện trong tương lai. Reuters đánh giá đây là một ý tưởng đầy hứa hẹn cho người tiêu dùng nhưng lại là một bài toán khó sẽ khiến các nhà sản xuất ôtô phải đau đầu.

“Trong vòng một thập kỷ tới, Trung Quốc có thể bán các mẫu SUV thuần điện sở hữu phạm vi hoạt động 400 km với giá khoảng 7.500 USD”, ông Zhu Jiangmin nêu quan điểm.

Hiện, Tesla Model Y do hãng ôtô điện của Elon Musk sản xuất đang sở hữu phạm vi hoạt động ước tính 545 km nhưng có giá khởi điểm tương đương gần 40.000 USD tại quốc gia tỷ dân.

Hãng xe điện này cũng đã chọn phương án bỏ qua và không tham dự triển lãm Shanghai Auto Show vào năm nay. Tesla được cho là phải đối mặt với làn sóng phản đối từ người tiêu dùng Trung Quốc vì tỏ ra chậm chân trong việc giới thiệu những mẫu xe mới cũng như các tính năng đột phá.

Nhận định về tình hình của Tesla tại Trung Quốc, ông William Li – người sáng lập Nio – thừa nhận với các phóng viên rằng Tesla Model 3 từng là một thế lực tại Trung Quốc vào năm 2018, nhưng đã giảm tính cạnh tranh trong giai đoạn những năm gần đây.

Tesla liên tục giảm giá cho Model 3. Ảnh: Michael Simari/Car and Driver.

“Việc Tesla giảm giá Model 3 là điều bình thường. Với cùng mức giá đó, bạn có thể mua những chiếc xe tốt hơn tại Trung Quốc”, ông William Li kết luận.

Vị này ước tính Nio cũng như các nhà sản xuất ôtô nội địa khác của Trung Quốc đang sở hữu lợi thế chi phí lên đến 20% so với Tesla. Điều này không có gì lạ bởi Trung Quốc đang là quốc gia thống trị chuỗi cung ứng và nguyên liệu thô cho dây chuyền sản xuất ôtô thuần điện chạy pin.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/toyota-va-volkswagen-chat-vat-tim-lai-thi-phan-o-trung-quoc-post1423353.html?utm_campaign=zingwap&utm_medium=zalomsg&utm_source=zalo