Công nghệ

Tranh cãi máy bay tự hành không phi công

Ngành công nghiệp hàng không đang nỗ lực để máy bay thương mại không phi công có thể xuất hiện sớm nhất có thể.

Các nhà sản xuất đang phát triển các thế hệ máy bay tự hành không cần phi công. Ảnh: Forbes.

Quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay tự hành trong nhiều thập kỷ, nhưng luôn ở trong một phạm vi nhất định. Giờ đây, các nhà sản xuất máy bay đang hướng tới tương lai của máy bay tự hành không phi công.

“Sẽ mất thời gian và mọi người cần phải xây dựng sự tự tin. Chúng tôi cần một quy trình chứng nhận mà tất cả đều có niềm tin và sự tin tưởng”, Giám đốc điều hành Boeing - Dave Calhoun - đề cập đến máy bay thương mại tự hành hồi tháng 1.

Phi công phản đối

Nhiều người trong ngành hàng không tin rằng những chiếc máy bay tự hành có kích thước nhỏ có thể chở khách vào năm 2030. Họ cũng dự đoán máy bay phản lực lớn hơn sẽ hoạt động mà không cần phi công vào năm 2040.

Một báo cáo của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) năm 2017 dự báo đến những năm 2040, máy bay thương mại tự hành hoàn toàn sẽ được sử dụng thường xuyên, qua đó giúp các hãng hàng không tiết kiệm 35 tỷ USD/năm.

Việc sử dụng máy bay tự hành đại trà khiến nhiều phi công sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. Ảnh: Xwing.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay tự hành đại trà sẽ khiến nhiều phi công mất việc. Bất kỳ động thái cắt giảm nhân sự nào cũng sẽ đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn phi công.

“Tất cả chỉ là vì tiền. Các nhà sản xuất đang tìm kiếm công nghệ tiên tiến tiếp theo để bán và kiếm nhiều tiền hơn. Các hãng hàng không cũng đang tìm mọi cách để giảm thiểu chi phí để tăng lợi nhuận”, Dennis Tajer - một phi công có kinh nghiệm 35 năm, phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công Đồng minh (Mỹ), đại diện cho 15.000 phi công của American Airlines - cho biết.

Sự chấp nhận của công chúng

Dù gọi là máy bay tự hành, điều đó không đồng nghĩa với việc con người sẽ không liên quan gì đến vận hành bay. Thay vì ngồi trong buồng lái và điều khiển, con người sẽ giám sát và quản lý các hoạt động của máy bay từ xa.

Một chuyên gia trong lĩnh vực cho biết rằng việc sử dụng máy bay không người lái có thể tạo ra thêm khoảng 100.000 công việc cho đến năm 2040, với đa số công việc liên quan đến kỹ sư, phần mềm, vận hành và logistics.

Một chiếc máy bay tự hành trong chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: Xwing.

Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng cảm thấy thoải mái khi ngồi trên một chiếc máy bay không phi công.

Theo khảo sát của UBS, 54% người tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia được hỏi nói họ nhiều khả năng sẽ không lên một chiếc máy bay không có phi công ngay cả khi giá vé máy bay rẻ hơn. Chỉ 17% người tham gia khảo sát khẳng định sẽ mua vé cho chuyến bay hoàn toàn tự động. Một cuộc khảo sát tương tự từ Ipsos cho thấy 81% người Mỹ không cảm thấy thoải mái nếu di chuyển trên máy bay tự hành.

Nhiều hành khách có lẽ vẫn chưa biết rằng công việc của phi công hiện nay đã được tự động hóa rất nhiều. Đối với một chuyến bay thông thường, phi công chỉ điều khiển bằng tay trong khoảng 3-6 phút và thời gian còn lại chuyển sang chế độ lái tự động.

Một số hãng hàng không thậm chí còn không cho phép phi công điều khiển thủ công khi máy bay đạt tới độ cao hành trình. Họ cho rằng chế độ lái tự động thực chất an toàn hơn.

Tương lai của máy bay tự hành

Hàng loạt startup đã nhảy vào lĩnh vực máy bay tự hành, huy động tổng cộng được hơn 7 tỷ USD. Một trong những cái tên nổi bật là Xwing. Công ty có trụ sở tại tiểu bang Bắc California (Mỹ) đang từng bước phát triển những chiếc máy bay chở hàng tự hành kích thước nhỏ.

Bên trong phòng điều khiển máy bay tự hành của Xwing. Ảnh: Xwing.

“Chúng tôi đã sử dụng khung máy bay Cessna hiện có cho máy bay tự hành. Đây là bộ khung cho mục đích chở hàng tốc hành, được sử dụng rộng rãi nhất. Chúng tôi đã sửa đổi để biến nó thành phương tiện được giám sát từ xa. Thị trường hàng hóa là nơi đầu tiên, tốt nhất để triển khai máy bay tự hành không phi công”, Giám đốc điều hành Xwing, Marc Piette, cho biết.

Trong vài năm qua, Xwing đã thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm bay tự hành, chủ yếu ở California. Tuy nhiên, cho đến khi công nghệ tự hành được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận, các chuyến bay vẫn cần phải có một phi công để giám sát an toàn.

Sau khi được FAA cấp phép, Xwing dự kiến giới thiệu và vận hành những phương tiện này vào cuối năm 2025 và cung cấp cho các nhà khai thác khác. CEO của công ty này hy vọng những chiếc máy bay tự hành của Xwing phát triển sẽ vận chuyển hành khách vào cuối thập kỷ này.

Theo chuyên gia Stephane Fymat tại Honeywell - công ty chuyên sản xuất các hệ thống lái tự động cho Boeing cũng như các loại máy bay khác - một lợi thế của các máy bay không có phi công là sức chứa tăng lên.

“Có rất nhiều công ty đang tham gia vào lĩnh vực máy bay tự hành. Họ đều thực sự mong chờ ngày không còn phi công trên máy bay. Thực tế là tất cả họ đều đang lên kế hoạch và chúng tôi đang giúp họ đạt được điều đó”, ông Fymat nói.

Một số chuyên gia hàng không đã đưa ra những mốc thời gian cho tương lai của máy bay tự hành:

2023: Nhiều nhà sản xuất máy bay đang làm việc với FAA để chứng nhận máy bay tự hành. 2025-2026: Những chiếc máy bay chở hàng tự hành đầu tiên sẽ tham gia vào ngành hàng không dân dụng. 2030-2035: Các máy bay tự hành kích thước nhỏ sẽ bắt đầu chở hành khách trên các chuyến bay ngắn trong khu vực. 2040-2050: Các máy bay phản lực chở khách lớn hơn sẽ bắt đầu hoạt động mà không có phi công trên bầu trời.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tranh-cai-may-bay-tu-hanh-khong-phi-cong-post1407150.html