Thị trường

'Trồng' kim cương trên sa mạc

Các công ty tại UAE đang quan tâm đến việc tự nuôi trồng kim cương trong phòng thí nghiệm thay vì phải nhập khẩu một lượng lớn từ khắp nơi trên thế giới.

Kim cương là vật liệu cứng nhất trên Trái Đất và việc tìm kiếm sản lượng lớn đá quý này trong tự nhiên là tương đối khó khăn.

Trong hàng nghìn năm, con người đã đào sâu vào lòng đất để tìm kiếm kim cương, tạo ra những cái hố lớn nhất thế giới ở Nga và Nam Phi, có độ sâu tới 625 m dưới mặt đất.

Quá trình khai thác này tác động tiêu cực đến cả thiên nhiên và con người. Những công nhân phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, còn hệ sinh thái thì bị ảnh hưởng trầm trọng.

Nhưng khai thác không phải là cách duy nhất để có được kim cương.

Theo Hiệp hội Đá quý Quốc tế, viên kim cương đầu tiên được trồng trong phòng thí nghiệm đã được sản xuất vào những năm 1950. Đến nay công nghệ này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Các phòng thí nghiệm đã có thể tạo ra tinh thể đá quý chất lượng với giá cả phải chăng, thường rẻ hơn tới 80% so với kim cương tự nhiên, mà không cần tốn nhiều chi phí.

Việc trồng kim cương nhân tạo hiện nay đã xuất hiện ở những nơi mà thậm chí chúng ta không ngờ đến, đó là sa mạc, theo CNN. Điển hình, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất nhập khẩu kim cương, dù họ không có mỏ kim cương nào.

Kim cương "trên sa mạc"

Năm 2022, doanh nhân Sabeg đồng sáng lập 2DOT4 Diamonds có trụ sở tại Dubai. Công ty này trở thành doanh nghiệp đầu tiên sản xuất, cắt và chế tác những viên kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm ở UAE.

“Ý tưởng của chúng tôi là đưa mỏ kim cương đến tay người tiêu dùng. Thay vì phải nhập khẩu kim cương từ nhiều nơi khác trên thế giới, giờ đây loại đá quý này sẽ được sản xuất và bán tại địa phương”, Sabeg nói.

Tên công ty 2DOT4 xuất phát từ chỉ số khúc xạ của kim cương, nghĩa là tốc độ ánh sáng truyền qua viên kim cương so với không khí, chậm hơn khoảng 2,4 lần.

Mohamed Sabeg đang kiểm tra một viên kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Paul Devitt/CNN.

Đối với ông Sabeg, việc đặt một cái tên liên quan đến đặc tính vật lý của đá quý là có mục đích. Doanh nhân này muốn thể hiện rằng các viên đá được tạo ra trong phòng thí nghiệm cũng giống hệt với kim cương trong tự nhiên.

“Sự khác biệt duy nhất so với kim cương tự nhiên là kim cương của chúng tôi được kiểm soát áp suất, nhiệt độ và các loại khí”, ông nói.

Trung bình, 2DOT4 phát triển kim cương với tốc độ khoảng 0,01 mm mỗi giờ. Điều này có nghĩa là cứ sau 24 giờ, viên đá lại phát triển chiều dài tương đương với độ dày của hai tờ giấy.

Khi viên kim cương đã phát triển ít nhất 5 mm, viên đá đó được gọi là “khối” và có 3 kết quả có thể xảy ra.

Nó có thể được cắt thành nhiều hạt giống khác, hạt này sẽ được đưa trở lại lò phản ứng để tạo ra nhiều kim cương hơn. Hoặc tùy theo nhu cầu, 2DOT4 sẽ cắt và đánh bóng viên đá quý nhân tạo. Sau đó, viên kim cương có thể được bán cho các thợ kim hoàn và nhà thiết kế hoặc biến thành một món đồ trang trí trong nhà.

Xu hướng kim cương nhân tạo

Theo Paul Zimnisky, nhà phân tích và tư vấn về kim cương tại Mỹ, cho biết hiện tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đang thống trị ngành sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 2/3 sản lượng toàn cầu.

Bên cạnh đồ trang sức, kim cương nhân tạo còn được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là khi sản xuất các công cụ cắt xuyên qua các vật liệu dày đặc như bê tông, đá cẩm thạch và kim loại.

Ahmed Bin Sulayem, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Trung tâm Hàng hóa Dubai cho biết, việc mở rộng sang ngành công nghiệp kim cương nuôi trong phòng thí nghiệm có thể là một động thái quan trọng đối với nền kinh tế của nước này.

“60 năm trước, mọi người sẽ không quan tâm đến kim cương tổng hợp, thậm chí không thèm nhìn đến nó. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đạo đức và môi trường, họ cũng ưu tiên giá cả phải chăng hơn. Do đó ngành công nghiệp chế tạo kim hoàn sẽ phải thích nghi", ông nói thêm.

Một khối kim cương thô trong phòng thí nghiệm của 2DOT4. Ảnh: Paul Devitt/CNN

Các công ty khác tại UAE đang chạy theo 2DOT4 và thiết lập hoạt động kinh doanh kim cương nhân tạo của họ tại Dubai. Trong khi đó, các thương hiệu địa phương cũng đang quảng cáo các mẫu trang sức được thiết kế với loại đá quý nhân tạo này.

Đối với Sabeg, anh hy vọng rằng những sáng tạo của 2DOT4 sẽ đặt nền móng tương lai cho ngành sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm tại UAE, một quốc gia đang nhập khẩu kim cương nhiều nhất thế giới.

“Cách chúng tôi đang làm sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới trong ngành", Sabeg khẳng định.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/trong-kim-cuong-tren-sa-mac-post1464745.html