Vài năm trở lại đây, các trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều ở TP.HCM. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nhiều tòa nhà từng đình đám một thời lại gặp cảnh vắng vẻ, các thương hiệu lớn rời đi. Tình cảnh ế ẩm cả người tiêu dùng lẫn khách thuê khiến nhiều trung tâm thương mại phải tìm cách cải tạo, nâng cấp.
Ngoài chức năng mua sắm (shop and go) như trước đây, một số nơi mở rộng thêm khu ăn uống, thể hình và giải trí (all-in-one destination) để biến thành trung tâm phong cách sống tích hợp.
Sau khi đi dạo một vòng, Hồ Linh (sinh năm 2000) và cả nhóm dừng chân tại máy trò chơi trước thang cuốn. “Nhiều trung tâm thương mại giờ chỉ đặt vài máy game thùng lác đác vài chỗ, chứ không còn làm hẳn một khu như xưa. Điều này có thể là do mỗi nơi có đặc thù riêng và hướng đến tệp khách hàng khác nhau. Riêng tôi thích Saigon Center nhất vì có nhiều quầy đồ ăn, cách bố trí giữa các cửa hàng cũng thuận tiện đi lại”, Linh nói.
“Chỉ đến trung tâm thương mại vào dịp sale, ngày giảm giá lớn” là tâm lý chung của không ít khách hàng trẻ tuổi. Nhiều người thừa nhận ngày nay họ có nhiều lựa chọn để vui chơi, mua sắm thay vì đến các trung tâm lớn trong thành phố, như các cửa hàng quần áo online, mô hình quán cà phê đa dạng, công viên giải trí…
Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhu cầu của tệp khách trẻ, đặc biệt là Gen Z (sinh năm 1996 trở về sau). Phần lớn người thuộc nhóm này chưa có khả năng tài chính đủ tốt để chi trả quá nhiều vào hàng hóa cao cấp. Họ thường đến trung tâm thương mại với mục đích chính là chụp ảnh check-in, xem phim, ăn uống, mua sắm chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Việc một số nơi bỏ hoàn toàn khu trò chơi, không nâng cấp các thiết bị game lỗi thời hoặc cơ sở hạ tầng xuống thấp đã làm “mất điểm” với phân khúc này.
Ngoài Gen Z có cách chi tiêu khác, thế hệ Millennials (1980-1996) cũng cân nhắc lại về sự ưu tiên của mình dành cho các trung tâm thương mại. Theo nhiều báo cáo, đây là nhóm dành ít thời gian hơn cho không gian mua sắm so với những người sau năm 1996.
Dù là trong tuần hay thứ 7, chủ nhật, người đến trung tâm thương mại dễ dàng nhận thấy cảnh trái ngược giữa các gian hàng thời trang, nước hoa, đồ dùng gia đình với khu vực ẩm thực, rạp phim, trò chơi điện tử. Nhiều khách chỉ lướt qua xem thử, không có ý định vào mua.
Ở một số nhà hàng, thực khách vẫn xếp hàng, ngồi đợi để đến lượt vào dùng bữa. Riêng những quán cà phê nằm ở mặt tiền lại luôn đông đúc hơn so với những cửa hàng bên trong.
Nhân dịp sinh nhật, Bé Thúy (sinh năm 2003, quận Bình Thạnh) cùng bạn đến Vincom Đồng Khởi để mua sắm. Thúy cho biết cô thường chỉ đi các concept mall ở quận 1 để tiện ăn uống, dạo phố. “Giá cả tại các thương hiệu trong trung tâm thương mại sẽ đắt hơn bên ngoài khoảng 20-30%. Vì thế, khi có ngày rảnh hay sự kiện đặc biệt, tôi mới vào đây mua đồ”, Thúy chia sẻ.
Sân trượt băng ở tại tầng hầm B1 (Vincom Center Landmark 81) thu hút một số gia đình có con nhỏ, bạn trẻ đến trải nghiệm vào buổi tối. Giá vé dao động từ 150.000 đồng đến 220.000 đồng tùy theo độ tuổi.
Trước đây, mô hình trượt băng trong nhà cũng xuất hiện tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP Thủ Đức) nhưng hiện đã đóng cửa và chuyển thành khu vui chơi trẻ em.
Huyền Thương (sinh năm 2000) thỉnh thoảng cùng bạn bè đến Gigamall (trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) để chơi bowling. Cô cho rằng các trung tâm thương mại không còn thu hút như xưa một phần là do sự ra đời của các nền tảng mua sắm trực tuyến. “Tôi đến vào giờ cao điểm nhưng cũng thấy khá vắng vẻ. Tôi nghĩ nguyên nhân cũng đến từ việc chi phí sinh hoạt tăng cao, sức chi giảm nên mọi người không tiêu nhiều vào sắm sửa, thư giãn như trước”, Thương nhận xét.
Một nhân viên cho hay khung giờ cao điểm trong ngày là từ 19h đến 21h. Tuy nhiên, lượng khách duy trì không ổn định, tùy thuộc theo sự kiện của tháng. Đặc biệt, khu bowling, trò chơi thực tế ảo, bắn súng, công viên khủng long được nhiều người ghé qua nhất. Còn các quầy game còn lại ít hút khách hơn.