Ảnh: Bloomberg

Wiki

Truyền thống hay quảng bá giúp nâng tầm giá trị ẩm thực?

Ngày 5/1, phiên đấu giá đầu năm tại chợ cá Toyosu nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản vừa chứng kiến hàng loạt thảm họa cả thiên tai và con người...

Buổi đấu giá vào các buổi sáng sớm từ lâu trở thành sự kiện không thể bỏ qua với du khách tới thăm thủ đô Nhật Bản. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng từ đêm trước đó để trở thành một trong hơn 100 người tham dự sự kiện này. Tuy nhiên, sự kiện thu hút nhiều sự chú nhất vẫn là phiên đấu giá đầu tiên của năm mới. Tại đây, các nhà bán buôn và các nhà hàng sushi cao cấp bỏ ra những mức giá không tưởng để sở hữu những con cá lớn nhất, chất lượng lớn nhất.

Bao nhiêu năm trôi qua, nghi thức không thay đổi: con cá ngừ đông lạnh còn nguyên được đặt trên mặt đất. Người bán sẽ rung chuông để báo hiệu bắt đầu cuộc đấu giá. Hoạt động này diễn ra khá ồn ào khi những người tham gia lao vào cuộc đua ngã giá. Người Nhật quan niệm bất cứ điều gì làm đầu tiên trong năm cũng hết sức quan trọng, nó là bàn đạp cho cả năm giúp việc buôn bán năm đó hanh thông, thuận lợi.

"Trong văn hóa của Nhật Bản, điều đầu tiên bạn làm vào dịp năm mới là quan trọng nhất, đặt nền móng cho 12 tháng sau đó. Con cá ngừ đầu tiên trong năm luôn đắt nhất. Giá đó sẽ là mức trần cho bất kỳ con cá ngừ nào được bán đi trong cả năm", Derek Wilcox, đầu bếp của nhà hàng Nhật Bản Shoji tại New York (Mỹ) lý giải. Không chỉ người đấu giá, các khách hàng cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ cho một phần ăn được chế biến từ những con cá đắt đỏ.

Chợ cá Toyosu là điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Tokyo với các buổi đấu giá vào sáng sớm hàng ngày và phiên đấu giá đầu năm mới.

Với mức giá hơn 114 triệu yen (tương đương 800.000 USD), chỉ bằng nửa giá trị của phiên đấu giá vào mươi năm trước - dành cho con cá ngừ nặng 222 kg mắc câu ở ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản đã được bán ra với giá 155,4 triệu yen (tương đương 1,7 triệu USD vào năm 2013), tuy nhiên theo ông Hiroki Matsushita, một nhân viên tại chợ cá, giá con cá ngừ được bán lần này đã cao gấp 3 lần giá bán năm ngoái.

Con cá ngừ vây xanh nặng 238 kg, được đánh bắt ngoài khơi bờ biển Oma, tỉnh Aomori, đông bắc Nhật Bản năm nay cũng đã trở thành con cá có mức giá cao thứ tư trong lịch sử đấu giá cá ngừ đầu năm mới kể từ năm 1999. Khách mua là nhà bán buôn trung gian Yamayuki (Tokyo) và công ty điều hành nhà hàng Sushi Ginza Onodera. Đội đấu giá này đã thắng thầu trong bốn năm liên tiếp.

Chia sẻ với Japan Times, Ông Yukitaka Yamaguchi, công ty bán buôn Yamayuki, nói: “Yếu tố quyết định mức giá này là độ tươi ngon và màu sắc rực rỡ của con cá ngừ. Chúng tôi biết ơn những ngư dân đã dũng cảm chịu lạnh để đánh bắt nó”. Thịt con cá ngừ sẽ được Yamayuki và Sushi Ginza Onodera bán tại các cửa hàng và nhà hàng của họ ở Tokyo.

Con cá ngừ vây xanh nặng 238 kg, được đánh bắt ngoài khơi bờ biển Oma, tỉnh Aomori được bán với giá hơn 114 triệu yen (tương đương 800.000 USD).

Theo Telegraph, loại cá có thịt màu đỏ hồng tươi ngon là nguồn nguyên liệu cao cấp để làm món sushi và sashimi. So với các loại thịt cá sống khác, cá ngừ vây xanh chất lượng với phần vân thịt cẩm thạch đan xen sẽ tạo ra 1 hương vị ngon ngọt, béo mà không một loại cá nào có thể đem đến được. Những lát ngon nhất của con cá ngừ vây xanh có thể được bán ra với giá 2.000 yen (22,7 USD) một miếng tại các cửa hàng sushi hạng sang của Tokyo.

Sở dĩ loài cá này được ưa chuộng là bởi khi trưởng thành, đặc biệt là những con có kích thước siêu lớn hơn 200kg, sẽ đạt sự cân bằng hoàn hảo về hương vị. Khi quan sát trên thớ thịt của cá ngừ vây xanh, chúng ta cũng có thể nhìn thấy kết cấu có sự đan xen dày đặc và đồng đều của những đường gân, mỡ, điều không hề có ở các loài cá ngừ khác.

Cá ngừ đến từ thị trấn Oma (Aomori, Nhật Bản) được giới chuyên gia đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới có giá dao động từ 400 - 450 USD/kg vào mùa cao điểm. Và khi nhập đến Mỹ, giá của chúng sẽ tăng lên gần gấp đôi. Bên cạnh xuất xứ thì mỗi bộ phận của con cá cũng có mức giá không hề giống nhau. Trong đó, Otoro nằm dưới bụng và gần mang cá là phần thịt béo nhất và có giá trị cao nhất. Ngược lại Akami nằm chính giữa thân cá là phần rẻ nhất bởi thịt rất nạc và ít chất béo. Chutoro có nhiều ở phần giữa và phía sau đuôi cá là phần thịt có màu hồng đậm hơn Otoro một chút, béo vừa, lại có vị ngọt của Akami.

Người Nhật biết cách xẻ thịt loại cá này hơn bất kỳ ai khác. Nhật Bản đã tiêu thụ cá ngừ lâu hơn đáng kể so với thế giới, nên gần như đây là văn hoá đối với họ. Do đó, họ đã thực hiện việc này như cả một hình thức nghệ thuật. Nhiều công ty đánh cá sẽ vận chuyển cá ngừ vây xanh đến Nhật để người Nhật xẻ thịt. Ngay cả một số công ty Mỹ cũng sẽ làm như thế, sau đó, Nhật Bản sẽ vận chuyển cá ngừ trở lại Mỹ, dù việc này vô cùng tốn kém.

Cá ngừ đến từ thị trấn Oma (Aomori, Nhật Bản) được giới chuyên gia đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới.

Theo bếp trưởng Derek Wilcox, tất cả những điều này có được là nhờ nét văn hóa đặc sắc lâu đời của Nhật Bản, cộng với việc các “vua cá ngừ” nước này ngày nay không ngại vung tiền để quảng bá. Kể cả khi không thu hồi lại vốn, chiến thắng trong phiên đấu giá giúp tên tuổi của họ trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Những con cá ngừ càng to, giá sẽ càng cao do việc đánh bắt khó khăn hơn. Cách bảo quản cũng tốn công hơn các loại cá nhỏ khiến giá của chúng đội lên nhiều lần.

Không chỉ cá ngừ, các phiên đấu giá nông sản cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân Nhật. Dù không lên tới con số hàng triệu USD, các mặt hàng như dưa lưới, nho hay xoài đỏ cũng có thể chạm mốc hàng chục nghìn USD. Theo Eric Rath, giáo sư về lịch sử Nhật Bản cận đại, vào thời kỳ Edo (1603-1867), các doanh nhân thường cạnh tranh gắt gao để mua các sản phẩm đầu vụ. Theo quan điểm của họ, mua được nông sản đầu mùa là cách chứng minh sự giàu có của bản thân, bởi các sản phẩm trong vụ thu hoạch đầu tiên bao giờ cũng ngon hơn hẳn các vụ sau. Tập tục này tồn tại trong nhiều thế kỷ và duy trì tới hiện tại.

Bên cạnh đó, khâu chăm sóc, bảo quản, vận chuyển cực kỳ cẩn thận của người Nhật cũng là lý do đẩy giá nông sản được đấu giá lên cao. Đồng thời, kỹ năng nâng tầm sản phẩm thượng thừa của người Nhật cũng là lý do giúp giá một số thực phẩm trở nên "siêu thực". Một số loại hải sản của Nhật có giá không cao ở chợ bán buôn, nhưng khi được chế biến thành các các món ăn bày bán trong nhà hàng, chúng lại có giá khá đắt đỏ. Bởi với người Nhật, số tiền bạn bỏ ra phần nhiều là để "cống hiến cho nghệ thuật" thay vì là chất lượng của chính mặt hàng đó.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/truyen-thong-hay-quang-ba-giup-nang-tam-gia-tri-am-thuc.htm