Có thể bạn quan tâm

Tuần 'không nói nên lời' của nhân viên ngân hàng Silicon Valley

Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley đã đẩy hàng nghìn nhân viên tại doanh nghiệp này vào trạng thái vô định khi buộc họ phải đánh giá lại tương lai công việc của mình.

Hàng nghìn nhân viên của ngân hàng Silicon Valley đang đứng trước nguy cơ mất việc sau khi doanh nghiệp này sụp đổ. Ảnh: AP.

Sau khi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản ngân hàng Silicon Valley (SVB) vào tuần trước, một số nhân viên cho biết họ được thông báo vào hôm 10/3 rằng bản thân sẽ nhận được khoản tiền cao hơn 50% so với mức lương hiện tại nếu đồng ý ở lại làm việc thêm 45 ngày.

Theo Wall Street Journal, sau quá trình này, phần lớn nhân viên của SVB được dự báo sẽ mất việc. Tương lai của hàng nghìn người lao động tại SVB cũng phụ thuộc vào việc ngân hàng này liệu có được rao bán.

Một người phát ngôn của FDIC hôm 13/3 đã từ chối bình luận về các khoản đền bù mà nhân viên của SVB có thể nhận được.

"Các nhân viên hiện tại sẽ giúp chuẩn bị để tái mở cửa SVB, đồng thời duy trì hoạt động của ngân hàng này trong thời gian chúng tôi tìm kiếm người mua", người phát ngôn cho biết.

Tương lai bấp bênh

Trên mạng xã hội LinkedIn, một số người tự nhận là nhân viên của SVB đã thêm chi tiết "đang tìm kiếm việc làm" trên tài khoản và trình bày những gì họ mong muốn trong công việc mới.

Một số người khác đã viết bài ca ngợi nhân viên dưới quyền, kêu gọi các nhà tuyển dụng thuê những người này. Nhiều người cho biết SVB có văn hóa làm việc mang tính hợp tác.

Tính đến cuối năm 2022, tập đoàn tài chính SVB, công ty chủ quản của ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, tuyển dụng 8.553 lao động toàn thời gian. 80% số nhân viên này làm việc tại Mỹ với phần còn lại được phân bổ tại các chi nhánh ở Ấn Độ, Anh, Israel, Canada và nhiều quốc gia khác. Theo báo cáo của công ty, số lượng lao động làm việc tại SVB đã tăng 30% trong năm 2022.

Một số nhân viên của SVB đang cân nhắc về công việc của mình sau khi ngân hàng này sụp đổ. Ảnh: AP.

Một số nhân viên của ngân hàng cho biết hôm 13/3 rằng họ vẫn có những cuộc họp trong lịch trình nhưng cũng bắt đầu suy nghĩ về việc kiếm việc mới. Viết trên LinkedIn, một lãnh đạo bộ phận tìm kiếm nhân tài của SVB cho biết những sự việc trong tuần qua đã khiến cô "không nói nên lời".

"Đây là khởi đầu của quãng thời gian bấp bênh đối với gia đình tôi cũng như gia đình của hàng nghìn đồng nghiệp đang làm việc (cho SVB) trên toàn thế giới", cô cho biết.

Những ví dụ trong quá khứ

Theo Fast Company, để dự báo trước điều gì sẽ xảy ra với đội ngũ nhân viên của SVB trong thời gian tới, có thể dựa vào những chi tiết trong vụ sụp đổ của một số ngân hàng lớn tại Mỹ, tiêu biểu nhất chính là Washington Mutual. Sau khi sụp đổ vào năm 2008, doanh nghiệp này đã được ngân hàng JPMorgan Chase mua lại.

Sau khi nghỉ hưu, Tom McIntire đã chọn theo đuổi con đường hội họa. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trước, McIntire nằm trong số những nhân viên đầu tiên của ngân hàng Washington Mutual bị sa thải. Ông cho biết bản thân cùng nhiều đồng nghiệp khác đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn sau khi mất việc.

"Sau khi rời Washington Mutual, tôi đã thất nghiệp trong một năm rưỡi và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bất kỳ công việc nào", McIntire chia sẻ. Tại thời điểm bị sa thải, McIntire đã bước qua độ tuổi 50. Số ít những công việc ông kiếm được chỉ có mức lương bằng một nửa so với thu nhập trước đây của ông.

"Tôi vẫn chưa thể phục hồi về mặt tài chính sau sự sụp đổ của Washington Mutual. Những người ở độ tuổi từ 40 đến 50 như tôi gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm công việc mới ở thành phố Seattle, bang Washington. Tuy nhiên, nếu bạn ở vị trí lãnh đạo, bạn sẽ có nhiều lựa chọn công việc hơn", ông McIntire cho hay.

Những gì xảy ra với nhân viên của Washington Mutual sau khi ngân hàng này sụp đổ có thể giúp chúng ta dự đoán số phận của đội ngũ lao động tại SVB. Ảnh: Reuters.

Vị cựu nhân viên của Washington Mutual cho biết một số quản lý cấp cao của ngân hàng này đã tìm được công việc mới tại các tập đoàn ở khu vực Seattle như Microsoft và T-Mobile. Tuy nhiên, với những nhân viên cấp thấp và cấp trung, việc điều chỉnh cuộc sống sau khi bị sa thải là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Dù Washington Mutual là ngân hàng lớn nhất sụp đổ trong lịch sử Mỹ, đã có những tổ chức tài chính tương tự rơi vào cảnh phá sản trong những năm qua, bao gồm ngân hàng Almena ở bang Kansas. Sau khi đóng cửa vào tháng 10/2020, các tài sản của ngân hàng này đã bị FDIC thanh lý. Một tháng sau đó, Almena đã được ngân hàng Equity ở bang Kansas mua lại.

Khác với ngân hàng có trụ sở ở bang Washington, phần lớn các nhân viên của Almena đã được giữ lại sau khi doanh nghiệp này đổi chủ và rất nhiều người trong số này vẫn làm việc ở thời điểm hiện tại.

Điểm khác biệt giữa 2 ngân hàng trên chính là cách những doanh nghiệp này sụp đổ. Trong khi Washington Mutual phá sản do không vận hành hiệu quả, Almena là nạn nhân của một vụ lừa đảo khiến ngân hàng này thất thoát một lượng tiền mặt lớn.

"Chúng tôi có thể lựa chọn giữ lại toàn bộ nhân viên, không giữ lại ai hoặc lựa chọn một số người. Chúng tôi đã giữ lại phần lớn nhân viên và nhiều người trong số họ vẫn làm việc tại Almena. Trước khi được Equity mua lại, những nhân viên trên đã làm việc dưới sự kiểm soát của FDIC", ông Brad Elliott, giám đốc điều hành của ngân hàng Equity cho biết.

Cũng theo ông, nhiều khả năng các nhân viên của SVB cũng sẽ có kết cục tương tự. "Tôi nghĩ rằng họ sẽ giữ lại toàn bộ hoặc phần lớn nhân viên để vận hành ngân hàng. Nhưng vị trí giám đốc sẽ bị thay thế", ông Elliott nhận định.

Tuy FDIC vẫn cần những nhân viên của SVB để duy trì hoạt động hiện tại của ngân hàng cho đến khi chính quyền Mỹ quyết định bước đi tiếp theo, ông Elliott cũng cảnh báo những lao động này vẫn có nguy cơ bị mất việc trong tương lai gần.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tuan-khong-noi-nen-loi-cua-nhan-vien-ngan-hang-silicon-valley-post1411715.html