20 năm trước, khi đang dùng bữa tối ở nhà hàng tại San Francisco (Mỹ), cựu nhân viên ngân hàng Lisa Unger Sandman giật mình khi bị một nữ thực khách chỉ trích vì để chiếc túi Hermès Kelly trên sàn nhà.
Theo cô, ở thời điểm đó, nhiều người phản ứng khá gay gắt với hành động “thiếu sự nâng niu” dành cho túi hiệu. Song, cô đã sớm ngó lơ những lời nói tương tự.
“Chiếc túi xuất hiện những vết xước đồng nghĩa với việc bạn đã yêu thích và dùng nó nhiều lần. Chẳng có vấn đề gì nếu chiếc Kelly của tôi bị sờn đi”, Sandman, nay đã 60 tuổi, khẳng định với Wall Street Journal.
Tương tự Sandman, nhiều phụ nữ không còn quá bận tâm về vẻ ngoài của túi xách yêu thích. Thậm chí, họ bắt đầu tìm kiếm sản phẩm hàng hiệu sờn rách trên thị trường đồ cũ.
Trong báo cáo với nhóm đồ xa xỉ đầu năm 2023, trang web RealReal ghi nhận nhu cầu mua túi ở tình trạng “khá” (tức đã sờn nhiều) tăng cao hơn những năm trước. Tương tự, Sophie Hersan, nhà sáng lập nền tảng bán lại Vestiaire Collective, cũng khẳng định doanh số bán túi thiết kế cũ tăng 13% trong 6 tháng gần đây.
Xu hướng trầy xước
Tại sao cán cân xu hướng lại nghiêng về những chiếc túi trầy xước?
Theo Katie Devlin, đại diện công ty nghiên cứu xu hướng Stylus, một trong những lý do chủ yếu mở ra trào lưu này là sự hồi sinh của Y2K.
Bên cạnh đó, đợt trỗi dậy của indie sleaze, phong cách thẩm mỹ cáu kỉnh, lỗi thời, cũng tạo ra ảnh hưởng lớn.
“Mary-Kate và Ashley Olsen từng diện kiểu túi này trên thảm đỏ từ năm 2010. 2 chiếc Hermès Kelly và Balenciaga trông thật tàn tạ trên tay họ. Dường như đôi chị em này muốn thể hiện thái độ ‘Tôi giàu có, nhưng điều đó cũng chẳng ý nghĩa lắm’”, Devlin nói.
Trào lưu phủ sóng trên cả những sản phẩm túi xách đắt tiền Chanel, Gucci và Louis Vuitton. 3 tháng cuối năm 2022, lượt tìm kiếm túi xách sờn, mang hơi hướm Y2K trên nền tảng bán hàng trực tuyến Etsy tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia xu hướng Dayna Isom Johnson khẳng định việc này có thể mang đến “một cái nhìn hoàn toàn khác biệt so với chuẩn mực thông thường”.
Luôn được săn đón
Với nhiều người tiêu dùng, túi xách nhiều khuyết điểm làm tôn lên bản sắc của họ. Chẳng hạn, Sapna Bhatla, nhà tư vấn chiến lược kinh doanh tại Philadelphia (Mỹ) cho rằng những món đồ quá nguyên vẹn tạo ra cảm giác “giả tạo, kém trung thực”.
“Tôi có nhiều vết sẹo trên người, tại sao chiếc túi yêu thích, đồng hành lâu dài với tôi phải còn nguyên như mới. Những vết xước trên thể hiện sự thử thách của thời gian, đồng thời cho thấy giá trị bền vững của thời trang”, Bhatla khẳng định.
Thực tế, những vết xước giúp tăng giá trị của túi xách hàng hiệu. Sofia Bernardin, người sáng lập nền tảng cổ điển sang trọng ReSee, khuyên người tiêu dùng đừng nghĩ tới việc xử lý chúng.
“Không có gì tệ hơn một chiếc túi bị chắp vá. Vẻ đẹp của nó vẫn bền vững, bất kể bị xây sát ra sao”, Bernardin nói.
Ngoài ra, giá túi xách hàng hiệu mới cũng tăng vọt dưới ảnh hưởng của lạm phát kinh tế. Theo Jefferies Group, trong năm 2022, mẫu túi nắp gập cổ điển của Chanel đã đắt hơn 60% so với hồi 2019.
Trong khi đó, trên sàn RealReal, sản phẩm ở tình trạng “khá” có giá thấp hơn 33% so với cùng loại được đánh giá “tốt”. Vì thế, cán cân ưu tiên đang nghiêng nhiều hơn về phía túi hiệu sờn xước.
“Đã qua thời phải che đi những khuyết điểm trên chiếc túi yêu thích. Bạn sẽ trông ‘ngầu’ hơn với món phụ kiện như thế. Dường như tình hình kinh tế đã khiến chúng ta phải sử dụng túi xách một cách trân trọng hơn”, Lara Osborne, Phó chủ tịch phụ trách thu mua của nền tảng Fashionphile, nói.