Thị trường tiêu dùng

Túi xách được khao khát nhất thế giới lại tăng giá

Trào lưu tăng giá nhằm giữ vị thế trong thị trường mua sắm xa xỉ đang bùng nổ. Dẫn đầu xu hướng là những cái tên "lão làng" như Hermès, Chanel, Louis Vuitton.

Các nhãn hiệu thời trang xa xỉ đang nỗ lực cạnh tranh để duy trì vị thế "đẳng cấp cao" trong thị trường đang mở rộng. Ảnh minh họa: Hermès.

Các thương hiệu thời trang như xa xỉ, như Hermès và Chanel, đang tăng giá cho những mẫu túi xách được yêu thích nhất của mình, The Wall Street Journal đưa tin.

Giá của chiếc túi Birkin cơ bản của Hermès đã tăng thêm 1.000 USD. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhãn hiệu thời trang xa xỉ đang áp dụng chiến lược tạo ra sự khan hiếm cho những sản phẩm được tín đồ thời trang săn đón nhất.

Theo dữ liệu từ diễn đàn túi xách xa xỉ PurseBop, Hermès đã tăng giá 10% cho mẫu túi Birkin 25 cm tiêu chuẩn tại cửa hàng ở Mỹ, đưa mức giá lên 11.400 USD trước thuế.

Đối với những chiếc Birkin hiếm, như các mẫu làm từ da cá sấu, mức giá đã tăng hơn 20%. Trước những biến động về giá, thương hiệu Pháp lên tiếng biết mục đích tăng giá nhằm bù đắp chi phí sản xuất tăng cao, nhưng đây là lần tăng giá lớn nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ trở lại.

Chiến lược "giữ lửa"

The Wall Street Journal dự đoán có thể các thương hiệu xa xỉ đang phải đối mặt với áp lực bảo vệ danh tiếng là nhà sản xuất túi xách đắt nhất thế giới.

Thị trường tiêu dùng xa xỉ đang chứng kiến xu hướng tăng giá mạnh mẽ trên các sản phẩm chủ đạo từ nhiều thương hiệu lớn. Ảnh minh họa: Sotheby's.

Theo Monika Arora, người sáng lập PurseBop, khoảng cách giá chênh lệch giữa túi Birkin và đối thủ cạnh tranh gần nhất, túi xách Chanel Classic Flap cỡ trung, đã thu hẹp đáng kể, từ 70% vào năm 2019 xuống chỉ còn 2% vào năm ngoái.

Thêm vào đó, thương hiệu tư nhân Chanel cũng đã tăng giá mẫu túi xách đình đám của mình lên đến 75% kể từ trước đại dịch.

Giá cả tăng vọt trên các sản phẩm chủ đạo từ các nhãn hiệu xa xỉ đang là một xu hướng.

Như mẫu túi Galleria của Prada đang khiến người mua phải trả thêm khoản thanh toán lên đến 4.600 USD, tăng 85% so với năm 2019, theo dữ liệu từ trang lưu trữ internet Wayback Machine. Túi Lady Dior của Christian Dior và túi Neverfull của Louis Vuitton đều tăng giá 45%, theo dữ liệu từ PurseBop.

Mức tăng vọt về giá như trên không chỉ nhằm bù đắp chi phí vật liệu và nhân công cao hơn trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng gần 1/5 từ năm 2019. Đây còn là chiến lược để các thương hiệu xa xỉ duy trì tính độc quyền trong bối cảnh doanh số bán hàng tăng mạnh.

Tuy nhiên, làm thế nào để vừa duy trì "hào quang" độc quyền vừa đạt được doanh số cao, là một thách thức lớn được đặt ra với các thương hiệu tham gia cuộc đua tăng giá này.

Việc tăng giá của Hermès có thể được xem như một nước cờ nhằm duy trì tính độc quyền và vị thế "ngôi vua" trong làng túi xách xa xỉ. Ảnh minh họa: Luxe Digital.

Kiểm soát rủi ro

Ngành hàng xa xỉ đã phát triển ồ ạt những năm gần đây, một phần nhờ đại dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn chi tiêu hơn.

Chỉ riêng mảng thời trang và đồ da của LVMH, quy mô đã tăng gần gấp đôi từ năm 2019, với doanh thu 42,2 tỷ euro (tương đương 45,8 tỷ USD) vào năm ngoái. Gucci, Chanel và Hermès đều đạt doanh thu trên 10 tỷ USD mỗi năm.

Cách phổ biến để tránh việc bày bán quá nhiều sản phẩm là các thương hiệu bắt đầu giảm số lượng nhưng tăng giá bán.

Tuy nhiên, bắt đầu có nhiều khách hàng tiềm năng không còn đủ khả năng mua túi xách xa xỉ, nhưng các thương hiệu không thể mạo hiểm từ bỏ luôn tệp khách hàng này. Điều này có thể giải thích tại sao các thương hiệu như Hermès và Prada ra mắt thêm dòng mỹ phẩm, hay tập đoàn Kering, chủ sở hữu Gucci, đang đẩy mạnh mảng kính mắt. Đây là những mặt hàng giá cả phải chăng hơn, có thể bán với số lượng lớn mà không khiến thị trường bão hòa.

"Mỹ phẩm như sản phẩm 'vô hình', trừ khi bạn thấy ai đó đang thoa son và thấy logo, còn không thì bạn khó có phân biệt được thương hiệu", Luca Solca, nhà phân tích ngành hàng xa xỉ tại Bernstein cho biết.

Việc mở rộng sang phân khúc giá rẻ là một chiến lược hiệu quả để các thương hiệu xa xỉ tiếp cận thị trường rộng hơn. Ảnh minh họa: Prada.

Theo ước tính của Bernstein, phần lớn sự tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ trong năm 2024 đến từ việc tăng giá. Doanh số bán hàng dự kiến tăng 7% trong năm nay, ngay cả khi các thương hiệu chỉ bán thêm 1-2% sản phẩm.

Tuy nhiên, chiến lược hạn chế tăng trưởng về số lượng chỉ hiệu quả nếu thương hiệu đủ nổi tiếng để khách hàng không phàn nàn về việc giá cả leo thang và chuyển sang thương hiệu khác.

Một số công ty có thể đã đẩy giá lên cao hơn mức mà khách hàng cho là xứng đáng. Doanh số bán túi xách của Prada chỉ tăng 1% trong quý gần nhất và Miu Miu, thương hiệu "em gái" giá rẻ hơn của tập đoàn đang phát triển nhanh hơn.

Tăng giá mạnh có thể khiến khách hàng so sánh các thương hiệu với nhau. Với mức giá hơn 2.000 USD, túi Lola nhỏ của Burberry hiện đắt hơn khoảng 40% so với vài năm trước. Người mua hàng xa xỉ có thể nhận ra trong cùng phân khúc giá, túi Neverfull của Louis Vuitton là lựa chọn tốt hơn, vì mức giá rẻ hơn, đồng thời thương hiệu Louis Vuitton cũng giữ giá tốt hơn trên thị trường bán lại.

Giá tăng vọt cũng có thể khiến người mua tìm đến các trang web bán hàng đã qua sử dụng. Nếu mẫu túi Prada Galleria hầu như chưa qua sử dụng được bán với giá 1.500 USD trên trang web bán hàng xa xỉ The Real Real, việc đến cửa hàng để mua chiếc túi hoàn toàn mới với giá gấp 3 sẽ không còn thu hút nữa.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tui-xach-duoc-khao-khat-nhat-the-gioi-lai-tang-gia-post1463684.html