Sự kiện ông Trump bị truy tố là lần đầu tiên một cựu tổng thống Mỹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ truy tố và những diễn biến tiếp theo có khả năng gây bất ổn cho cuộc bầu cử tổng thống 2024, đồng thời đặt ra những thách thức sống còn cho hệ thống tư pháp Mỹ.
Tiền lệ nguy hiểm?
Hôm 30/3, bồi thẩm đoàn Manhattan bỏ phiếu truy tố cựu Tổng thống Trump với hơn 30 cáo buộc liên quan gian lận kinh doanh, bắt nguồn từ việc ông Trump chi tiền "bịt miệng" diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels nhằm tránh rắc rối trước thềm bầu cử tổng thống năm 2016.
Nhiều ngày trước khi quyết định truy tố được đưa ra, ông Trump và những người ủng hộ cáo buộc phe Dân chủ tìm cách biến công cụ tư pháp thành vũ khí nhằm chống lại cựu tổng thống.
"Chúng ta đã ở rất gần nhưng chưa bao giờ rơi vào tình huống như hiện nay. Chưa từng có bất cứ tổng thống nào, dù đương nhiệm hay đã về hưu, bị truy tố", John Dean, công tố viên đặc biệt trong vụ điều tra cựu Tổng thống Richard Nixon, nói.
Bởi nền chính trị Mỹ hiện bị phân cực trầm trọng, vụ truy tố ông Trump được cho là sẽ thay đổi nước Mỹ bất kể kết quả cuối cùng ra sao.
Một số người lo ngại vụ truy tố ông Trump đặt ra tiền lệ nguy hiểm, khiến các tổng thống tương lai dễ trở thành đối tượng công kích của những người kế nhiệm, điều thường xảy ra ở các quốc gia thế giới thứ ba thay vì tại Mỹ.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng nếu ông Trump thực sự phạm pháp, việc không truy tố cựu tổng thống dẫn tới thông điệp có hại rằng những người có quyền có thể trốn sự trừng phạt của pháp luật.
Chiến thuật của ông Trump
Đến nay, ông Trump vẫn một mực khẳng định bản thân vô tội. Trong các rắc rối pháp lý trước đây, cựu tổng thống luôn hành xử như vậy. Trong nỗ lực tự bảo vệ bản thân, ông Trump quay ngược chỉ trích phe Dân chủ và các công tố viên phụ trách vụ truy tố.
Theo Reuters, ông Trump cáo buộc đảng Dân chủ đang vũ khí hóa hệ thống tư pháp nhằm ngăn chặn chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông. Cáo buộc từ ông Trump sẽ làm xói mòn uy tín của cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp trong mắt hàng triệu cử tri, qua đó gián tiếp bôi đen nền dân chủ của Mỹ.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump gọi lệnh truy tố là "đòn tấn công" vào nước Mỹ, điều chưa từng có trong quá khứ.
"Đây cũng là đòn tấn công tiếp theo vào các cuộc bầu cử tự do và công bằng của chúng ta. Nước Mỹ hiện chỉ là một quốc gia thế giới thứ ba, đất nước đang suy thoái trầm trọng. Thật đáng buồn", ông Trump viết.
Giống như mọi công dân Mỹ khác, ông Trump sẽ được coi là là vô tội và hưởng toàn bộ quyền công dân cho đến khi bị tòa án tuyên có tội. Vụ truy tố đặt ra câu hỏi rất căn bản cho hệ thống tư pháp Mỹ, đó là liệu ông Trump có được, hay bị đối xử khác đi bởi là một cựu tổng thống.
Cáo trạng dành cho ông Trump hiện vẫn được niêm phong, vì thế công chúng chưa thể biết chính xác các cáo buộc và chứng cứ chống lại cựu tổng thống là gì.
Các chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi liệu những tội danh như gian lận kế toán hay vi phạm luật bầu cử có đủ nghiêm trọng để biện minh cho quyết định truy tố một cựu tổng thống, người cũng là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử kế tiếp.
Một số nhà quan sát chỉ trích vụ kiện chống lại ông Trump phụ thuộc quá nhiều vào lời khai từ Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump trực tiếp trả tiền cho Stormey Daniels. Ông Cohen đang thi hành án phạt tù, một trong các tội danh của ông này là nói dối quốc hội.
Ngay cả nếu có đủ bằng chứng để kết tội, danh tiếng và tầm ảnh hưởng của ông Trump sẽ khiến vụ truy tố trở thành đề tài đánh giá của công chúng Mỹ. Công tố viên Alvin Bragg, người đứng sau vụ truy tố, đang đứng trước những sức ép lớn. Bất kể kết quả ra sao, ông Bragg vẫn bị coi là người dựng lên vụ án chính trị gây chia rẽ nước Mỹ.
Các đồng minh của ông Trump tại Hạ viện Mỹ đồng loạt lên án Bragg. Trước đó, ông Trump cũng nhiều lần công kích công tố viên Manhattan. Chiến thuật của phe ông Trump là khiến công chúng chống lại vụ truy tố trước khi cựu tổng thống phải hầu tòa, đồng thời kích động nhóm cử tri trung thành với ông Trump và bộ máy truyền thông cánh hữu.
"Phẫn nộ", đó là bình luận duy nhất của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan về lệnh truy tố.
"Người dân Mỹ sẽ không tha thứ cho bất công này. Hạ viện sẽ buộc Alvin Bragg chịu trách nhiệm cho hành vi lạm dụng quyền lực chưa từng có", Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói.
Lãnh đạo số 2 của phe Cộng hòa tại Hạ viện Steve Scalise gọi lệnh truy tố là "ví dụ rõ ràng nhất việc chính phủ cực đoan của đảng Dân chủ tấn công đối thủ chính trị".
Đảo lộn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Hiện còn quá sớm để dự đoán cử tri Mỹ sẽ phản ứng thế nào với lệnh truy tố ông Trump trong các cuộc bầu cử sắp tới. Cũng chưa rõ phiên tòa xét xử ông Trump có thể được tổ chức trước cuộc bầu cử năm 2024 hay không.
Tuy nhiên, lệnh truy tố đã lập tức làm xáo trộn cuộc cạnh tranh trong nội bộ đảng Cộng hòa. Các đối thủ của cựu Tổng thống Trump trong vòng sơ bộ đảng Cộng hòa đã phải nhanh chóng chỉ trích lệnh truy tố nhằm bảo vệ uy tín chính trị trong mắt cử tri bảo thủ.
"Tôi nghĩ bản cáo trạng chưa từng có tiền lệ với một cựu tổng thống Mỹ về vấn đề ngân sách chiến dịch tranh cử là một sự xúc phạm. Với hàng triệu người Mỹ, đây chỉ là vụ án chính trị được dựng lên bởi một công tố viên trước đó tranh cử với lời hứa, theo đúng nghĩa đen, sẽ truy tố cựu tổng thống", cựu Phó tổng thống Mike Pence, nói.
Tương tự, Thống đốc Florida Ron DeSantis không có lựa chọn nào khác ngoài đưa ra chỉ trích với cáo trạng. Thống đốc DeSantis cũng cảnh báo nếu cựu tổng thống không ra trình diện, tiểu bang Florida của ông sẽ không hợp tác với văn phòng công tố viên Manhattan dẫn giải ông Trump về New York để xét xử.
"Việc vũ khí hóa hệ thống tư pháp nhằm thúc đẩy mục tiêu chính trị làm đảo lộn nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Florida sẽ không hỗ trợ yêu cầu dẫn giải tội phạm bởi những điểm đáng ngờ trong vụ án", ông DeSantis nói.
"Cảnh báo của thống đốc Florida là điềm xấu cho thấy những tháng tiếp theo sẽ càng chia rẽ và nguy hiểm hơn cho nước Mỹ, bất kể ông Trump có tội hay vô tội", CNN bình luận.