Ông François-Henri Pinault, CEO của Kering. Ảnh: The New York Times

Doanh nhân

Tỷ phú Pinault mở “khe cửa hẹp” nào cho Kering?

Trong các báo cáo tài chính của LVMH và Hermès, đại diện các tập đoàn tỏ vẻ tự tin dù đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế trong thời gian tới. Trong khi đó, Kering lại cho biết đang cẩn trọng về những bước phát triển trong thời gian tới…

Dưới tài chỉ đạo và đặc biệt luôn để mắt đến các thương hiệu mốt xa xỉ của François-Henri Pinault, tập đoàn kinh doanh hàng thời trang cao cấp Kering đã được thành lập vào năm 2013. Với danh mục đầu tư bao gồm Saint Laurent, Balenciaga, Gucci, Bottega Veneta, Alexander McQueen và Ulysse Nardin, Kering từ đó đã phát triển thành một đế chế trị giá hàng tỷ USD với hơn 38.000 nhân viên.

Bản thân ông Pinault cũng đã nắm giữ một số vị trí cấp cao tại tập đoàn trước khi tham gia vào ban điều hành. Ông cũng là Chủ tịch công ty Artémis, nơi chuyên đầu tư vào nhà đấu giá Christie's, Puma và Artemis Domaines. Giờ đây, bên cạnh các sản nghiệp khác như nhà máy rượu vang ở Bourdeaux và tàu du lịch hải hành ở Marseille, ông Pinault còn là một trong những nhà sưu tập nghệ thuật tư nhân lớn nhất thế giới. Bộ sưu tập của ông bao gồm hơn 3.000 tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn 1,2 tỉ USD.

François-Henri Pinault hiện là một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong ngành thời trang, với khối tài sản gần 40 tỷ USD. Trong những năm qua, sự nghiệp thành công của Pinault bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh được tính toán khôn ngoan với các mối quan hệ đối tác quan trọng. Tuy nhiên, một số quyết định “sinh tử” nhất được ông đưa ra lại bắt nguồn sớm từ Pháp, nơi Pinault khai sáng tập đoàn Kering.

Tuy nhiên, theo tờ Business of Fashion, doanh thu quý 4/2022 của tập đoàn Kering đã sụt giảm nặng nề do đại dịch ở Trung Quốc và nhu cầu mua sắm giảm ở Mỹ. Ngoài những khó khăn về kinh tế vĩ mô đang gia tăng, Kering còn phải đối mặt với những khó khăn nội bộ, như việc thay đổi giám đốc sáng tạo của Gucci và tranh cãi xung quanh chiến dịch quảng bá BST của Balenciaga.

Với danh mục đầu tư bao gồm Saint Laurent, Balenciaga, Gucci, Bottega Veneta, Alexander McQueen... Kering là một đế chế trị giá hàng tỷ USD.

Mới đây nhất, tập đoàn cũng vừa báo cáo tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong quý 1/2023. Theo đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn Kering đạt 5.08 tỉ Euro, chỉ tăng 1% so với quý trước, một con số rất nhỏ khi so với hai tập đoàn Pháp đối thủ là LVMH (+17%) và Hermès (+23%). Thương hiệu cho biết tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi lạm phát và sự tẩy chay thương hiệu Balenciaga vẫn đang tiếp diễn. Thị trường Bắc Mỹ cũng chậm lại trong khi Trung Quốc có tiến triển tốt. Chí ít quý 1/2023 có sự tăng trưởng thay vì giảm –2% như quý trước đó.

Cụ thể hơn, doanh số bán hàng thuần túy của Gucci đã tăng 1% so với mức giảm 14% trong ba tháng trước đó, do bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của Alessandro Michele và giai đoạn chuyển tiếp khi công ty chờ Stefano de Sarno tiếp quản hoàn toàn vị trí giám đốc sáng tạo. Doanh số bán hàng của Bottega Veneta không thay đổi trong quý đầu tiên, so với mức tăng 6% trong ba tháng trước đó. Doanh thu của Saint Laurent tăng 8%, trong khi doanh thu của Balenciaga tiếp tục giảm 9% sau khi giảm 4% trong quý 4/2022, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Trung Đông.

Bắt kịp xu hướng, các thương hiệu trang sức của Kering, bao gồm Boucheron và Qeelin, đã đạt mức tăng trưởng hai con số trong quý và thương hiệu trang phục nam Brioni có doanh thu ấn tượng, thể hiện rõ tầm quan trọng của khách hàng cao cấp. “Kết quả hoạt động của Kering trong quý đầu tiên vẫn không ổn định, như chúng tôi đã dự đoán. Trong khi chúng tôi nỗ lực nâng cao mức danh tiếng của các thương hiệu tại các thị trường trọng điểm, chúng tôi được khuyến khích bởi sự cải thiện dần dần hoạt động hàng tháng trong giai đoạn này," ông Pinault nói với tờ Financial Times.

Gucci cũng đã khai trương cửa hàng Gucci Salon ở Los Angeles dành riêng cho khách VIP.

Sắp tới, trọng tâm chiến lược của ông Pinault và Kering vẫn là tăng cường sức ảnh hưởng của thương hiệu Gucci tại thị trường Trung Quốc với việc khai mạc Gucci Cosmos Show ở Thượng Hải. Ngoài ra, Kering cũng đưa ra những chiến lược tập trung vào giới thượng lưu vì các thương hiệu trang sức cao cấp của hãng gồm Boucheron và Qeelin, cũng như các thương hiệu “quiet luxury” Brioni và Saint Laurent, đều có doanh thu tốt trong quý 1/2023. “Trong giai đoạn này, nhóm khách hàng tiềm năng có nhu cầu mua sắm yếu hơn nhóm VIP”, ông Jean-Marc Duplaix, Giám đốc tài chính của Kering, lý giải.

Có thể hiểu, "lối thoát hiểm" mà tập đoàn lựa chọn là ưu tiên đầu tư cho phân khúc VIP, hạn chế khuyến mãi sản phẩm, giảm lượng hàng ở các cửa hàng giảm giá (outlet). Các sản phẩm mới ra mắt cũng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng này. Ví dụ, Saint Laurent vừa tung ra dòng trang sức fine jewelry đầu tay, làm bằng vàng thật và nạm kim cương, đá quý.

Tháng trước, Gucci cũng đã khai trương cửa hàng Gucci Salon ở Los Angeles. Không gian này được dành riêng cho các khách hàng VIP của thương hiệu. Đây là không gian tiếp đón những người không ngại rút hầu bao để thưởng thức thú vui mua sắm riêng tư, hoặc thích đặt Gucci chế tác các sản phẩm made-to-order được làm riêng theo ý thích của mình. Giá cả của một sản phẩm tại đây có thể lên đến hàng triệu Euro, theo một tiết lộ từ ông François-Henri Pinault.

Hiện Kering cần phải tìm cách để phục hồi doanh số bán hàng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bê bối của Balenciaga.

Để cứu vãn danh tiếng cho Balenciaga, Kering đã thông báo rằng thương hiệu sẽ hợp tác với Liên minh Trẻ em Quốc gia (NCA) cho dự án trong vòng 3 năm tới. Bên cạnh mục tiêu giúp chữa lành những đứa trẻ bị tổn thương, lần hợp tác này còn giúp thương hiệu ý thức hơn về những hành động bảo vệ trẻ em sau này. Kering cũng tạo ra một vị trí giám sát “an toàn thương hiệu” sau vụ việc trong tập đoàn. Giám đốc tài chính Jean-Marc Duplaix cho biết tác động thương mại của vụ bê bối quảng cáo của Balenciaga hy vọng sẽ giảm dần từ quý 2/2023.

Kering cũng đã xác nhận rằng họ đang thành lập một bộ phận làm đẹp để phát triển hạng mục này cho một số thương hiệu của mình như Alexander McQueen, Bottega Veneta và Balenciaga. Điều này cho thấy tập đoàn xa xỉ của Pháp đang có kế hoạch phát triển nhiều hơn phân khúc làm đẹp bằng cách tung ra các loại nước hoa mới, vì tập đoàn này nhận thấy tiềm năng hợp tác thông qua các khoản đầu tư. Họ đang để mắt đến các dự án M&A (sát nhập và mua lại) có thể hỗ trợ cho việc đầu tư vào ngành đang rất có triển vọng này.

Vì các thương hiệu chủ chốt đều đang trong thời kỳ thay đổi, Kering “rất khiêm tốn” về tham vọng của mình cho năm 2023. Ông Jean-Marc Duplaix chia sẻ: “Công việc chúng tôi đang làm tại tập đoàn là một hành trình, không phải một cuộc đua và chúng tôi không kỳ vọng nó sẽ đơm hoa kết trái trong thời gian ngắn. Nhưng chúng tôi rất được khuyến khích bởi những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được cho đến nay, cam kết của tất cả các nhóm khách hàng và phản ứng của thị trường”.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/ty-phu-pinault-mo-khe-cua-hep-nao-cho-kering.htm