Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB (Singapore) vừa có báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2024 với triển vọng lạc quan.
Cụ thể, các chuyên gia phân tích tại đây cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp.
Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%/năm.
Lãi suất sẽ được giữ ổn định
Tuy nhiên, UOB đánh giá với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không loại trừ.
Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về chính sách lãi suất. Vì vậy, UOB cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm.
"Thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế", các chuyên gia nêu trong báo cáo.
Tuy vậy, UOB cho rằng một lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng lại khá mờ nhạt vào đầu năm nay. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 25/3 mới đạt 0,26%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,99% cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, tín dụng ngân hàng đã tăng 13,5%, thấp hơn so với mục tiêu 14-15% đặt ra cho cả năm, do cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp.
Đến năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.
Theo UOB, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Một yếu tố là do số lượng doanh nghiệp thoái vốn trong năm 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại đây cho rằng sẽ có thêm công cụ để NHNN triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi gần đây, dự kiến có hiệu lực từ 1/7, tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần tài sản thế chấp.
Từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.
Điều này phản ánh cam kết và các công cụ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% năm 2024
Với kết quả tăng trưởng trong quý I/2024 đạt được như kỳ vọng và là sự khởi đầu tích cực. UOB dự báo triển vọng cho năm 2024 của Việt Nam vẫn tích cực dù các rủi ro ngược vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế trong năm nay.
Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% vào năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6-6,5%
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB (Singapore)
"Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% vào năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6-6,5%", UOB nhận định.
Trước đó, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho biết GDP thực tế của Việt Nam đã tăng 5,66% trong quý I/2024, kéo dài đà tăng 6,72% trong quý IV/2023 và 5,33% trong quý III/2023, đồng thời vượt xa mức tăng 3,41% trong quý I/2023.
Đây cũng là mức tăng trưởng quý I tốt nhất từ năm 2020 đến nay. Kết quả này cao hơn một chút so với dự báo 5,5% của UOB đưa ra trước đó và thấp hơn ước tính trung bình của Bloomberg là 6,4%. "Nhưng đây vẫn là một khởi đầu tích cực cho năm 2024 sau một năm đầy thử thách", các chuyên gia tại UOB nhấn mạnh.
Theo các số liệu công bố, tăng trưởng quý I của Việt Nam được thúc đẩy bởi sự đóng góp từ các ngành có tỷ trọng lớn như công nghiệp và xây dựng (+6,3% so với cùng kỳ) và dịch vụ (+6,1%), trong khi sản lượng của ngành nông nghiệp tăng gần 3% so với cùng kỳ.
Theo đó, các lĩnh vực này lần lượt chiếm 41,7%, 52,2% và 6,1% trong mức tăng trưởng chung của quý đầu năm nay. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách thị thực thuận lợi và các chương trình khuyến khích du lịch. Đồng thời kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực ghi nhận một xu hướng đi lên.