Theo cáo trạng, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (viết tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh) được thành lập vào năm 1993, vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng. Để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, Đỗ Anh Dũng đã thành lập thêm 45 công ty, trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, CTCP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông.
Các công ty này được ông Dũng thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp tại các công ty khác, rồi chỉ định người nhà hoặc các cá nhân, pháp nhân liên quan đứng tên góp vốn, sở hữu cổ phần.
Hợp thức hóa hồ sơ phát hành trái phiếu
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng đã chỉ đạo một số nhân viên thực hiện hành vi gian dối hợp thức phương án phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tạo dựng việc mua bán trái phiếu bằng cách chạy dòng tiền “khống”, qua đó tạo lập giá trị trái phiếu “ảo”, hợp thức trái chủ sang cho Công ty Tân Hoàng Minh, sau đó bán trái huy động, chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng. Số lượng bị hại được xác định là hơn 6.600 người.
Cáo buộc thể hiện, thời điểm đầu năm 2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Để có nguồn tài chính, ông Dũng đã chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, tìm phương án, cách thức huy động vốn cho tập đoàn.
Sau khi thống nhất, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Theo quy định tại điểm b, đ, khoản 1, Điều 9 và điểm b, khoản 4, Điều 12 Nghị định 153/2020NĐ-CP ngày 31/12/20220 quy định về điều kiện, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phải đáp ứng: “… thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện….”.
Cáo buộc thể hiện, các bị cáo nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính của Công ty Ngôi sao Việt, Công ty Soleil, Công ty Cung điện Mùa Đông về các chỉ tiêu tài chính, khoản nợ, ghi nhận lãi khống…
Bị cáo Phùng Thế Tính (Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính – kế toán) liên hệ với Bùi Thị Ngọc Lân, giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt để thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi sao Việt, Công ty Soleil và Lê Văn Dò, Tổng giám đốc Công ty TNHH kiểm toán và Kế toán Hà Nội kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Cung điện Mùa Đông.
Các công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến “chấp nhận toàn phần” trong thời gian nhanh nhất để phục vụ mục đích phát hành trái phiếu cho Công ty Tân Hoàng Minh. Đến tháng 12/2021, Phùng Thế Tính nghỉ việc nên Hoàng Quyết Triến tiếp tục trao đổi, thống nhất với bị cáo Dò thực hiện Báo cáo kiểm toán năm 2021 của Công ty Cung điện Mùa đông.
Quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên không thực hiện đúng các quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, nhiều khoản mục chính chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng kiểm toán nhưng vẫn ký phát hành báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến “chấp nhận toàn phần”.
Theo cáo trạng, bị cáo Lê Văn Dò, Phan Anh Hùng, Phó giám đốc Công ty CPA Hà Nội; Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng nhóm kiểm toán Công ty CPA Hà Nội đã hợp thức báo cáo kiểm toán giúp cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh tạo lập các điều kiện gian dối trong việc phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, các công ty thẩm định giá tài sản cũng thực hiện không đúng khoản 1, khoản 4, mục II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hồng Sơn, Nguyễn Khoa Đức đại diện Công ty Ngôi sao Việt, Công ty Solei, Công ty Cung điện Mùa Đông ký văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để công bố thông tin chào bán 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành là 10.030 tỷ đồng.
Để Công ty Tân Hoàng Minh hợp thức trở thành trái chủ sơ cấp, từ ngày 5/7/2021 đến ngày 4/3/2022, Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho các cá nhân dưới quyền ký các hợp đồng “giả cách” mua lại các gói trái phiếu đã phát hành.
Để bán trái phiếu rộng rãi ra cho người dân, “lách” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (về đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), ông Dũng đã thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh, ủy quyền cho cấp dưới và 21 cá nhân tại các công ty trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh ký các hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu, thu hơn 13.972 tỷ đồng. Số tiền thu được sử dụng hết, không đúng với mục đích, phương án phát hành.
Lời khai của các bị cáo
Là người trả lời xét hỏi đầu tiên, bị cáo Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) cho biết, năm 2021 là lúc COVID-19, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong việc huy động vốn, khó khăn về tín dụng, có nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không thể vay được tiếp.
Bị cáo Việt cũng nói rõ chủ trương huy động vốn là từ Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đề ra. Bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng. Cụ thể, bị cáo Việt khai bản thân đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn công ty phát hành trái phiếu, liên hệ với công ty kiểm toán để kiểm toán tài chính với mục đích là kiểm toán toàn phần.
Trong vụ án này, thiệt hại được xác định là hơn 8.643 tỉ đồng, với hơn 6.630 bị hại. Bị cáo Việt thừa nhận con số này và cho biết đến nay đã khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Còn bị cáo Lê Thị Mai (Phó giám đốc thường trực Ban Nguồn vốn, Trung tâm Tài chính-Kế toán) bị cáo buộc tham gia việc tạo dựng hồ sơ phát hành của 2 gói trái phiếu, giúp sức cho bị cáo Dũng chiếm đoạt 1.753 tỷ đồng. Tại tòa, bà Mai khai nhận “biết hồ sơ phát hành là tạo dựng nhưng không biết hậu quả hành vi nghiêm trọng đến vậy”. Bị cáo này cho biết “rất hối hận”.
Đối với các cá nhân tại Công ty Tân Hoàng Minh có hành vi ký và tham gia một số thủ tục để phát hành các gói trái phiếu; tham gia soạn thảo các biên bản họp, nghị quyết các công ty, hợp đồng kinh tế (hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần) giữa công ty phát hành và các công ty, cá nhân trong Tân Hoàng Minh và biết các thủ tục này chỉ là tạo dựng ký khống để có hồ sơ phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn. Họ còn tham gia thủ tục “chạy” dòng tiền “khống” liên quan việc phát hành, mua bán trái phiếu sơ cấp giữa các công ty trong Tân Hoàng Minh.
Cơ quan điều tra xác định họ phải thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo; không được tham gia họp bàn, không biết các thủ tục phát hành trái phiếu được lập khống, hợp thức hóa các điều kiện phát hành.
“Những cá nhân này tham gia có mức độ; là những người có quan hệ lệ thuộc, cấp dưới, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của lãnh đạo; thành khẩn, hợp tác khai báo và phối hợp khắc phục nên theo quy định, họ không bị xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị xử lý hành chính là có căn cứ”, cáo trạng nêu.
Tương tự, các cá nhân khác được ông Dũng ủy quyền để ký các giấy tờ, hồ sơ trong các bộ hợp đồng mua bán trái phiếu, đặt cọc, xác nhận thanh toán, thanh lý hợp đồng… với nhà đầu tư; đứng tên pháp nhân hoặc cổ phần, vốn góp tại các công ty, có hành vi ký các thủ tục như biên bản họp, nghị quyết, hợp đồng kinh tế để hợp thức hồ sơ phát hành, chào bán trái phiếu.
Kết quả điều tra xác định, họ không tham gia vào quy trình, thủ tục để phát hành trái phiếu, không biết việc tạo dựng, hợp thức thủ tục, chạy dòng tiền để phát hành trái phiếu trái quy định; không có quyền quản lý, điều hành các công ty nên kiến nghị xử lý hành chính là phù hợp.
Các đối tượng tại các công ty thẩm định giá khác, các cá nhân tại các ngân hàng tham gia ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm và tài khoản trái phiếu không có dấu hiệu thông đồng, thỏa thuận với các tổ chức phát hành nên không bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.