Phiên giao ngày 10/4 tiếp tục ghi nhận biến động mạnh của mặt hàng vàng nhẫn 9999.
Giá mỗi lượng vàng nhẫn được các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh từ 650.000 đồng đến 1,1 triệu đồng, kéo giá bán ra của mặt hàng này gần chạm mốc 79 triệu đồng/lượng, chính thức xác lập đỉnh lịch sử mới.
Tăng hơn 1 triệu đồng một ngày
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng nhẫn SJC 99,99 ở 75 - 76,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 700.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán ra so với kết phiên liền trước.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn thậm chí đã tiệm cận mốc 79 triệu đồng/lượng. Chiều mua vào được doanh nghiệp này nâng lên hơn 76,98 triệu/lượng, còn giá bán ra đạt 78,58 triệu đồng, tương ứng mức tăng 1,1 triệu đồng so với kết phiên liền trước.
Tương tự, Tập đoàn DOJI cũng báo giá giao dịch vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng ở 76,8 - 78,6 triệu/lượng, tăng 650.000 đồng ở chiều mua và 750.000 đồng ở chiều bán. Tuy không có mức tăng mạnh nhất phiên hôm nay nhưng giá vàng nhẫn tại DOJI đang neo cao nhất thị trường, vượt cả Bảo Tín Minh Châu.
Với mặt hàng vàng miếng, sau đà giảm bất ngờ sáng nay, đến phiên chiều, SJC và DOJI đã quay đầu điều chỉnh tăng nhẹ giá mặt hàng này khoảng 200.000 đồng/lượng. Trong khi Bảo Tín Minh Châu, PNJ và Mi Hồng neo giá vàng miếng đi ngang. Hiện vàng miếng đang được bán ra quanh mốc 82-82,6 triệu đồng/lượng.
Đà tăng nhanh của vàng nhẫn khiến khoảng cách giữa mặt hàng này với vàng miếng SJC ngày càng thu hẹp. Hiện, mỗi lượng vàng nhẫn chỉ kém hơn 4 triệu đồng so với vàng miếng. Đây cũng là mức chênh lệch thấp nhất ghi nhận được trong vài năm trở lại đây.
Cần sớm điều chỉnh Nghị định 24
Thực tế, vàng nhẫn đang trải qua đợt tăng giá mạnh nhất từ trước đến nay. Chỉ tính riêng trong ngày 9/4, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đều tăng vọt hơn 2 triệu đồng/lượng lên mức hơn 77 triệu đồng/lượng vàng nhẫn và gần 85 triệu đồng/lượng vàng miếng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC phá vỡ kỷ lục.
Thế nhưng chưa có đợt tăng giá nào lại nhanh và mạnh như đợt tăng trong phiên 9/4. Nếu tính chung trong 2 phiên giao dịch 9-10/4, giá vàng nhẫn và vàng miếng đã tăng gần 5 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh bảng giá từng phút, từng giờ.
Khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được bảo hộ thì người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa. Giá vàng theo đó sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm trễ sửa Nghị định 24 sẽ liên quan đến độc quyền vàng miếng SJC cũng như việc nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước diễn biến khó lường, liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng nhấn mạnh nếu không tăng nguồn cung thì không có cách nào giảm chênh lệch giá.
Đây là vấn đề cung - cầu, độc quyền nên tắc nghẽn nguồn cung, không giải quyết thì chênh lệch sẽ càng ngày càng tăng. Thị trường 10 năm qua đã chứng tỏ điều này, không có biện pháp hành chính nào có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng.
Còn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu NHNN bỏ độc quyền vàng, giá vàng miếng lập tức sẽ giảm thêm 10 triệu mỗi lượng. Việc xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới là điều cần thiết.
“Khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được bảo hộ thì người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa. Giá vàng theo đó sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền", ông Hiếu nói.
Hiện trên thế giới, giá vàng giao ngay đã giảm 5 USD so với chốt phiên hôm qua để giao dịch quanh mức 2.348 USD/ounce. Quy đổi sang tiền Việt (chưa bao gồm thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương gần 71,4 triệu đồng/lượng.
Với mức giá này, giá vàng thế giới đang cao hơn vàng miếng SJC gần 13 triệu đồng/lượng. Mức chênh này với vàng nhẫn 9999 đã nâng lên hơn 7 triệu đồng/lượng.