BYD - hãng xe xanh lớn nhất thế giới - đã xác nhận sẽ bắt đầu chinh phục thị trường ôtô Việt Nam từ tháng 6. Động thái này nhiều khả năng sẽ là sự khởi đầu cho làn sóng ôtô Trung Quốc, được dự báo sẽ tiếp tục đổ bộ thị trường xe Việt trong thời gian sắp tới với hàng loạt thương hiệu như Tank (thuộc Great Wall Motors) hay Omoda và Jaecoo của tập đoàn Chery.
Lý giải cho việc chọn Việt Nam là điểm đến sau cùng trong khu vực Đông Nam Á, ông Liu Xue Liang, Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD châu Á - Thái Bình Dương, từng cho biết BYD đánh giá Việt Nam là một thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng.
Tuyên bố của lãnh đạo hãng xe Trung Quốc dường như không phải chỉ là lời nói mang tính chất xã giao, bởi những thị trường ôtô ít tiếng tăm như Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trên tiến trình phát triển của thương hiệu BYD.
Dẫn đầu thế giới, nhưng chủ yếu từ thị trường nội địa
Trong quý cuối năm ngoái, BYD từng vượt qua Tesla để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới. Tổng doanh số ôtô thuần điện của BYD đạt 526.409 xe ở giai đoạn 3 tháng cuối năm, nhỉnh hơn kỷ lục doanh số 484.507 xe mà Tesla sở hữu trong cùng kỳ.
Dù vậy, Tesla vẫn xếp trên BYD khi năm 2023 khép lại nhờ doanh số lũy kế trong năm vừa rồi đạt 1,8 triệu xe. Trong khi đó, tổng doanh số xe thuần điện thương hiệu BYD đạt khoảng 1,57 triệu xe trong năm 2023, bên cạnh 1,45 triệu xe plug-in hybrid khác.
Như vậy với hơn 3,02 triệu xe xanh bán ra trong năm 2023, BYD mới là hãng xe năng lượng mới sở hữu doanh số tốt nhất trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, thành tích ấn tượng mà BYD đạt được lại phần lớn xuất phát từ quê nhà, nơi thị trường xe điện đang ghi nhận sự cạnh tranh quyết liệt.
Thống kê từ Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA) cho thấy riêng tại Trung Quốc, doanh số BYD trong năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng 43,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,57 triệu xe và tương đương gần 11,9% thị phần.
Thành tích này đưa BYD trở thành hãng xe hàng đầu Trung Quốc, xếp trên Volkswagen (gần 2,23 triệu xe), Toyota (1,7 triệu xe) hay Honda (gần 1,2 triệu xe) và Changan với hơn 962.000 xe trong cùng kỳ.
Với hơn 2,57 triệu xe bán ra tại Trung Quốc trong năm vừa rồi, chỉ riêng thị trường quê nhà đã đóng góp khoảng 85% tổng doanh số mà BYD đạt được trên toàn cầu. Chi tiết hơn, lượng xe thuần điện thương hiệu BYD bán ra tại Trung Quốc trong năm 2023 là 1,32 triệu xe, chiếm đến hơn 84% tổng doanh số ở mảng ôtô thuần điện của hãng.
Rất cần thị trường nước ngoài, nhưng gặp khó ở Âu-Mỹ
Với một hãng xe đang tăng trưởng tốt như BYD, việc doanh số chủ yếu đến từ thị trường nội địa có lẽ sẽ là không đủ. Để trở thành cái tên đủ mạnh trong ngành ôtô thế giới, BYD cần mở rộng sức ảnh hưởng của mình ra nhiều thị trường khác nhau, tương tự cách mà các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Âu, Mỹ đang thực hiện.
Tuy nhiên bước ra ngoài đường không giống như ở nhà. BYD nói riêng và các hãng xe Trung Quốc nói chung "bó tay" khi muốn xâm nhập thị trường Bắc Mỹ vì các rào cản thương mại.
Tại châu Âu, tình hình cũng chẳng khả quan hơn. Doanh số của BYD tại châu Âu chỉ đạt 15.644 xe trong năm vừa rồi, theo dữ liệu từ DataForce.
Chuyên trang Financial Times cho biết nhiều bến cảng tại châu Âu đang rơi vào tình trạng quá tải do số lượng lớn các ôtô nhập khẩu, biến nơi đây thành bãi đỗ xe của các nhà sản xuất ôtô.
Sự đổ bộ ồ ạt của ôtô điện Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này, bởi một số công ty đưa sản phẩm cập cảng châu Âu nhưng chưa tính đến phương án vận chuyển tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất ôtô cũng đang gặp khó khăn trong việc đặt xe vận chuyển do thiếu tài xế và không có đủ thiết bị để di chuyển ôtô từ cảng lên xe.
Chuyên trang Financial Times dẫn lời một số chuyên gia trong ngành cho biết các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang không thể bán xe nhanh như kỳ vọng. Điều này được cho là góp phần không nhỏ vào tình trạng ùn ứ đang diễn ra tại các bến cảng châu Âu.
Với riêng BYD, giá xe có thể là nguyên nhân khiến sức bán của hãng tại thị trường châu Âu rơi vào tình trạng trì trệ. Cụ thể, một số showroom BYD ở Đức đang niêm yết giá xe cao hơn gấp nhiều lần so với những gì khách hàng Trung Quốc phải trả.
Ví dụ, BYD Atto 3 phiên bản nâng cấp có giá niêm yết tương đương 19.282 USD tại thị trường Trung Quốc, nhưng khách hàng Đức sẽ phải trả khoản tiền tương đương 40.649 USD để sở hữu. Với BYD Seal, khoảng chênh lệch là hơn 17.800 USD, trong khi khách hàng Đức phải chi nhiều hơn gần 21.000 USD so với khách hàng Trung Quốc để sở hữu BYD Dolphin.
Thậm chí, Tesla Model 3 cũng có sự chênh lệch giá bán đáng kể giữa 2 thị trường. Tại Trung Quốc, phiên bản RWD của mẫu xe này được niêm yết với mức tương đương 31.986 USD, trong khi khách hàng Đức chỉ có thể sở hữu xe ở mức giá 43.859 USD.
Chuyên trang Reuters nhận định khoảng chênh lệch giá bán nói trên phản ánh sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc, nơi hàng chục thương hiệu xe điện đang tham gia vào cuộc chiến giá xe.
Ben Townsend - người đứng đầu mảng ôtô của Thatcham Research - khi chia sẻ với Reuters đã cho rằng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, với BYD là lá cờ đầu, đang hài lòng với việc giữ cho giá xe tại các thị trường nước ngoài ở mức cao, từ đó thu về được lợi nhuận.
Chuyên gia này cho rằng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc thường gặp khó trong việc thu về một khoản lợi nhuận nhỏ hoặc thậm chí là khó có thể hòa vốn ngay trên thị trường tại quê nhà.
“Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc không tìm cách hạ giá xe tại châu Âu. Họ đang tìm cách kiếm thêm lợi nhuận”, Ben Townsend kết luận.
Ở thời điểm hiện tại, nếu muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, BYD phải tìm kiếm cơ hội tại các thị trường ít tên tuổi như Mexico, Brazil, Uzbekistan hay các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đông Nam Á - điểm đến mới hấp dẫn
Những lý do cả khách quan lẫn chủ quan nói trên dường như là lý do khiến BYD chuyển hướng sang các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia. Những động thái gần đây cho thấy BYD đang xem khu vực này như một điểm tựa quan trọng trong nỗ lực mở rộng sức ảnh hưởng trên thị trường ôtô toàn cầu.
Năm ngoái, BYD đã trở thành hãng xe điện bán chạy nhất Thái Lan với doanh số hơn 30.500 xe. Mẫu xe điện được người Thái ưa chuộng nhất trong năm 2023 cũng là Atto 3, một sản phẩm của thương hiệu BYD. Sau 12 tháng của năm vừa rồi, doanh số BYD Atto 3 đạt 19.214 xe, trội hơn thành tích bán hàng 12.777 chiếc của mẫu xe đồng hương Neta V trong cùng kỳ.
BYD cũng công bố gia nhập thị trường Indonesia từ đầu năm nay bằng các mẫu xe điện bao gồm BYD Dolphin, BYD Seal và BYD Atto 3. Chiến lược của BYD tại thị trường Việt Nam cũng không có sự khác biệt khi 3 cái tên kể trên sẽ tham gia vào màn chào sân của thương hiệu ôtô Trung Quốc đến khách hàng Việt, dự kiến trong tháng 6.
Tham vọng mở rộng sức ảnh hưởng ra các thị trường mới nổi còn được BYD thể hiện thông qua động thái thiết lập hàng loạt cơ sở sản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Mới đây nhất, BYD công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Indonesia, bổ sung thêm một địa chỉ sản xuất vào danh sách các nhà máy hiện có của BYD ở Thái Lan, Uzbekistan, Brazil và Hungary.
Chuyên trang Car News China cho biết BYD đang cân nhắc xây dựng thêm một nhà máy xe điện tại Mexico, trước tiên nhằm phục vụ cho thị trường Nam Mỹ. Trong khi đó, lãnh đạo BYD châu Á - Thái Bình Dương cho biết vẫn giữ kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác.
Riêng tại Việt Nam, thị trường xe điện vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, không chỉ với riêng BYD mà dành cho tất cả hãng xe đang có mặt. Bên cạnh những mẫu xe thuần điện, các hãng sản xuất ôtô đang kinh doanh tại Việt Nam còn trình làng thêm một số lựa chọn hybrid, xem đây như một bước đệm để khách hàng dần làm quen với giao thông xanh.
Cơ sở hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam cũng đang phát triển theo chiều hướng tương đối tích cực. Bên cạnh VinFast với mạng lưới hơn 150.000 trụ sạc đa dạng công suất, các công ty tư nhân như EV One hay V-GREEN cũng được cho là sẽ đóng góp hữu hiệu vào nỗ lực xóa bỏ lo ngại về phạm vi hoạt động cũng như cách thức sạc pin của xe điện.
Bên cạnh đó, xe điện còn đang được hưởng ưu đãi phí trước bạ 0% đến hết năm 2025 theo nội dung Nghị định 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đây được xem là một trong những lợi thế lớn của xe điện, đồng thời là yếu tố giúp các hãng xe mạnh tay đưa ôtô điện về chinh phục khách hàng Việt Nam.
Nhìn chung, thị trường Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang trở thành một điểm đến khá hấp dẫn với các hãng xe Trung Quốc nói chung và BYD nói riêng. Thậm chí có thể coi khu vực này là tối quan trọng của BYD, khi châu Âu và Mỹ dường như không có nhiều thiện chí với các hãng xe Trung Quốc.
Tất nhiên Việt Nam sẽ không phải thị trường dễ dàng để BYD gặt hái thành công nhanh chóng. BYD muốn ra mắt xe vào tháng 6 với 20 showroom lập tức kinh doanh và thậm chí tham vọng mở 50 showroom trong năm 2024, tuy nhiên hãng xe Trung Quốc sớm nhận bất ngờ khi đối tác đại lý đầu tiên và được cho là lớn nhất đã tuyên bố "dừng cuộc chơi".
Rõ ràng nếu không có những bước đi chuẩn xác và những đầu tư hợp lý, không dễ để BYD hái quả ngọt. Bài viết tiếp theo trên Tri Thức - Znews sẽ nói thêm về câu chuyện của BYD tại Việt Nam.