Doanh nghiệp

Vì sao cứ đến Tết là giao hàng lại quá tải?

Nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng tăng mạnh vào cuối năm. Trong khi đó, các đơn vị vận chuyển lại không thể đáp ứng được nhu cầu do thiếu lao động, năng lực logistics.

Kể từ giữa tháng 1 đến nay, chị Thu Trà - chủ gian hàng online chuyên bán đồ gia dụng tại Hà Nội - thường cùng chồng dành 7-8 tiếng/ngày để đóng hàng. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng lại có xu hướng tăng đột biến, đẩy doanh số của người bán này lên cao gấp 3 lần ngày thường, dao động 100-140 đơn/ngày.

Thế nhưng, đứng trước mùa kinh doanh sôi động nhất năm, vợ chồng chị Trà lại luôn ở trong tâm thế bất an. “Các tuyến giao hàng đều quá tải. Dù đã vài ngày trôi qua nhưng trạng thái của hầu hết đơn hàng đều là đang nhập kho hoặc đã giao đến bưu cục, tức hàng vẫn chưa được giao cho khách, thậm chí chúng chưa được xuất kho”, chị bức xúc.

Người bán đối mặt nguy cơ lỗ lớn

Dù Tết Nguyên đán còn cách hơn một tuần nữa, một số bưu cục và đơn vị vận chuyển đã thông báo ngừng nhận đơn, sớm hơn nhiều so với lịch trình dự kiến được thông báo trước đó. Doanh số cao nhưng không thể giao đến tay khách hàng, chị Trà buộc phải tìm đến những dịch vụ vận chuyển đắt đỏ hơn.

Thông thường, mỗi đơn hàng gửi tại Giao Hàng Nhanh (đơn vị quen thuộc của người bán này) chỉ tốn trên dưới 20.000 đồng phí vận chuyển. Đây vốn là mức giá ưu đãi mà hãng dành riêng cho những nhà bán có sản lượng hàng hóa cao.

Trong khi đó, cùng một tuyến giao, chị sẽ phải trả mức phí cao gấp đôi nếu chuyển sang đơn vị vận chuyển khác. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, việc tìm thấy đơn vị vận chuyển còn nhận hàng giao liên tỉnh đã được xem là may mắn.

Nhà bán hàng chấp nhận chịu lỗ để giao hàng đến tay khách. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Chúng tôi nhận được 560 đơn hàng trong 4 ngày trở lại đây. Tuy nhiên mới chỉ có 200 đơn được giao thành công, 120 đơn đang lưu kho ở Giao Hàng Nhanh, 89 đơn ở trạng thái chờ shipper giao cho khách. Phần còn lại đang mắc kẹt ở cửa hàng vì bên nào cũng quá tải”, Thu Trà cho biết.

Theo chị, một số hãng như Viettel Post đã dừng giao vào miền Trung. Đơn vị cũng chỉ cung cấp dịch vụ giao nhanh hoặc hỏa tốc nếu đơn hàng có địa chỉ quanh Hà Nội.

Đáng nói, chi phí cho mỗi đơn hàng giao nhanh có thể lên tới 89.000-92.000 đồng. Phí ship hỏa tốc thậm chí còn cao hơn, dao động 130.000-140.000 đồng. Ước tính cứ 100 đơn hàng là có 30 đơn phải sử dụng dịch vụ giao nhanh. Dĩ nhiên, cửa hàng sẽ là bên gánh phần lớn chi phí.

Do biên lợi nhuận của các sản phẩm gia dụng rất thấp, người bán này cho biết 140 đơn hàng còn lại đang đứng trước nguy cơ lỗ do bị chi phí bào mòn.

Năng lực logistics chưa tương xứng

Logistics được đánh giá là "xương sống" trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử (TMĐT). Theo nghiên cứu của CBRE, cứ 1 tỷ USD doanh thu TMĐT sẽ cần 93.000 m2 kho bãi. Như vậy, ước tính đến năm 2025, nhu cầu về kho bãi ở Việt Nam đòi hỏi hơn 2 triệu m2 khi thị trường đạt quy mô 39 tỷ USD.

Bên cạnh những thương hiệu lớn như Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh, Best Express, J&T Express, các sàn TMĐT cũng nhảy vào cuộc chơi e-logistics, điển hình như SPX của Shopee hay LEX Lazada.

Tháng 3/2023, Lazada đã khánh thành Lazada Logistics Park tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương) với trung tâm phân loại hàng hóa rộng gần 20.000 m2. Đây là trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ áp dụng công nghệ cao.

Các công ty logistics đua nhau mở rộng quy mô để chiếm thị phần giao vận. Ảnh: Lazada.

Đối thủ của Lazada là Shopee cũng không hề kém cạnh khi khánh thành trung tâm phân loại tại Khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh) 6 tháng sau đó. Với tổng diện tích lên đến 100.000 m2, đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng xử lý 2,5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn 1 và nâng công suất lên 5 triệu bưu kiện ở giai đoạn 2.

Hay mới nhất ngay giữa tháng 1, Viettel Post cũng khai trương tổ hợp chia chọn thông minh sử dụng robot tự hành, qua đó nâng công suất xử lý lên 1,4 triệu bưu kiện/ngày, tăng 40% so với trước đây. Tổng mức chịu tải toàn hệ thống của Viettel cũng tăng lên 4 triệu bưu kiện/ngày.

Tuy nhiên, bất chấp cuộc đua bành trướng quy mô, lưu lượng hàng hóa trong những ngày cuối năm luôn khiến nhiều đơn vị giao vận bị choáng ngợp. Điều này cho thấy tương quan giữa thị trường TMĐT với năng lực logistics vẫn ở thế chạy và đuổi.

Cứ đến cuối năm là quá tải

Lý giải nguyên nhân hàng hóa thường tắc nghẽn cận Tết, thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop - cho biết bên cạnh việc nhu cầu mua sắm tăng cao, hầu hết người tiêu dùng có tâm lý muốn nhận hàng trước Tết để kịp mang về quê.

Trong khi đó, các shipper cũng muốn nghỉ sớm để về quê với gia đình và có thời gian sắm Tết. Năm nay lại có thêm tuần rét, thời tiết khắc nghiệt nên ít người shiper muốn tiếp tục giao hàng ngoài đường. Sự không ăn khớp giữa cung và cầu khiến hoạt động giao vận gặp nhiều gián đoạn.

“Gần Tết, các công ty vận chuyển cũng có chế độ thưởng phạt khác nhau dẫn đến động lực lao động của người giao hàng bị giảm sút. Thông thường, tình trạng giao vận chậm, quá tải sẽ xảy ra từ 23 Âm lịch nhưng năm nay diễn ra sớm hơn, từ ngày 18 Âm lịch đã bắt đầu có dấu hiệu”, ông Huy nhận định.

Nếu vẫn muốn tăng doanh số, nhà bán hàng cần cân nhắc chuyển sang đơn vị vận chuyển tốt hơn

Thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop

Trao đổi với Tri thức - Znews, vị chuyên gia cảnh báo tình trạng hàng hóa tắc nghẽn, lưu kho lâu ngày sẽ gây thiệt hại lớn đến người bán.

Với các mặt hàng đặc thù như thực phẩm, chất lỏng, mỹ phẩm để lâu có thể bị hỏng hóc do chuột, bọ cắn, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, mất đi độ ngon, để lâu có thể bị khô cứng. Các sản phẩm như thời trang có thể bị ẩm mốc, rách, nát nếu bị đè lên bởi các hàng hoá nặng.

Trên hết, hàng hóa tồn đọng ảnh hưởng đến dòng tiền của cửa hàng. Nếu mỗi ngày chủ shop giao đi 50 triệu đồng tiền hàng thì sau một tuần đã bị mắc kẹt 350 triệu đồng. Song, đặc thù của TMĐT có đơn là phải giao hàng, không huỷ được.

Ở phía người mua, hàng tồn lâu có thể tạo cảm giác mất kiên nhẫn, từ đó gây ra tình trạng huỷ, không nhận hàng, gây thiệt hại về kinh tế. Không chỉ thiệt hại chi phí giao vận, một đơn hàng còn gắn với nhiều chi phí khác như nhân công, nguyên vật liệu.

Để hạn chế rơi vào trường hợp trên, ông Huy khuyến cáo nhà bán hàng nên cập nhật thông tin từ các đơn vị giao vận để đưa ra các quyết định kịp thời. Trong đó, cần cân nhắc tạm dừng bán nếu rủi ro hoàn hàng quá cao, đồng thời hạn chế quảng cáo để giảm chi phí.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/vi-sao-cu-den-tet-la-giao-hang-lai-qua-tai-post1458155.html