Cơ chế Halving được Satoshi Nakamoto, người (hoặc tổ chức) tạo ra Bitcoin thiết kế để chống lạm phát, khi lượng tiền số được khai thác quá mức. Phần thưởng giảm đi tạo ra khan hiếm, là động lực để loại tài sản này tăng giá.
Dữ liệu lịch sử cho thấy Halving là dấu hiệu của chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không đồng nghĩa với việc Bitcoin phải lên giá ngay lập tức.
Bitcoin sau Halving
Tổng nguồn cung của Bitcoin là 21 triệu đồng. Nguyên tắc đặt ra là sau 210.000 khối được khai thác, phần thưởng cho thợ đào sẽ giảm một nửa. Theo lý thuyết, cùng một năng lực xử lý, nhưng thành quả ít hơn, dẫn đến độ khó tăng gấp đôi.
Đến nay, đã có 4 lần mạng lưới Bitcoin trải qua Halving, với phần thưởng giảm từ 50 BTC mỗi khối còn chỉ 3,125 đồng. Việc ngày càng ít coin còn lại, khiến sự khan hiếm của đồng tiền số tăng lên, đồng nghĩa với khả năng lên giá.
Tuy nhiên, phản ứng của BTC mỗi đợt Halving không giống nhau. Sự kiện lần đầu diễn ra vào 28/11/2012. Trước đó, Bitcoin được giao dịch quanh mốc 12 USD. Sau Halving con số lên mức gần 1.000 USD. Nhưng ở lần vào năm 2016, giá BTC giảm mạnh còn 670 USD rồi mới tăng lên 2.550 USD một năm sau. Đỉnh của chu kỳ này là 19.200 USD vào cuối 2017. Tương tự cho lần Halving vào 2020, Bitcoin đạt ATH (All Time High) 69.000 USD vào tháng 11/2021.
Có thể thấy, xu thế chung của Bitcoin theo thời gian là tăng giá. Halving được nhà đầu tư xác lập như mốc của một chu kỳ. Giá của BTC sau Halving thường biến động. Đồng thời, thị trường không phản ứng với Halving ngay lập tức như các sự kiện tác động trực tiếp đến dòng tiền như căng thẳng địa chính trị, FED tăng lãi suất…
Vì vậy, sau Halving lần thứ 4 vừa diễn ra sáng 20/4, BTC nằm ở trạng thái side-way, phản ứng không đáng kể. Giới chuyên gia đánh giá rằng nhà đầu tư vẫn trong trạng thái chờ đợi, đánh giá xu hướng biến động.
Trước đó, bà Lynn Hoàng, đại diện nền tảng Binance tại khu vực Đông Nam Á nhận định rằng BTC sẽ diễn biến khó lường sau Halving, với sự xuất hiện của các ETF Bitcoin được Mỹ phê duyệt hồi đầu năm.
“Các quỹ ETF Bitcoin sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân cung cầu trên thị trường. Nhu cầu mua vào BTC sẽ cao hơn trong khi số lượng khai thác ra lại giảm đi đáng kể”, bà Lynn phân tích. Dữ liệu trên chuỗi khối cho thấy trung bình mỗi ngày các quỹ ETF Bitcoin đang gom về khoảng 2.450 BTC. Tong khi thợ đào chỉ khai thác được 900 BTC cùng thời gian. Sau Halving, con số này sẽ giảm xuống còn 450 BTC.
Chính sự tham gia của những “tay chơi” này sẽ khiến chu kỳ mới có những biến động khó đoán hơn hơn trước.
Đằng sau Halving
Với độ khó ngày càng cao của quá trình khai thác, mức độ cạnh tranh của các mạng lưới thợ đào cũng tăng theo. Trong đó, nhiều thiết bị chuyên dụng phải bị đào thải do không đủ sức xử lý. Những thợ đào trên quy mô nhỏ cũng mất khả năng cạnh tranh với các mạng lưới lớn.
Về mặt lý thuyết, người khai thác được lợi nhờ Halving, khi giá đồng tiền số sẽ tăng vì nguồn cung giảm. Tuy nhiên, họ có thể phải rời bỏ công việc khi lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí đầu tư, độ khó cao và phần thưởng ít. Quá trình này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mức độ phi tập trung của Bitcoin, một trong những yếu tố quan trọng khi mạng lưới được tạo ra.
Theo CoinDance, hai nhóm khai thác lớn nhất là Foundry USD và AntPool đa g kiểm soát gần 50% tỷ lệ băm của Bitcoin.
Tỷ lệ băm thể hiện sức mạnh tính toán dành cho việc khai thác BTC. Sau Halving, nếu thợ đào không thấy còn lợi nhuận và ngừng khai thác, giao dịch trên mạng Bitcoin có thể bị nghẽn. Điều này tạo ra kẽ hở để hacker có thể chi phối hoạt động của mạng, thực hiện cuộc tấn công quá bán.
Khi việc khai thác không còn phi tập trung mà nằm trong tay một số thực thể, họ có thể có quyền kiểm duyệt các giao dịch bằng cách chọn không xác nhận chúng.
Ngoài ra, Halving còn là sự kiện tác động xấu đến môi trường. Việc khai thác Bitcoin vốn bị lên án vì tiêu tốn quá nhiều điện năng. Sau sự kiện hôm 20/4, độ khó tăng lên có thể khiến vấn đề này trở nên trầm trọng.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ ZNews. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.