Đầu tư

Vì sao giá vàng dễ dàng vượt 80 triệu đồng/lượng?

Sáng 26/12, giá vàng miếng SJC tăng kỷ lục lên hơn 80 triệu đồng/lượng (bán), làm tăng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên gần 19 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng tại nhiều doanh nghiệp trong nước đã vượt mốc 80 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng.

Nhận định về xu hướng tăng liên tục của giá vàng miếng SJC trong nước, ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT cho rằng bối cảnh chung của thế giới đang giúp giá vàng hưởng lợi.

Cụ thể, căng thẳng địa chính trị khiến vàng trở thành kênh trú ẩn quan trọng của giới đầu tư trên thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng mới phát tín hiệu dừng tăng lãi suất trong năm 2024. Việc này khiến đồng USD suy yếu, gián tiếp làm vàng tăng giá vì vàng thường được định giá bằng đồng USD.

Lý do giá vàng tăng 'bất chấp'

Trong nước, ông Nguyễn An Huy đánh giá nhu cầu trú ẩn vào vàng cũng đang tăng từ việc nhà đầu tư tìm kiếm kênh thay thế trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục.

Vị chuyên gia lưu ý rằng một lượng tiền gửi với lãi suất cao cách đây một năm đã và đang đáo hạn ở tháng 11-12. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, thị trường cổ phiếu chưa xác lập rõ xu hướng, còn niềm tin ở thị trường trái phiếu cũng chưa được phục hồi.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ vàng (Tết, tích trữ, đám cưới, biếu tặng...) có xu hướng tăng cao vào cuối năm.

Ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: NVCC.

Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn đang kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa, nên tâm lý ôm vàng không bán mà găm giữ trở nên nhiều hơn. Trong khi đó, người mua vàng vẫn có, tuy lực cầu này không quá lớn nhưng kết hợp cùng nguồn cung hạn chế đã khiến giá vàng bị đẩy lên cao như vậy.

Tuy vậy, chuyên gia tài chính Nguyễn An Huy lưu ý chỉ số ít nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể chủ động mua bán vàng để tìm kiếm lợi nhuận. Bởi lẽ, giá vàng thường biến động do các yếu tố phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát của người dân, chẳng hạn như việc tăng giảm lãi suất của Fed, tình hình xung đột và biến động chính trị của các quốc gia, các động thái mua bán vàng của ngân hàng trung ương các nước...

Ngoài ra, với tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam, việc lưu trữ một số lượng lớn vàng vật chất tại nhà có thể mang tới những rủi ro về an ninh.

Theo ông Huy, một người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên đầu tư nắm giữ vàng với một tỷ trọng khoảng 5-10% tổng tài sản. Nhà đầu tư nên xem xét đầu tư dài hạn với một số tài sản có mức sinh lời cao hơn như cổ phiếu và bất động sản dân sinh, có nhu cầu ở thực.

Trong khi đó, việc nắm giữ vàng miếng SJC cũng đang tiềm ẩn rủi ro lớn. Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012 từng là vũ khí hữu hiệu chống vàng hóa kinh tế, nhưng quy định về quản lý, kiểm soát nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng tại Nghị định này bắt đầu xuất hiện vấn đề bất cập khi nhu cầu vàng miếng trong nước tăng mạnh.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét sửa đổi, điều chỉnh quy định về nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng, làm tăng nguồn cung thị trường vàng miếng trong nước, đồng thời kỳ vọng rút ngắn chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới đã tồn tại thời gian qua.

Đây có thể được xem là rủi ro đáng cân nhắc đối với các nhà đầu tư có ý định đầu tư vàng miếng SJC trong giai đoạn hiện nay.

"Cá nhân tôi cho rằng những nhà đầu tư dài hạn nên ưu tiên mua vàng nhẫn trơn 99,99 hơn là vàng miếng tại thời điểm này. Vàng nhẫn trơn 99,99 có cùng chất lượng như vàng SJC, nhưng giá lại không quá chênh so với vàng thế giới. Cũng cần lưu ý rằng trong ngắn hạn, nhu cầu tích lũy vàng trong nước quá cao có thể làm vàng SJC tăng nhanh hơn vàng nhẫn trơn 99,99", ông Huy nhận định.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Đồng ý với quan điểm của ông Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng khuyên nhà đầu tư không nên mua khi vàng đang trên mức đỉnh cao như hiện tại vì rất rủi ro do không bám sát với giá vàng thế giới.

"Khi vàng đã chạm mức hơn 80 triệu đồng/lượng là rất rủi ro và chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại. Nếu nhà đầu tư muốn mua, hãy chờ khi giá vàng được điều chỉnh lại, giá sát với thế giới hơn thì mới nên mua vào", ông Khánh khuyên.

Có thể xuất hiện một đợt điều chỉnh giảm vào quý I/2024

Theo các chuyên gia, từ nay cho tới Tết Nguyên đán, giá vàng thế giới có thể tăng tiếp do trong đang mùa lễ hội và nhu cầu về vàng cũng đang cao, nhất là với mặt hàng vàng 99,99.

Ngoài ra còn các yếu tố khác như Fed quyết định giữ nguyên lãi suất và thậm chí cuối quý I/2024 còn có thể giảm; trong khi đó đồng USD yếu đi, lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, tình hình địa chính trị cũng diễn biến phức tạp đều là động lực để giá vàng tăng lên nữa.

"Trong khoảng thời gian tới cuối tháng 12, giá vàng thế giới vẫn còn có thể thử các mốc giá cao khác như 2.100 USD/ounce hoặc 2.150 USD/ounce", ông Khánh nhận định.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đánh giá đến thời điểm hết quý I/2024, giá vàng sẽ có thể có sự điều chỉnh giảm hoặc sớm hơn là vào tháng 2 hoặc tháng 3/2024. Bởi lẽ theo quy luật chung, khi giá vàng lên quá cao chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/vi-sao-gia-vang-de-dang-vuot-80-trieu-dongluong-post1451056.html