Thị trường

Vì sao OPEC+ giảm sản lượng dầu lúc này?

Thông báo cắt giảm sản lượng dầu mỏ bất ngờ của OPEC+ đã khiến thị trường hỗn loạn, dấy lên lo ngại về kịch bản tiếp tục lạm phát và tăng lãi suất.

Ras-Tanura, nhà máy lọc dầu lớn nhất Saudi Arabia. Ảnh: Bloomberg.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh (OPEC+) vừa có thông báo bất ngờ cho thị trường dầu mỏ khi tuyên bố cắt giảm hơn một triệu thùng/ngày, khiến giá dầu tăng, cũng như tạo ra những căng thẳng với đồng minh phương Tây.

Tính thời điểm

Câu trả lời đơn giản hóa có thể tính đến cho thông báo cắt giảm sản lượng ngày 2/4 là OPEC+ đang muốn tăng giá dầu, theo Financial Times.

Tháng trước, giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn 70 USD/thùng do tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã dẫn đến việc bán các tài sản rủi ro. Cùng kỳ năm 2022, giá dầu đã từng ở mức hơn 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu đã tăng lên 80 USD/thùng vào cuối tuần trước, không kém hơn quá nhiều giá dầu giao dịch trong phần lớn năm nay, và cũng không ở mức thấp kỷ lục.

Vì vậy, các nhà phân tích coi việc cắt giảm bất ngờ không chỉ là một động thái phòng thủ của liên minh, mà là một động thái quyết đoán đến từ những thành viên lớn nhất của OPEC+, như Saudi Arabia.

Giá dầu thô Brent từ quý II/2022 đến đầu quý II/2023 (đơn vị: USD/thùng). Đồ họa: Financial Times.

Saudi Arabia đã thất vọng với những bình luận của Mỹ vào tuần trước rằng Washington sẽ mất “nhiều năm” để bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, vốn đã bị cạn kiệt một phần vào năm 2022 để giúp giữ giá trong tầm kiểm soát do xung đột tại Ukraine.

Mỹ nói rằng muốn ngăn giá tăng quá cao, và sẽ gây áp lực lên các đồng minh như Saudi Arabia để duy trì sản lượng. Ngoài ra, nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng sẽ mua dầu lấp đầy dự trữ dầu mỏ chiến lược để có cơ sở bình ổn thị trường.

Với OPEC+, liên minh này cũng không quá lo lắng về việc cạnh tranh thị phần với các đối thủ. Không như thập kỷ trước, sản lượng đá phiến của Mỹ không còn tăng trưởng với tốc độ nhanh, do đó liên minh dầu mỏ có thể giảm lo ngại đối thủ sẽ sớm bổ sung vào phần thiếu hụt.

Dự báo giá dầu nửa cuối năm

Các thương nhân đã lạc quan về triển vọng của dầu mỏ trong nửa cuối năm nay, được thúc đẩy bởi nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi, kết hợp với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau các hạn chế do Covid-19, đồng nghĩa rằng nhu cầu sẽ vượt xa nguồn cung.

Ngày càng có nhiều ngân hàng dự báo giá dầu sẽ tăng. Goldman Sachs đã nâng mức dự báo cho cuối năm từ 90 USD/thùng lên 95 USD/thùng.

OPEC+ vẫn có thể hy vọng giá cao hơn. Nhiều quỹ phòng hộ đã bán dầu trong cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng trước, do các tài sản rủi ro như hàng hóa bị cuốn vào đợt bán tháo.

Hy vọng có thể là các quỹ sẽ quay trở lại thị trường khi Opec+ đã thể hiện sự sẵn sàng hành động của mình.

Các nhà phân tích tại Rystad cho biết việc giảm sản lượng sẽ thắt chặt thị trường dầu mỏ, và sẽ khiến giá dầu Brent sớm vượt ngưỡng 100 USD/thùng, và vào khoảng 110 USD/thùng vào mùa hè.

Nguy cơ OPEC+ suy thoái?

Suy thoái là điều có thể xảy ra. Đã có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ trong những tháng đầu năm nay đã thấp hơn một chút so với dự đoán, đặc biệt là ở các nước phát triển.

OPEC+ đã gọi việc cắt giảm lần này là một "biện pháp phòng ngừa" nhằm "ổn định" trên thị trường dầu mỏ.

Giá dầu Brent tăng dựng đứng sau khi một số thành viên OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu. Ảnh: Trading Economics.

Các nhà phân tích của Citigroup do Ed Morse dẫn đầu cho biết việc cắt giảm nhằm mục đích “bảo vệ một thị trường dầu đang ngày càng yếu đi, với lượng hàng dự trữ tăng nhanh hơn bình thường tính đến quý I/2023".

Tuy nhiên, lo ngại về một cuộc suy thoái sâu rộng đã giảm bớt trong 6 tháng qua, một phần là do giá năng lượng giảm mạnh, đặc biệt là khí tự nhiên của châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức thâm hụt có thể từ 1 triệu đến 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong nửa cuối năm nay trước các đợt cắt giảm mới của OPEC+.

Dấu hiệu căng thẳng với Mỹ

Nhà phân tích Helima Croft tại RBC Capital Markets cho biết động thái cắt giảm sản lượng này thể hiện cam kết của Riyadh đối với chính sách “Saudi Arabia trước tiên” khi vương quốc này trở nên quyết đoán hơn và sẵn sàng cho Mỹ thấy rằng họ vẫn còn các đồng minh khác.

Mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đang trong tình trạng căng thẳng, với việc Washington nói việc cắt giảm là “không nên làm vào thời điểm này”.

"Điểm mấu chốt là Washington và Riyadh đang có những mục tiêu khác nhau về giá dầu trong hoạch định chính sách", bà Croft nói, cho biết việc Saudi Arabia đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc cũng là yếu tố đáng lưu tâm.

Dù vậy, Trung Quốc cũng không thực sự ủng hộ việc giá dầu bị đẩy lên quá cao. Citigroup cho biết Bắc Kinh sẽ giảm mua dầu cho kho dự trữ chiến lược trong thời gian tới.

Thị trường sẽ ra sao

Theo Bloomberg, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng đang nhắm thẳng vào một đối tượng - những người đầu cơ đặt cược rằng giá dầu sẽ giảm.

Đây là một chiến lượng đã được bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman sử dụng vào năm 2020. Ông khẳng định "những ai chơi trò may rủi vào thị trường dầu sẽ chịu khốn đốn như địa ngục".

Tuy nhiên, OPEC+ cũng khiến người tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát và nhiều người đặt cược vào việc tăng lãi suất.

Mối quan tâm chính sẽ là tác động đến lạm phát. Giá dầu tăng có thể khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn hơn trong việc kiềm chế lạm phát, buộc họ phải tăng lãi suất hơn nữa hoặc giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Trong khi đó, động thái tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dự đoán về lãi suất khu vực đồng euro cũng sẽ khiến thị trường dầu mỏ "nhộn nhịp" vào nửa cuối năm nay.

Việc giá dầu sẽ tăng lên bao nhiêu vẫn còn phải chờ đợi. Song, giới phân tích cho rằng nếu đợt cắt giảm giúp tăng giá dầu nhưng giữ ở mức dưới 100 USD/thùng thì sẽ không có nhiều tác động quá lớn.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/vi-sao-opec-giam-san-luong-dau-luc-nay-post1418456.html