Kiến thức

Vì sao việc đưa ra quyết định lại khó khăn

Đối với một số người, ngay cả việc tìm đáp án cho những câu hỏi đơn giản như nên dậy sớm hay ngủ thêm chút nữa cũng có thể gây ra nhiều căng thẳng, theo CNA.

Cuộc sống luôn đầy rẫy những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp. Và việc phải đắn đo ngay cả với những điều nhỏ nhặt luôn phải đối mặt hàng ngày có thể bị cho là lạ lùng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đây là hiện tượng có thể lý giải và khắc phục.

Không ít người đang phải đối mặt với cảnh đau đầu chọn lựa mỗi ngày. Ảnh: Liza Summer/Pexels.

Choáng ngợp bởi quá nhiều lựa chọn

Nhiều học giả kinh tế từ lâu vẫn thường chia sẻ quan điểm nhiều lựa chọn hơn đồng nghĩa với tốt hơn. Nhưng vào năm 2000, Sheena Iyengar và Mark Leeper, những nhà tâm lý học người Mỹ lại không đồng tình với tư tưởng này.

Trong một nghiên cứu, họ đã đặt bàn tiếp thị mứt tại siêu thị để kiểm tra hành vi của người tiêu dùng. Kết quả là lượng mứt bán ra cao hơn khi trên bàn không bày quá nhiều loại. Gần ⅓ số khách hàng đã mua mứt khi trên bàn chỉ để 6 vị, trái với tỷ lệ 3% người mua khi bàn có tới 24 hương vị được bày bán.

Những mục tiêu không rõ ràng khó thể làm tăng độ khó cho việc ra quyết định. Ảnh: Liza Summer/Pexels.

Dựa trên phát hiện này, cuốn sách “The Paradox Of Choice: Why More Is Less” của nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz đưa ra lập luận rằng lựa chọn quá phong phú có thể làm gia tăng sự băn khoăn.

Mọi người thường nghĩ rằng mình thiếu kiến thức chuyên môn để đánh giá và đưa ra quyết định đúng đắn.

Hơn thế, việc chọn lựa càng trở nên nan giải khi phải cân đo giữa một mục tiêu mơ hồ và một nhu cầu trước mắt.

Yaniv Hanoch, giáo sư tại Đại học Southampton, chia sẻ: “Chẳng hạn khi trong đầu bạn đặt ra định hướng là tiết kiệm nhiều hơn nhưng một người bạn lại bất ngờ rủ đi ăn và bạn cũng đang hơi đói, định hướng ấy lúc này có thể trở thành gánh nặng khiến bạn phải đau đầu suy nghĩ”.

Không chỉ vậy, một số lựa chọn tưởng chừng là đơn giản lại có thể mang lại rủi ro cao về mặt cảm xúc. Ví dụ như việc chọn quần áo để tham dự một buổi hẹn có thể không chỉ đơn thuần là vấn đề thời trang mà còn cần xem xét kỹ trên nhiều yếu tố khác.

Và vì chỉ một yếu tố đã đủ nhức đầu, nhiều yếu tố kết hợp lại sẽ khiến cho một câu hỏi nhỏ cũng trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Đau đầu nghĩ ngợi về điều tốt nhất

Từ những nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa việc quyết định và niềm vui của mỗi người, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy có hai kiểu đưa ra quyết định đó là dựa trên sở thích và mức độ tối ưu.

Trong khi một bên cố gắng tìm ra phương án họ cho là tốt nhất, bên còn lại sẽ dừng suy nghĩ khi tìm thấy điều họ cảm thấy hài lòng hay có thể chấp nhận được. Đây là những kiểu chọn lựa có liên quan đến đặc điểm tính cách của từng người.

Suy nghĩ quá nhiều chưa chắc đã mang lại kết quả tốt. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Dù vậy, Schwartz và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra những khuyết điểm trong các xu hướng, đặc biệt là với những người thường tìm đến đáp án tốt nhất. Mặc dù sự rủi ro và hối tiếc là không tránh khỏi, những người cầu toàn có nhiều khả năng cảm thấy hối hận hơn người chọn theo sở thích.

Điều này là bởi họ sẽ không ngừng nghiền ngẫm và tìm kiếm sự lựa chọn hoàn hảo hơn ngay cả khi đã ra quyết định. Chính vì vậy, rất khó để họ có thể thực sự thỏa mãn ngay cả khi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi xác định.

Xây dựng thói quen

William James, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ 19 và 20, gợi ý rằng thói quen có khả năng làm giảm đáng kể tính phức tạp của việc lựa chọn. Đầu tư thời gian vào thói quen có thể giúp những câu hỏi thường nhật trở nên dễ dàng hơn.

Lấy cảm hứng từ lời khuyên này, nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã nghiên cứu và chỉ ra rằng con người xử lý thông tin theo hai cơ chế. Một là xử lý trong vô thức, nhanh chóng và trực quan, dựa theo thói quen để hành động nên đòi hỏi ít nỗ lực. Hai là hành động dựa trên tư duy có mục đích nên tốn nhiều thời gian và chất xám hơn.

Hành động theo thói quen là cách nhanh nhất để không phải đắn đo nhiều. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Nhà khoa học Herbert Simon đưa ra quan điểm rằng suy nghĩ quá nhiều có thể gây ra căng thẳng và dễ làm nhụt chí. Chẳng hạn tốn thời giờ nghĩ về việc có nên tập thể dục hay không sẽ vô tình tiêu hao năng lượng cần thiết để hành động và dẫn đến từ bỏ.

Giảm số lượng sự lựa chọn cũng là cách để mọi việc diễn ra dễ dàng hơn. Người đồng sáng lập Apple, Steve Jobs nổi tiếng với những bộ trang phục giống nhau hầu như mỗi ngày với quần jean và áo cao cổ hoặc áo phông đen, là một ví dụ điển hình về đơn giản hóa quá trình đưa ra quyết định.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/vi-sao-viec-dua-ra-quyet-dinh-lai-kho-khan-post1423171.html?utm_campaign=zingwap&utm_medium=zalomsg&utm_source=zalo