Vĩ mô

Việt Nam làm gì khi Thái Lan liên tục nới visa cho khách ngoại?

Nhiều nước Đông Nam Á có chính sách thị thực linh hoạt nhằm thu hút khách quốc tế. Việt Nam cũng có thể làm tương tự, nhưng trước tiên cần đảm bảo an ninh, theo chuyên gia.

Thái Lan miễn thị thực vĩnh viễn cho du khách Trung Quốc; Singapore thắng cuộc đua giành Taylor Swift nhờ miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines cũng không yêu cầu visa cho công dân 157 nước…, đó là những thông tin đang được bàn luận về cách Đông Nam Á thu hút khách ngoại.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới miễn thị thực cho 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. So với những “ông lớn” du lịch trong khu vực, đây rõ ràng là con số khiêm tốn.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu ngành du lịch Việt có đang chậm chân so với các nước trong khu vực để thu hút khách quốc tế? Và liệu chúng ta có thể đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm nay - mức của năm 2019, trước đại dịch Covid-19?

Nới visa để thu hút dòng khách chi tiêu cao

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, du lịch Việt đang trên đà hướng đến dòng khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao.

Hiện nay, có rất nhiều du khách châu Âu du lịch 30-90 ngày trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) muốn vào Việt Nam mà không cần phải xin visa du lịch. Vì thế, việc mở rộng các quốc gia được miễn visa đơn phương sẽ giúp Việt Nam hút được khách thị trường lớn và chi tiêu cao.

"Độ mở cửa còn nằm ở các thủ tục liên quan như thủ tục hành chính ở cửa khẩu phải nhanh gọn, đồng bộ giữa các bộ phận hải quan, cửa khẩu. Thị thực điện tử (evisa) cũng cần cải thiện giao diện, để đảm bảo sự thuận tiện và dễ hiểu với khách", ông Long nói với Tri Thức - Znews.

Du khách quốc tế thưởng thức cà phê tại một quán tại Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Phương Lâm.

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện bức tranh toàn xã hội, vấn đề an ninh cần được đảm bảo trước khi nới lỏng thêm các chính sách. Nhà nước cần có hệ thống kiểm soát chặt chẽ các khách du lịch đến Việt Nam, để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người dân trong nước.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết với những nỗ lực bền bỉ, chiến lược tiếp thị mạnh mẽ, ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kỳ vọng. Trong đó, chính sách visa linh hoạt là một giải pháp quan trọng.

"Kết nối hàng không ngày càng được đẩy mạnh và chính sách thị thực được nới lỏng, giúp thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam", Tiến sĩ Jackie Ong cho hay.

18 triệu khách ngoại - con số khả thi

Mặc dù số lượng khách quốc tế đến Việt Nam có vẻ khiêm tốn hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia, ngành du lịch Việt Nam vẫn thắng lớn trong nhiều hạng mục danh giá tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2023. Đặc biệt, đây lần thứ 5 Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” và lần thứ 2 đoạt giải “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” do tạp chí du lịch hàng đầu Tripadvisor bình chọn.

Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel, trước đây, ngành du lịch Việt khó có thể đón lượng khách lớn như một số quốc gia lân cận.

"Cơ sở vật chất Việt Nam đi sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Trước kia, dù có muốn đón lượng khách quốc tế lớn, nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng đủ, thì họ sẽ lưu trú ở đâu? Việc khách Việt Nam đi ra các nước và ngược lại còn khó khăn do thiếu các chuyến bay thẳng, tần suất bay chưa được tăng cường", ông Khánh phân tích.

Tuy nhiên, trong năm qua, nhiều hãng hàng không nước ngoài mở đường bay đến Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam cũng đang nhắm đến nhiều thị trường quốc tế giàu tiềm năng. Ngoài những thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, ngành hàng không Việt Nam còn khai thác tăng tần suất các đường bay thẳng đến Ấn Độ, Australia.

"Những thay đổi tích cực trong ngành du lịch, giúp mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2024 dường như rất khả thi", ông Khánh nói.

Theo một số chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Ảnh: Phương Lâm.

Năm qua, lĩnh vực lưu trú đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu và chuỗi khách sạn quốc tế mở rộng hoạt động. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng không chỉ mở rộng cơ sở kinh doanh mà còn tăng cường nỗ lực nâng cấp dịch vụ.

Các sản phẩm du lịch hiện nay không chỉ dừng lại ở những trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên thông thường. Ngành du lịch đã và đang mở rộng sang du lịch đường sông, du lịch ẩm thực, du lịch nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch lễ hội... để tăng trải nghiệm cho du khách quốc tế.

Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nếu duy trì được đà tăng trưởng, đến hết năm, ngành du lịch có thể đạt mục tiêu 18 triệu khách quốc tế như kỳ vọng.

Làm sao để tiến xa hơn?

Theo các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, con số 18 triệu khách quốc tế không hề khó đạt. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần nhiều chiến lược để thu hút số lượng khách lớn hơn, chi tiêu cao hơn.

Các công ty lữ hành cần đa dạng hóa thị trường và mở rộng các thị trường khác như Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, châu Âu, UAE hoặc Bắc Mỹ....

Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, ngành du lịch (bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và con người làm du lịch) có thể cân nhắc các giải pháp như:

1. Đa dạng hóa các điểm tham quan: Phát triển và quảng bá nhiều loại điểm tham quan du lịch ngoài các điểm đến phổ biến sẵn có nhằm thể hiện sự phong phú về văn hóa, tự nhiên và lịch sử của đất nước. Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc tập trung hơn vào ngành MICE (du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện).

2. Cải thiện cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng sân bay và giao thông công cộng, có thể nâng cao khả năng tiếp cận và sự thuận tiện cho khách du lịch. Việt Nam nên xem xét khai thác phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là tích hợp các đầu mối giao thông vận tải vào chiến lược phát triển du lịch trong tương lai. Ví dụ, tính hiệu quả và sự tích hợp của các ga xe lửa ở Nhật Bản, Anh, Pháp và Singapore là một động lực thu hút khách du lịch đến các quốc gia này.

Trải nghiệm du lịch sông nước được TP.HCM chú trọng nhằm thu hút khách quốc tế. Ảnh: Linh Huỳnh.

3. Đẩy mạnh du lịch bền vững: Các hoạt động du lịch bền vững và có trách nhiệm đóng vai trò cần thiết trong công tác bảo tồn môi trường và văn hóa địa phương. Cải thiện hệ thống quản lý chất thải và hỗ trợ đào tạo cho các sáng kiến du lịch cộng đồng tại các khu vực nông thôn là rất quan trọng.

4. Nâng cao chất lượng dịch vụ: Đảm bảo dịch vụ chất lượng cao và sự hiếu khách là điều cần thiết để tạo ra những trải nghiệm tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch cao cấp. Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khách sạn và thúc đẩy giáo dục du lịch và khách sạn là rất quan trọng. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao kỹ năng quản lý đám đông để có thể cải thiện trải nghiệm du lịch tổng thể.

5. Tiếp thị kỹ thuật số: Việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp thị hiệu quả rất cần thiết nếu muốn tiếp cận đối tượng rộng hơn và thích ứng với các xu hướng du lịch đang thay đổi.

6. An toàn và an ninh: Duy trì môi trường an toàn và an ninh cho khách du lịch là rất quan trọng để khuyến khích họ đến thăm Việt Nam lần đầu và quay lại những lần sau.

Để khuyến khích khách du lịch quay trở lại, cần tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, thúc đẩy đánh giá tích cực từ du khách và giải quyết kịp thời các mối quan ngại. Muốn thành công lâu dài, ngành du lịch cần thường xuyên đánh giá và điều chỉnh các chiến lược dựa trên sự thay đổi của xu hướng thị trường và phản hồi của du khách.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn nhất với 844.000 lượt (chiếm 27,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 538.000 lượt, Đài Loan ở vị trí thứ 3 (198.000 lượt), tiếp theo là Mỹ (156.000 lượt).

Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản (107.000 lượt), Australia (97.000 lượt), Malaysia (92.000 lượt), Ấn Độ (79.000 lượt), Campuchia (79.000 lượt), Thái Lan (76.000 lượt).

Sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt là hiệu quả tác động rõ ràng từ chính sách thị thực áp dụng từ 15/8/2023, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho các nước được miễn thị thực đơn phương và thực hiện cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày.

Đây là những tín hiệu vui đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong thời gian đầu năm 2024, là cơ sở để ngành phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/viet-nam-lam-gi-khi-thai-lan-lien-tuc-noi-visa-cho-khach-ngoai-post1462502.html