Nội dung chính:
- Tổng tài sản của Vinafood II giảm hơn ⅓, tương đương mức giảm trên 2.900 tỷ đồng trong năm 2023.
- Công ty vẫn còn lỗ lũy kế gần 2.800 tỷ đồng - trong đó chiếm phần lớn là khoản lỗ khổng lồ năm 2018 sau khi “xử lý tài chính” để cổ phần hóa.
- Năm 2023, Vinafood II lãi 63 tỷ đồng sau thuế, gấp 3 lần kết quả năm 2022.
Trong năm 2023, tổng tài sản Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II - UPCoM: VSF) “hao hụt” một phần ba, tương đương mức giảm hơn 2.900 tỷ đồng. Công ty đã sắp xếp, thanh toán các khoản nợ phải trả, phải thu… giúp tài sản được “tinh gọn” hơn sau một năm.
“Tinh gọn” tài sản - giải quyết các nghĩa vụ tài chính
Trong năm 2023, Vinafood II đã thanh toán hơn 1.160 tỷ đồng nợ vay. Số dư nợ vay của công ty đã giảm từ mức 2.560 tỷ đồng xuống còn gần 1.400 tỷ đồng sau một năm.
Bên cạnh đó, công ty cũng tất toán một loạt nghĩa vụ thanh toán với các bên liên quan, giá trị lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn 1993 - 1996, khi Vinafood II vẫn là doanh nghiệp nhà nước, công ty là trung gian cho khoản viện trợ gạo của Việt Nam cho Cu-ba trị giá 25,6 triệu USD - tương đương 608 tỷ đồng cuối năm 2022.
Theo sổ sách, đây là khoản mà Vinafood II phải thu từ phía Cu-ba, nhưng đồng thời cũng là khoản mà công ty phải trả cho Chính phủ Việt Nam tại cùng thời điểm.
Trong năm 2023, khoản phải thu - phải trả này đã đồng thời được xóa bỏ trên bảng cân đối kế toán công ty, giúp quy mô tài sản được giảm giá trị tương ứng.
Ngoài ra, vào cuối năm 2022, Vinafood II còn có khoản phải thu với một công ty ở Bangladesh số tiền 1.332 tỷ đồng, và khoản phải trả với một công ty ở Singapore với giá trị tương đương.
Trong năm 2023, hai khoản phải thu - phải trả này cũng đã đồng thời được xóa bỏ trên bảng cân đối kế toán Vinafood II - giúp quy mô tài sản của công ty giảm giá trị tương đương.
Như vậy, nhờ thanh toán bớt các khoản nợ vay, đồng thời tất toán các nghĩa vụ tài chính, giá trị tổng tài sản của Vinafood II đã giảm tổng cộng hơn 2.900 tỷ đồng.
Giảm tài sản ở quy mô hàng nghìn tỷ đồng là tín hiệu đáng chú ý tại một doanh nghiệp. Tuy nhiên với Vinafood II, việc giảm tài sản là quá trình công ty tái cơ cấu, tất toán các nghĩa vụ tài chính, giúp tài sản trở nên tinh gọn hơn, phản ánh đúng hơn tình hình tài chính của công ty.
Lỗ lũy kế gần 2.800 tỷ đồng - cổ phiếu vẫn “neo” giá cao
Tính đến cuối năm 2023, Vinafood II vẫn lỗ lũy kế 2.778 tỷ đồng. Đây là kết quả sau thời gian dài thua lỗ, kể từ khi công ty cổ phần hóa từ năm 2018. Vinafood II mới chỉ có lãi trong hai năm gần đây (2022 - 2023) với khoản lãi rất mỏng so với quy mô vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, hay doanh thu tỷ đô của công ty.
Khoản lỗ lớn nhất của công ty vào năm 2018 (gần 1.500 tỷ đồng), là kết quả của quá trình xử lý tài chính cho những khoản thất thoát trước đó, giúp công ty cổ phần hóa và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Năm 2018, Vinafood II đã dự phòng gần 1.300 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi từ các bên liên quan, trong đó, quá nửa là khoản xử lý tài sản đã bị khai khống tại công ty con là Công ty Lương thực Trà Vinh. Những sai phạm tại Lương thực Trà Vinh đã được xử lý và có quyết định thi hành án vào đầu năm 2023, trong khi toàn bộ hàng tồn kho bị thiếu (kiểm kê thực tế so với số trên sổ sách) đã được Vinafood II dự phòng toàn bộ từ năm 2018, khi phát hiện sai phạm.
Từ khi cổ phần hóa từ năm 2018 đến nay, dù đạt mức doanh thu trên 16.000 tỷ đồng mỗi năm, Vinafood II vẫn liên tục thua lỗ, hoặc đạt mức lãi mỏng, do biên lợi nhuận thấp, đặc thù của ngành xuất khẩu gạo.
Mặc dù thua lỗ, cổ phiếu VSF của Vinafood II vẫn đang được giao dịch xung quanh mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu sau nửa năm tăng “sốc” từ mức dưới mệnh giá.
Công ty đang có 4 lô đất tại TP.HCM, trong đó có hai lô đất có diện tích hàng chục nghìn m2 tại quận 8 và quận 6. Giá trị 4 lô đất này đang được ghi nhận theo nguyên giá, được phê duyệt từ năm 2017, là 561 tỷ đồng.
Giá trị quyền sử dụng đất và phương án sử dụng đất có thể thay đổi trong tương lai, khi có ý kiến chính thức từ Ủy ban Nhân dân TP.HCM - báo cáo tài chính của Vinafood II cho biết.
Hiện tại, ngoài vốn góp của Nhà nước 51,43%, Vinafood II còn có cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T của chủ tịch Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) với tỷ lệ sở hữu 25%. Bầu Hiển đã chi hơn 1.200 tỷ đồng để làm cổ đông chiến lược của Vinafood II từ khi công ty IPO vào năm 2018. Đến nay tính theo giá thị trường, khoản đầu tư của bầu Hiển trị giá 4.750 tỷ đồng.
Vinafood II vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với lợi nhuận riêng quý IV đạt 31 tỷ đồng sau thuế, gấp đôi kết quả cùng kỳ 2022. Lũy kế cả năm 2023, Vinafood II lãi 63 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả năm 2022.
Là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu gạo, Vinafood II đã tận dụng được những lợi thế thị trường trong năm vừa qua, đạt doanh thu tỷ đô. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận mỏng, lợi nhuận đạt được của công ty vẫn chỉ dừng ở mức hàng chục tỷ đồng trong cả năm.