Phú Quý là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 17 km2 thuộc tỉnh Bình Thuận. Những năm trở về trước nhắc đến Phú Quý, không nhiều người biết đến hòn đảo này. Nhờ sự quan tâm, đầu tư phát triển của chính quyền địa phương và công tác truyền thông tốt, huyện đảo Phú Quý đã có những thay đổi, được nhiều du khách chọn làm điểm đến du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Phú Quý, trong 4 ngày nghỉ lễ 29/4-2/5, lượng khách ước đạt gần 6.900 lượt, bằng 214% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 20 tỷ đồng.
Du lịch Phú Quý thay da đổi thịt
Huyện đảo Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh mẽ, dần khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt khi thu hút lượng lớn du khách đến đây tham quan, du lịch.
Chia sẻ với Zing, anh Đặng Minh Dương (chủ homestay trên đảo Phú Quý) cho biết rất vui mừng khi nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển. “Trước đây người dân trên đảo chỉ biết bám biển, kiếm sống bằng nghề cá. Từ ngày du lịch phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rất nhiều”.
“Trước đây người dân trên đảo không có khái niệm về việc làm homestay. Thấy nhà còn phòng trống, anh cải tạo rồi gắn bảng cho thuê. Sau khi nắm được tình hình, chính quyền đã đến hỗ trợ anh đăng ký kinh doanh và đưa ra quy chuẩn để xây dựng homestay phục vụ khách du lịch”, anh Dương nói. Anh cũng hỗ trợ bà con trên đảo, vừa nâng cao trải nghiệm cho du khách, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Nắm bắt được tiềm năng phát triển du lịch, thời gian qua Phú Quý đã tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường biển, đường liên xã, hệ thống kè biển, phát triển điện gió và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Đến nay toàn huyện đảo có 156 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, với công suất khoảng 1.500 giường. Trong đó bao gồm 52 nhà nghỉ, khách sạn với 982 giường, 103 homestay với khoảng 500 giường.
Trở về thăm quê vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, chị Thu Hường (người dân Phú Quý) rất bất ngờ khi nhìn thấy rất nhiều homestay, khách sạn đang được xây dựng. “Lần đầu tiên tôi thấy Phú Quý đông đúc như vậy. Trước đây ai hỏi quê ở đâu tôi chỉ trả lời là Bình Thuận vì khi nói đến Phú Quý mọi người lại tưởng đó là Phú Quốc. Nhờ truyền thông tốt, huyện đảo ngày càng được nhiều người biết đến, đời sống người dân cũng được cải thiện”, chị Hường vui mừng nói.
Anh Huỳnh Văn Mão, chủ một quán ăn ở địa phương, cho biết khi mới mở quán, khách hàng chủ yếu là dân địa phương. Từ sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, du lịch Phú Quý phát triển nhanh chóng. Quán ăn của anh từ quy mô khoảng 25 bàn đã mở rộng gấp đôi với 50 bàn, công suất phục vụ khoảng 300 khách nhưng nhiều lúc vẫn không đủ bàn cho khách.
“Tôi đang xây dựng quy trình đào tạo nhân viên, mở thêm chi nhánh để phục vụ du khách trong thời gian tới”. Anh cho biết quán luôn tiếp nhận ý kiến phản hồi của du khách để cải thiện hương vị món ăn và chất lượng phục vụ.
Không chỉ thu hút khách Việt, trong quý I Phú Quý đã đón khoảng 15.950 lượt khách, trong đó có 620 lượt khách quốc tế. “Phú Quý rất đẹp, tôi thích vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên nơi đây. Không bị đô thị hóa như Phú Quốc, hòn đảo này mang đến cảm giác bình yên, người dân thân thiện, thức ăn ngon và chi phí thấp. Tôi sẽ quay lại đây vào năm tới”, Frederick, du khách Australia, nói.
Trăn trở khi du lịch phát triển
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, người dân huyện đảo cũng bày tỏ sự lo lắng khi sự phát triển chưa gắn liền với công tác bảo tồn. Diện tích san hô dần thu hẹp, bờ biển xuất hiện nhiều rác là hình ảnh du khách có thể dễ dàng bắt gặp khi đến đây.
Đôi bạn trẻ Ân - Như (du khách TP.HCM) cho biết đây là lần thứ hai đến du lịch tại hòn đảo này. “Rác ở đây nhiều hơn so với khi chúng mình ghé thăm năm trước. Ly nhựa, túi nylon, thùng xốp trôi dạt nhiều ở khu vực cạnh Gành Hang, Hòn Tranh”, Ân nói. Ban quản lý nên lắp đặt nhiều thùng rác có nắp đậy tại những địa điểm tham quan, những chiếc giỏ nhựa đựng rác ở Hòn Tranh không đủ giữ rác khỏi những cơn gió xứ đảo, hai bạn bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số địa điểm tham quan như Gành Hang, Vịnh Triều Dương, Hòn Tranh... rác được du khách để lại rất nhiều. Ly nhựa, chai nước nằm ngổn ngang. Một số đơn vị kinh doanh du lịch cũng tổ chức dọn rác nhưng họ chỉ dọn chỗ kinh doanh của mình. Những chỗ không thuộc phạm vị kinh doanh rác cứ tấp vào, ảnh hưởng cảnh quan và môi trường.
Đại diện địa phương cho biết đơn vị sẽ kiểm tra thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, nhất là khu vực Vịnh Triều Dương.
Không chỉ vậy, trước sự thu hẹp của các rạn san hô, đơn vị cung cấp dịch vụ lặn tự do Phú Quý Four Seasons cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở du khách nên chọn đồ bơi dài thay vì sử dụng kem chống nắng để không bảo vệ san hô”. Trong quá trình lặn, các hướng dẫn viên sẽ theo sát và hỗ trợ, tránh trường hợp du khách gặp tình huống mất an toàn hoặc có hành động phá hoại san hô.
Là người con của đảo, anh Mão rất vui khi nhìn thấy quê hương phát triển, người dân có nhiều cơ hội việc làm, cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Tuy nhiên anh cũng bày tỏ sự lo lắng khi người dân khai thác quá mức loại hải sản đặc trưng, quý hiếm của đảo đó là cua Huỳnh Đế.
Khối lượng cua Huỳnh Đế đạt chuẩn được phép đánh bắt từ khoảng 300 gram/con. Tuy nhiên, khi nhu cầu của khách càng cao, một số ngư dân đã đánh bắt cả những loại cua cỡ nhỏ, cua mang trứng, đe dọa đến sự phát triển, phục hồi của loài hải sản này
“Dù biết bán loại cua nhỏ đem lại nhiều lợi nhuận hơn nhưng tôi không đồng ý tiếp tay tận diệt loài hải sản đặc trưng này. Tôi luôn nhắc nhở khách hàng của mình chỉ nên chọn cua Huỳnh Đế có kích thước đạt chuẩn, vừa thưởng thức được hương vị ngon nhất của cua, vừa để bảo vệ loài hải sản”, anh chia sẻ.
Để phát triển du lịch bền vững là một bài toán khó, cần sự chung tay của chính quyền, người dân trên đảo, các công ty du lịch và cả du khách. Người làm du lịch hy vọng chính quyền địa phương có sự can thiệp, giúp đỡ, tạo điều kiện về mặt chính sách cũng như nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy du lịch Phú Quý ngày càng phát triển bền vững, nâng cao trình độ và chất lượng cuộc sống nhân dân.