Ngân hàng

5 ngân hàng lãi tỷ USD

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng của nhà điều hành, trích lập dự phòng gia tăng trong toàn hệ thống, vẫn có 5 ngân hàng báo lãi trên 1 tỷ USD năm vừa qua.

Thống kê báo cáo tài chính năm 2023 của 29 ngân hàng (chiếm trên 90% tổng dư nợ toàn nền kinh tế) đã công bố đến nay cho biết tổng lợi nhuận trước thuế nhóm nhà băng này ghi nhận được trong năm vừa qua đã đạt trên 280.800 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022 liền trước.

Đáng chú ý, kết quả tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành ngân hàng năm vừa qua diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành không đạt kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, nợ xấu toàn ngành cũng có xu hướng gia tăng và các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tuy vậy, năm 2023 vẫn ghi nhận 5 nhà băng báo lãi trên 1 tỷ USD gồm Vietcombank, BIDV, MB, Agribank và VietinBank.

Vietcombank vẫn "cô đơn" trên đỉnh

Năm vừa qua, 4 ngân hàng quốc doanh vẫn nắm chắc top đầu lợi nhuận toàn ngành. Trong đó, Vietcombank vẫn tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng lợi nhuận toàn ngành với khoản lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên tới hơn 41.200 tỷ đồng (xấp xỉ 1,7 tỷ USD), tăng 10% so với năm trước. So với các nhà băng liền kề trong bảng xếp hạng, Vietcombank giữ cách biệt lợi nhuận lên tới cả chục nghìn tỷ.

Tuy nhiên, xét về lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietcombank gồm thu nhập lãi thuần, các nguồn thu ngoài lãi như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán lại gần như không tăng trưởng trong năm vừa qua. Thậm chí, tính riêng trong quý IV/2023, thu nhập từ tín dụng của nhà băng này đã giảm mạnh 14%, lãi thuần từ dịch vụ và ngoại hối cũng đều giảm trên 20%.

Đà tăng trưởng lợi nhuận năm vừa qua của Vietcombank chủ yếu đến từ việc giảm một nửa chi phí trích lập dự phòng rủi ro xuống còn hơn 4.500 tỷ đồng, qua đó giảm mạnh tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ hơn 465% cuối năm 2022 xuống còn 185% tại thời điểm cuối năm 2023.

Nhà băng này cũng không nằm ngoài xu hướng chung của toàn ngành khi ghi nhận tình trạng thừa tiền huy động nhưng khó cho vay. Tính tới cuối năm ngoái, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ Vietcombank tăng trưởng 11%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 13% của tiền gửi khách hàng.

Với BIDV, dư nợ cho vay khách hàng tới cuối năm ngoái của nhà băng này đã tăng tới 17%, đạt mức kỷ lục gần 1,8 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 16%, đạt trên 1,7 triệu tỷ.

Trong năm vừa qua, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần chỉ tăng 0,3%, cho thấy việc sinh lời từ tín dụng đã giảm mạnh khi ngân hàng phải liên tục đưa ra các chương trình giảm lãi suất.

Tuy nhiên, BIDV lại ghi nhận tăng trưởng ấn tượng ở các nguồn thu ngoài lãi. Trong đó, lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng đã tăng 16% năm vừa qua, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp rưỡi. Đáng chú ý, lãi từ chứng khoán đầu tư đã tăng gấp 11 lần năm liền trước, chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi.

Kết quả, nhà băng này báo lãi trước thuế gần 27.650 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), tăng 21% so với năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận BIDV vượt mốc 1 tỷ USD.

Trong năm ngoái, lãnh đạo Agribank cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 25.300-25.400 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD), cũng tăng hai chữ số so với năm liền trước và là mức lãi cao nhất từ trước đến nay.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank đã vượt 2 triệu tỷ đồng; huy động khách hàng đạt 1,9 triệu tỷ và tổng dư nợ cho vay đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, VietinBank năm vừa qua thu về hơn 25.100 tỷ đồng lãi trước thuế (trên 1 tỷ USD), tăng gần 20%. Tăng trưởng của nhà băng này được hỗ trợ chính bởi thu nhập lãi thuần tăng 11%, mang về hơn 53.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng trưởng tích cực năm vừa qua như hoạt động dịch vụ (+22%), kinh doanh ngoại hối (+19%), chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi.

“Đổi ngôi” ngân hàng tư nhân lãi tỷ USD

Bên cạnh mức lãi tỷ USD của nhóm ngân hàng quốc doanh kể trên, năm 2023 vừa qua cũng ghi nhận lần đầu tiên Techcombank sụt giảm lợi nhuận kể từ năm 2013.

Báo cáo tài chính cho biết năm vừa qua nhà băng này vẫn thu về gần 22.900 tỷ đồng lãi trước thuế. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này đã giảm gần 11% so với năm liền trước và tuột khỏi mốc tỷ USD.

Nguyên nhân chính là chi phí trả lãi tiền gửi tăng nhanh hơn thu nhập từ cho vay và dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao. Tình trạng này đã khiến thu nhập chính từ hoạt động tín dụng của Techcombank giảm 9% năm qua.

Trái ngược với đà suy giảm của Techcombank là sự vươn lên mạnh mẽ của MBBank năm qua với khoản lãi trên 26.300 tỷ đồng trước thuế, tăng 16%, trở thành ngân hàng thương mại tư nhân duy nhất gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD" năm 2023.

Năm qua, nhà băng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng. Trong đó, MB đã đẩy mạnh giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản.

Dư nợ cho vay chủ đầu tư kinh doanh bất động sản của ngân hàng này đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2022, từ 21.300 tỷ đồng lên 43.200 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng (không tính khoản cho vay margin của MBS) thậm chí tăng 32% so với thời điểm đầu năm.

Về cơ cấu nợ vay của MB, tổng cho vay các tổ chức kinh tế vào khoảng 322.100 tỷ đồng; cho cá nhân gần 275.700 tỷ đồng chiếm lần lượt 53% và 46% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã tăng vọt từ 1,1% đầu năm lên 1,6% vào cuối năm.

Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, MB lại giảm trích lập dự phòng rủi ro từ hơn 8.000 tỷ đồng năm 2022 xuống còn gần 6.100 tỷ đồng năm 2023, tương ứng giảm 24%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận ngân hàng tăng vọt năm vừa qua và lần đầu tiên gia nhập nhóm tỷ USD.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/5-ngan-hang-lai-ty-usd-post1459293.html