Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB (HoSE: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tính riêng quý IV/2023, nhà băng này đã ghi nhận hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng trong quý vừa qua.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV/2023 giảm gần 2,6%, đóng góp 6.289 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 21,5% xuống còn 927 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm mạnh 90% còn gần 14 tỷ.
Tuy nhiên điểm sáng là khoản lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư trong quý IV/2023 tăng mạnh lên gần 1.360 tỷ đồng, từ mức nền thấp chỉ gần 3 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Cũng trong quý cuối cùng của năm 2023, ACB trích lập dự phòng chi phí rủi ro tín dụng gần 322 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động trong kỳ, ngân hàng này thu về khoản lãi trước thuế hơn 5.043 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập cũng tăng tương ứng, đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, ACB lãi trước thuế gần 20.100 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm trước. Kết quả lợi nhuận này đã hoàn thành 100% kế hoạch cổ đông ngân hàng đề ra và còn là mức lãi trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB.
Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của ACB mở rộng 18% so với đầu năm, chạm mức gần 718.800 tỷ đồng. Quy mô tín dụng đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với đầu năm và cao hơn mức 13,7% bình quân ngành.
Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 10 năm trở lại đây của ACB, chủ nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường.
Nhà băng này cho biết đã triển khai hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân đạt gần 1.900 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ đạt 2.200 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô huy động tiền gửi của ACB đạt gần 483.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 22%, đứng top 5 toàn ngành.
Trên bảng cân đối kế toán, ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2023, nếu không tính khoản cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS thì nợ xấu của ngân hàng đang ở mức 5.890 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 0,7% hồi đầu năm lên 1,2% vào cuối năm. Kết thúc năm 2023, lợi nhuận/vốn (tỷ lệ ROE) của ACB ở mức gần 25%.