Rừng nhiệt đới Amazon, Nam Mỹ: Nằm ở trung tâm Nam Mỹ, kéo dài qua 8 quốc gia khác nhau (Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Surinam và Venezuela), Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nơi đây cũng được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh, hơn 1/3 các loài thực vật và động vật có thể được tìm thấy ở Amazon. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của một số bộ lạc bị cô lập nhất trên trái đất. Khoảng 40% hệ sinh thái rộng lớn này đã bị phá hủy trong suốt 4 thập kỷ qua. Do nạn phá rừng, khai thác trái phép và sự nóng lên toàn cầu, Amazon có thể không còn trong 50 năm nữa nếu chúng ta không có những hành động bảo vệ ngay từ bây giờ. Ảnh: andBeyond.
Rạn san hô Great Barrier, Australia: Điểm đến này là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Với chiều dài hơn 1.600 dặm (gần 2.600 km), Great Barrier sở hữu khoảng 3.000 rạn san hô lớn nhỏ và nhiều hòn đảo nhiệt đới. Đây là nơi sinh sống của hàng nghìn loài cá, san hô và các loài sinh vật khác, tạo thành một thế giới dưới nước đầy màu sắc. Tuy nhiên, Great Barrier và các loài sinh vật đang gặp nguy hiểm do nhiệt độ nước biển tăng cao, rác thải nhựa và các chất ô nhiễm khác. Các chuyên gia ước tính Great Barrier đã mất hơn một nửa diện tích bề mặt trong 30 năm qua. Nếu chúng ta không bắt đầu thay đổi hành vi của mình, thì trong vòng chưa đầy một thập kỷ nữa, nơi này có thể biến mất vĩnh viễn. Ảnh: GoEco.
Các dòng sông băng núi Kilimanjaro, Tanzania, Đông Phi: Kilimanjaro với độ cao 5.891 m so với mực nước biển là ngọn núi cao nhất ở châu Phi và là một trong những ngọn núi được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các dòng sông băng này đang tan chảy nhanh chóng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng 85% băng bao phủ ngọn núi đã biến mất vào năm 1912. Đến năm 2050, các sông băng núi Kilimanjaro có thể biến mất hoàn toàn. Ảnh: The Last Glacier.
Quần đảo Galápagos, Ecuador: Hệ động thực vật sống trên quần đảo này của Ecuador này đang dần mất hút giữa Thái Bình Dương bao la, do phải chịu sự tấn công của ngành du lịch trong suốt vài thập kỷ qua. Các chuyến bay liên tục cập bến, vô số tàu săn bắn trái phép, cùng sự du nhập của các loài xâm lấn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong khi chính quyền Ecuador làm việc để bảo vệ các loài sinh sống trên đảo, chúng ta cần có những hành động du lịch xanh, trước khi chúng phải chịu thêm thiệt hại về môi trường. Ảnh: Travel + Leisure.
Biển Chết, Israel, Jordan và Palestine: Trong khi mực nước của hầu hết đại dương trên thế giới đang tăng lên, do sự nóng lên toàn cầu và sự thu hẹp của các chỏm băng ở hai cực, thì điều ngược lại đang xảy ra với Biển Chết, nơi đang chết dần theo đúng nghĩa đen. Mực nước đang giảm gần một mét mỗi năm. Các nguyên nhân được tìm thấy là do sự kết hợp của yếu tố con người và địa chất. Biển Chết sẽ không biến mất trong vài năm tới, nhưng những dự báo về trung và dài hạn của nó không hứa hẹn trừ khi mọi thứ thay đổi. Ảnh: The Times of Israel.
Rừng mưa, Congo: Lưu vực Congo là lưu vực sông lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Amazon, đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của nồng độ carbon dioxide trên trái đất. Diện tích rừng kéo dài qua một số quốc gia châu Phi và là một trong những khu vực hoang dã dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh. Đây là nơi sinh sống của khỉ đột, voi, trâu và nhiều loài khác trên thảo nguyên, rừng và đầm lầy. Các nhà khoa học dự đoán rằng một số lượng đáng kể các loài động thực vật sinh sống tại đây sẽ biến mất trước năm 2040 do nạn phá rừng, khai thác trái phép và buôn lậu động vật hoang dã. Ảnh: World Wildlife Fund.
Rừng ngập mặn Sundarbans, Ấn Độ và Bangladesh: Nằm dọc biên giới giữa Ấn Độ và Bangladesh, Sundarbans là nơi sinh sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, từ loài cá leo cây quý hiếm đến quần thể hổ sống trong rừng ngập mặn cuối cùng trên thế giới. Di sản Sinh quyển Thế giới này đang ngày càng bị đe dọa bởi nước thải độc hại, ô nhiễm công nghiệp và nạn khai thác gỗ nặng nề trong khu vực. Ảnh: India Heritage Sites.
Công viên quốc gia Glacier, Mỹ: Công viên nằm ở bang Montana, Mỹ, gần biên giới Canada với sông băng tuyệt đẹp giữa các đỉnh núi, thác nước, rừng và hàng trăm hồ nước. Đây cũng là nơi sinh sống của nai sừng tấm, gấu và dê núi. Có hơn 150 sông băng trong thế kỷ 19, nhưng ngày nay chỉ còn lại 25 sông, và theo các nhà khoa học, nếu hành tinh tiếp tục nóng lên với tốc độ hiện tại, tất cả sẽ biến mất chỉ sau hơn 20 năm tới. Ảnh: Earth Trekkers.