Công nghệ

AI đang thay người thật để thành 'chiến thần livestream' ở Trung Quốc

Chỉ cần cung cấp đoạn video sample và kịch bản soạn sẵn, các trợ lý AI có thể lên sóng bán hàng, tư vấn như người thật, giúp tiết kiệm chi phí thuê KOL, bộ phận kỹ thuật...

Sự trỗi dậy của AI đã khiến không ít chuyên gia bán hàng livestream mất việc. Ảnh: Bloomberg.

Lướt qua các video phát trực tiếp lúc 4h sáng trên Taobao, bạn sẽ thấy choáng ngợp bởi sự bận rộn, náo nhiệt ở đây. Trong lúc mọi người còn say giấc, vẫn có rất nhiều livestreamer liên tục giới thiệu sản phẩm trước ống kính camera để phục vụ khách hàng săn sale lúc nửa đêm.

Nhưng nếu xem kỹ hơn, bạn sẽ nhận thấy những “KOL” trong các video này có vẻ cứng nhắc. Chuyển động môi khớp những gì họ đang nói nhưng đôi khi vẫn trông thiếu tự nhiên.

Trên thực tế, những livestreamer này không có thật. Họ là “người ảo” do AI tạo ra. Khi các công nghệ deepfake, giả giọng nói và chuyển động con người ngày càng tinh vi, giá cả phải chăng, hình thức dùng người ảo để livestream bán hàng đã bùng nổ trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.

Livestreamer ảo giúp tiết kiệm tiền của, sức người

Ở quốc gia tỷ dân, bán hàng qua livestream là một hình thức rất được ưa chuộng. Các nhãn hàng sẽ thuê KOL giới thiệu một loạt sản phẩm trên sóng livestream để người dùng nhấn mua ngay thời điểm phát sóng.

Video livestreamer AI do công ty công nghệ Trung Quốc tạo ra. Ảnh: Silicon Intelligence.

Với format này, các buổi livestream đã thành công thu hút lượng khán giả khổng lồ. Hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) tiền hàng đã được bán vào năm ngoái. Cùng với đó là hơn 1 triệu người trở thành livestreamer ở Trung Quốc.

Song, AI bùng nổ và đe dọa công việc của những người thật. Bên cạnh các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn như Xiaoice, Qianyu Intelligence, các gã khổng lồ công nghệ cũng đang thử nghiệm tính năng phát trực tiếp do AI tạo ra. Alibaba, Tencent, Baidu và JD đều đã tung ra hàng loạt tính năng mới, cho phép các thương hiệu trên tạo ra các người dẫn AI của riêng họ.

Những “người ảo” này có thể bắt chước nét mặt, chuyển động của con người và gần như không thể phân biệt được với người thật. Họ có thể tương tác tự nhiên với khách hàng và trả lời các câu hỏi của họ một cách nhanh chóng.

Những gì con người phải làm là nhập thông tin cơ bản như tên và giá của sản phẩm đang được bán. Những phiên bản cao cấp hơn còn có thể phát hiện các nhận xét trực tiếp và tìm câu trả lời phù hợp trong cơ sở dữ liệu để trả lời theo thời gian thực.

“Ví dụ như khi livestreamer nói 'Chào mừng bạn đến với kênh phát trực tiếp của tôi. Hãy nhấn theo dõi nhé', họ sẽ chỉ ngón tay lên trên vì đó là nơi hiển thị nút 'Theo dõi' của ứng dụng. Tương tự, khi người ảo giới thiệu một sản phẩm mới, họ sẽ chỉ xuống giỏ hàng - nơi người xem có thể tìm thấy tất cả sản phẩm.”, Giám đốc kinh doanh Huang Wei tại công ty Xiaoice chia sẻ với MIT Technology Review.

"Người ảo" có lợi thế chi phí thấp, làm việc 24/24 không ngừng nghỉ. SCMP.

Không chỉ giống người thật, những livestreamer do AI tạo ra còn được ưa chuộng nhờ tiết kiệm nhân lực. Chi phí để vận hành một phòng phát trực tiếp truyền thống với hàng chục nhân viên và thiết bị mỗi tháng là 150.000-250.000 nhân dân tệ (20.700-35.400 USD).

“Trong khi đó, các nhãn hàng chỉ cần chi vài nghìn nhân dân tệ để chạy một phòng livestream ảo do AI lên hình”, Tao Yadong - Giám đốc điều hành của Qianyu Intelligence - cho biết. Qianyu Intelligence là đối tác của Qianxun Holdings, một trong những công ty phát trực tiếp hàng đầu Trung Quốc.

“Người ảo” áp đảo “người thật”

Tao Yadong cho biết những “livestreamer ảo” này rất chuyên nghiệp và có thể làm việc 24 giờ một ngày. Các thử nghiệm cho thấy hiệu quả của AI luôn tốt hơn người thật khi xét về tổng hàng hóa bán được, thời gian xem trung bình, số lượng người xem và tỷ lệ giao dịch.

Đồng quan điểm, Hugo Huang - nhà sáng lập công ty cung cấp livestreamer ảo Sansongshuzi - nói rằng chi phí chạy các chiến dịch bán hàng trực tuyến của AI thấp hơn nhiều so với chi phí của một KOL, KOC. Công ty của ông cung cấp dịch vụ người ảo với giá 500 nhân dân tệ (70 USD) mỗi tháng.

Các avatar này sẽ xuất hiện trong các video ngắn hoặc các phiên livestream. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 50.000 nhân dân tệ để thuê host thật và studio quay phim.

Livestreamer AI của Xiaoice có thể tương tác với sản phẩm trước camera. Ảnh: Xiaoice.

Tại một sự kiện của Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến đã thử nghiệm quy trình marketing hoàn toàn mới dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - công nghệ được sử dụng để đào tạo chatbot Ernie Bot.

Họ nhập các từ khóa như “sầu riêng Thái Lan”, “doanh số hàng tháng 100.000” và “không dưới 300 từ”. Sau đó, hệ thống tự động tạo ra một đoạn văn ngắn sử dụng để giới thiệu sản phẩm.

Cách làm này được áp dụng để AI tương tác với khán giả trực tuyến trong phiên phát trực tiếp. Baidu cho biết một một thương hiệu đã sử dụng giải pháp này để bán vé vào Disneyland Thượng Hải, tạo ra doanh thu 540.000 nhân dân tệ (76.600 USD) chỉ trong một tháng.

Song, sự bùng nổ ứng dụng AI trong livestream cũng đồng nghĩa nhiều người sẽ mất việc. Điều đó đã xảy ra ở Trung Quốc. Vào nửa đêm, nhiều kênh phát trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến như Taobao và JD đều xuất hiện những người dẫn là AI.

Theo ước tính của SCMP, những livestreamer AI sẽ thay thế hơn 400.000 người phát trực tiếp trên các nền tảng như Taobao Live, WeChat, Douyin và Kuaishou.

“Nếu một công ty thuê 10 người dẫn chương trình, trình độ kỹ năng của họ sẽ khác nhau. Trong đó, có 2-3 KOL hàng đầu sẽ mang lại 70-80% tổng doanh thu. Số người còn lại có thể bị thay thế bởi AI và nhờ đó chi phí sẽ giảm đáng kể”, Chen Dan - Giám đốc điều hành của Quantum Planet AI - chia sẻ.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nhung-chien-than-livestream-247-tai-trung-quoc-post1451664.html