Lifestyle

Ám ảnh hoàn hảo trong công việc

Nhiều nhân sự luôn muốn công việc chỉn chu ở mức tuyệt đối. Song, nỗ lực này chỉ khiến họ tốn thời gian, năng lượng, khó tập trung vào các dự án quan trọng hơn.

Nhân sự ám ảnh với chủ nghĩa hoàn hảo dễ kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism), nhiều nhân viên nỗ lực làm mọi thứ một cách chỉn chu, không được mắc sai lầm. Thậm chí, dù thành quả được công nhận, đánh giá cao, họ vẫn cảm thấy chưa hài lòng và cố tìm ra “lỗi” để chỉnh sửa.

Không có gì sai khi chúng ta có sự cầu toàn trong công việc. Tuy nhiên, bị ám ảnh bởi tính hoàn hảo lại là vấn đề khác.

Chẳng hạn, bạn sẽ có xu hướng “vạch lá tìm sâu” hoặc quá tập trung vào tiểu tiết. Thói quen này làm hao tốn thời gian, công sức của cá nhân, khiến bạn khó tập trung vào dự án khác cần thiết hơn. Ngoài ra, bạn thường nghiêm trọng hóa mọi vấn đề và muốn mọi người thuận theo ý mình.

Song, điều đó chỉ khiến mọi người mệt mỏi, tìm cách tránh né hoặc thẳng thừng từ chối hợp tác. Cứ như vậy, burn out và lạc lõng tại văn phòng là kết quả khó tránh.

Dưới đây là một số lời khuyên từ Fast Company giúp bạn đảm bảo mọi việc đều được hoàn thành chỉn chu mà không rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo.

Ám ảnh với sự hoàn hảo, nhiều nhân sự đứng trên bờ vực burn out. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Hiểu mình còn nhiều nhiệm vụ khác

Mắc kẹt với ám ảnh hoàn hảo, bạn dành hầu hết thời gian trong ngày để tập trung vào công việc đơn lẻ.

Trong khi đó, hàng tá nhiệm vụ khác đang đợi được xử lý, với deadline ngày một gần hơn.

Theo tiến sĩ tâm lý Art Markman, sự hoàn hảo thực chất chỉ là một khái niệm gây ám ảnh.

Mọi việc đều tồn tại khả năng thất bại, và tỷ lệ dễ tăng lên khi kết hợp với các yếu tố khác.

“Nếu bạn dồn hết tâm trí và sức lực cho tất cả đầu việc, sẽ không có nhiệm vụ nào được hoàn tất chỉn chu.

Bài học quan trọng lúc này cách đánh đổi giữa năng suất và độ chính xác bạn kỳ vọng. Tôi không khuyên mọi người làm việc ở mức lưng chừng, nhưng cần biết nỗ lực đúng mức để đảm bảo tiến độ chung”, Markman nói.

Nhằm thay đổi dần thói quen, bạn nên bắt đầu ngày của mình bằng những đầu việc ít quan trọng, dễ hoàn thành.

Chẳng hạn, xu hướng cầu toàn khiến bạn suy nghĩ quá nhiều về việc soạn email. Hãy chỉ dành vài phút để viết ra mọi ý tưởng, yêu cầu cần thiết và đọc nhanh trước khi gửi.

Bạn vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ một cách cẩn thận vừa đủ, thay vì quá trau chuốt. Lúc này, việc mắc lỗi nho nhỏ vẫn được chấp nhận vì không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào.

Đồng thời, đừng quên cân nhắc yếu tố thời gian mỗi khi làm việc. Theo Markman, nhân viên nên tự đặt ra các deadline của riêng mình để không sa đà dưới ảnh hưởng của nỗi ám ảnh hoàn hảo.

Thay vì chỉ tập trung trau chuốt một đầu việc, bạn cần phân tán sức lực cho nhiều nhiệm vụ khác. Ảnh minh họa: Michael Burrows/Pexels.

Tập điều chỉnh kỳ vọng

Một cách khác để bạn bớt dần cảm giác cầu toàn nặng nề là phân tích hiệu quả công việc của đồng nghiệp.

Chắc chắn, sẽ có những nhân sự tốn ít thời gian, công sức hơn bạn nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không ép bản thân phải ở mức 100 điểm, họ duy trì mọi thứ ở mức 80-90, với tần suất, năng suất cao, ổn định hơn người khác.

Nếu cần xin lời khuyên, hãy mạnh dạn hỏi họ về cách đánh giá công việc và đặt mục tiêu cho bản thân để cân nhắc áp dụng cho mình.

Ngoài ra, trang Indeed gợi ý bạn nên tập cách từ chối. Mỗi khi nói “không”, bạn tăng khả năng kiểm soát khối lượng công việc, đủ thời gian đầu tư vào những kỹ năng cần thiết. Đồng thời, nó cũng cho phép bạn tập trung sức lực vào đầu việc đặc biệt quan trọng.

Để điều chỉnh thói quen, bạn cần tìm cách giảm mong muốn kiểm soát mọi thứ. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Kiềm chế mong muốn kiểm soát

Phần lớn người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thích kiểm soát và điều khiển mọi thứ.

Tuy nhiên, tại môi trường công sở, bạn thường phải làm việc theo nhóm cũng như đảm bảo tiến độ chung. Lúc này, điều chúng ta cần là san sẻ nhiệm vụ với đồng nghiệp.

Thay vì “độc chiếm” phần việc nào đó, chuyên gia tâm lý Art Markman khuyên bạn nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhân viên đáng tin cậy, nhiều kinh nghiệm.

Hãy cho họ biết rằng bạn tin tưởng và kỳ vọng sự hợp tác của đôi bên sẽ cho ra thành phẩm đáng giá. Quan trọng nhất, bạn cần phải lắng nghe và kiềm chế nhu cầu thâu tóm tình hình.

Thời gian đầu, bạn khó thoát được cảm giác bức bối. Song, hãy hiểu rằng các đồng nghiệp luôn biết cách xử lý vấn đề mà không cần chật vật với ám ảnh hoàn hảo như bạn. Kinh nghiệm từ họ sẽ giúp bạn xoay xở tốt khi khối lượng nhiệm vụ đổ về tăng cao.

Cuối cùng, đừng quên sức khỏe thể chất và tinh thần luôn có giới hạn. Muốn đủ sức hoàn thành mọi thứ và bám sát lộ trình sự nghiệp đã đặt ra, bạn cần học cách nghỉ ngơi, cân đối giữa công việc - đời sống riêng cũng như chấp nhận những thiếu sót của chính mình.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/am-anh-hoan-hao-trong-cong-viec-post1410337.html