Được coi là "bát cơm sắt", cụm từ ám chỉ công việc ổn định trong lĩnh vực công tại Trung Quốc, nghề giáo viên vẫn là công việc được nhiều người tìm kiếm giữa thời buổi kinh tế bất ổn, South China Morning Post đưa tin.
Nhưng "bát cơm sắt" này đang bị đe dọa khi tỷ lệ sinh ở xứ tỷ dân giảm mạnh, dẫn đến dư thừa giáo viên và hàng triệu người có thể thất nghiệp trong 10 năm tới.
Hàng triệu giáo viên có nguy cơ thất nghiệp
Với số lượng người về hưu tăng nhanh và số trẻ sinh ra giảm mạnh, Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học có tác động sâu rộng, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm hơn và hệ thống an sinh xã hội căng thẳng.
Tỷ lệ sinh đã rơi tự do kể từ năm 2017, với số ca sinh giảm hơn 500.000 vào năm 2023, xuống mức 9 triệu trẻ.
Theo Bộ Giáo dục nước này, số trẻ em học mẫu giáo cũng được ghi nhận mức sụt giảm đầu tiên vào năm 2021, trong khi số học sinh tiểu học giảm lần đầu vào năm 2022.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho biết: "Với ít học sinh hơn, chắc chắn sẽ có tình trạng dư thừa tại các trường học trong một khoảng thời gian nhất định hoặc một khu vực nhất định".
Tuy nhiên, ông cho biết mức độ ảnh hưởng phần lớn phụ thuộc vào hành động của chính quyền trong những năm tới.
"Theo nghiên cứu thực địa của tôi, vì gánh nặng tài chính, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ tuyển ít giáo viên hơn trong năm nay", ông Chu nói thêm.
Chính quyền đang chịu áp lực tài chính ngày càng tăng khi cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản chưa có dấu hiệu giảm bớt, đồng thời các thách thức khác đã cản trở sự phục hồi sau đại dịch của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sở giáo dục tỉnh Hồ Nam đã ban hành chỉ thị vào tháng 11/2023 kêu gọi phân bổ nguồn lực giáo dục tốt hơn trong 5 đến 10 năm tới dựa trên tỷ lệ sinh, đô thị hóa và số trẻ em trong độ tuổi đi học.
Trong năm qua, một loạt chính quyền địa phương khác, chẳng hạn như ở Sơn Đông và Tứ Xuyên, đã công bố kế hoạch ngừng cung cấp các chương trình cấp bằng liên quan đến giáo dục tại một số trường đại học và cao đẳng nhằm hạn chế nguồn cung giáo viên.
Nhiều chính quyền địa phương phải chủ động hạ nhiệt "cơn sốt giảng dạy" trong vài năm qua, thông qua việc điều chỉnh chuyên ngành, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu nguồn nhân lực MyCOS vào tháng 1.
Suốt nhiều thập kỷ, các trường học ở Trung Quốc luôn đông học sinh, với số lượng lên tới 50 học sinh trong một lớp ở một số khu vực thành thị và khoảng 30 học sinh ở hầu hết vùng nông thôn.
Nếu các lớp vẫn giữ nguyên mật độ, sẽ có dư thừa 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370.000 giáo viên trung học vào năm 2035, theo nghiên cứu của nhóm do Qiao Jinzhong, giáo sư giáo dục tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh dẫn đầu.
Ông nói với tạp chí Newsweek vào tháng 2/2023 rằng: "Số lượng trường giáo dục bắt buộc trên cả nước đã giảm kể từ năm 2003 và xu hướng này sẽ tiếp tục từ năm 2020 đến năm 2035, với tốc độ suy giảm dần dần tăng".
Cơ hội để nâng cao chất lượng giảng dạy
Bên cạnh nỗ lực sáp nhập các trường để tập trung nguồn lực, số lượng trường học bị thu hẹp còn do áp lực giảm số lượng học sinh.
Năm 2021, số lượng trẻ em học mẫu giáo sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2003, tiếp theo là mức giảm 3,7% vào năm 2022. Năm 2022, tổng số học sinh tiểu học cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2013, giảm 478.800 so với một năm trước đó xuống còn 107 triệu.
Xu hướng này có thể khiến các trường công giảm quy mô lớp học để tránh tình trạng sa thải, song điều này cũng sẽ cho phép giáo viên tăng thời gian dành cho mỗi học sinh, Maggie Chen, giáo viên đã giảng dạy 20 năm ở tỉnh Chiết Giang, cho biết.
"Nhưng sự cạnh tranh có thể tàn khốc hơn nhiều ở các trường tư, nơi có áp lực tài chính lớn hơn và có lớp học nhỏ. Sẽ có khả năng lớn là sẽ bị sa thải", bà Chen nói.
Theo Huang Bin, giáo sư tại Viện Giáo dục Đại học Nam Kinh, nhu cầu về nguồn lực giảng dạy giảm không phải là điều xấu, đặc biệt đối với các trường vùng sâu vùng xa, nơi giáo viên thường được đào tạo kém và thiếu cơ hội phát triển.
Đây là cơ hội để Trung Quốc cải thiện chất lượng giáo dục, điều rất quan trọng để hiện thực hóa tham vọng thu hút nhân tài của Bắc Kinh - một khái niệm ám chỉ lực lượng lao động được giáo dục tốt hơn - dự kiến sẽ mang lại động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế mặc dù quy mô nhỏ hơn.
Giáo sư Huang nói thêm rằng ít trẻ em hơn cũng đồng nghĩa với việc ít cạnh tranh hơn trong trường học, điều này có thể làm giảm bớt lo lắng của phụ huynh và căng thẳng cho học sinh.