Năm 2023, tỷ lệ cạnh tranh cho công việc nhân viên chính phủ bậc 9 (bậc thấp nhất) ở Hàn Quốc là 22,8/1, thấp nhất kể từ năm 1992. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp tỷ lệ cạnh tranh cho công việc này giảm, theo Korea Herald.
Từng có thời gian, công chức được xem là công việc mơ ước của nhiều người, đỉnh điểm vào năm 2011, khi một ứng viên phải đánh bại 92 người khác để được tuyển dụng.
Trên thực tế, "cơ quan chính phủ" cũng đứng đầu danh sách những nơi làm việc được ưa thích nhất ở nhóm tuổi 13-34 trong các cuộc khảo sát của Statistics Korea trong hơn 10 năm kể từ 2006, chỉ nhường lại ngôi đầu cho "các tập đoàn lớn" vào năm 2021.
Công việc ở các cơ quan chính phủ cũng từng được mệnh danh là "bát cơm sắt" bởi tính bảo đảm suốt đời. Chúng có nghĩa 2 điều: thứ nhất, người chủ thuê hầu như không bao giờ phá sản và thứ hai, nhân viên sẽ không cần phải lo lắng về việc bị sa thải.
Những khía cạnh này đặc biệt hấp dẫn sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi người Hàn Quốc lần đầu trải qua tình trạng sa thải hàng loạt và chứng kiến ngay cả những ông lớn như Tập đoàn Daewoo cũng gục ngã.
Rất khó bị sa thải khi là một nhân viên chính phủ ở Hàn Quốc. Luật quy định nhân viên chỉ bị cách chức sau khi phạm lỗi nghiêm trọng trong nhiệm vụ hoặc phạm pháp.
Theo dữ liệu từ Bộ Quản lý Nhân lực Hàn Quốc, 211 nhân viên chính phủ đã bị sa thải vào năm 2021, chiếm 0,03% trong tổng số 750.824 trên cả nước.
Một điểm hấp dẫn khác ở công việc này là lương hưu. Mức chi trả lương hưu cho nhân viên chính phủ hào phóng hơn so với chương trình dịch vụ hưu trí quốc gia. Tuy nhiên, sau đợt cải cách năm 2015, trợ cấp lương hưu của công chức ở Hàn Quốc đã giảm xuống.
Từ bỏ "bát cơm sắt"
Theo Kang Na-yun (không phải tên thật), làm công chức ở thành phố Sejong từ năm 2019, cho biết làm một công việc không bao giờ lo bị sa thải có thể là con dao hai lưỡi. Cô giải thích việc được đảm bảo tuyệt đối có thể phản tác dụng vì nhân viên đó không có động lực hoàn thành xuất sắc công việc.
"Nếu nổi bật trong công việc (vì làm tốt), phần thưởng duy nhất bạn nhận được chỉ là khối lượng việc nhiều hơn. Mọi người bắt đầu đổ hết công việc của họ cho bạn và thậm chí không có vẻ gì là họ đánh giá cao điều đó", cô nói.
Một trong số những lý do rõ ràng khiến mọi người quay lưng lại với công việc ở các cơ quan chính phủ còn là do lương thấp.
Chính quyền thành phố Seoul gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát với 550 viên chức chính phủ mới được tuyển dụng về mối quan tâm lớn nhất của họ và 28% trả lời là “các vấn đề tài chính do mức lương thấp”.
Mức lương khởi điểm hàng tháng cho công chức bậc 9 là 1,77 triệu won vào năm 2023, thấp hơn so với mức khoảng 2 triệu won mà một người sẽ kiếm được nếu làm việc cùng số giờ với mức lương tối thiểu.
Tất nhiên, công chức mới vào nghề được hưởng tiền ăn trưa, tiền thưởng ngày lễ và các lợi ích khác, nhưng ngay cả vậy, mức lương hàng tháng cũng chỉ dao động trong khoảng 2,1 triệu won. Ngược lại, mức lương khởi điểm cho các công việc tại các tập đoàn lớn vào năm 2022 là 53,56 triệu won - tương đương gần 4,5 triệu won/tháng.
Mặc dù số giờ làm việc tương đối ít hơn so với trước đây được coi là một lợi thế khi làm việc cho chính phủ, nhiều người trẻ đang không còn xem đó là điểm cộng nữa. Tháng 3, Bộ An toàn và Nội vụ Hàn Quốc cho biết chính phủ đang có kế hoạch thuê tổng cộng 18.819 nhân viên mới trên cả nước trong năm nay, giảm 34,5% so với năm trước.
Năm 2022, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch hạn chế số lượng công chức trong 5 năm tới, giảm chỉ tiêu biên chế 1% mỗi năm thông qua việc bố trí lại nhân sự.
“Lúc đầu, tôi nghĩ chỉ cần được thăng chức là ổn. Nhưng giờ dù có lên cấp quản lý, tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn vì chính phủ liên tục cắt giảm số lượng nhân viên", Kim Seo-yeong (không phải tên thật), một công chức khác ở Sejong, cho biết.
Cũng trong cuộc khảo sát ở trên, 17% người được hỏi cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ là văn hóa làm việc cứng nhắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa hợp nhóm hơn là thành tích cá nhân và sự thể hiện bản thân.
“Là một nhóm, công chức không hoan nghênh những đặc điểm riêng biệt. Vì cá tính hoặc sự nổi bật khiến bản thân trở thành mục tiêu, chúng tôi được cấp trên khuyên nên che giấu bản thân càng nhiều càng tốt. Nếu chúng tôi nổi bật lên, mọi người sẽ nói xấu sau lưng chúng tôi", Kang nói.
Một phụ nữ 26 tuổi họ Choi, mới bắt đầu làm việc tại Bộ Tư pháp Hàn Quốc, cho biết cô bị sốc trước môi trường làm việc.
“Sếp hiện tại của tôi luôn nói về việc nhân viên trẻ nên hỏi ý kiến cấp trên trước khi đi ăn, hay thậm chí uống cà phê. Tôi thích đi chơi với các đồng nghiệp, nhưng anh ấy dường như có vấn đề với điều đó", cô nói.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giờ đã là dĩ vãng, có vẻ như lợi ích của việc không phải lo lắng chuyện bị sa thải không còn hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, những người đang muốn được làm việc trong một môi trường tốt hơn.