Hạ tầng

Bí thư Bình Thuận: Sẽ mở thêm đường kết nối cao tốc Phan Thiết

'Chúng tôi nhìn thấy cơ hội, tỉnh tiếp tục đầu tư các tuyến kết nối với 3 trục quan trọng: Cao tốc, quốc lộ, đường ven biển', Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ.

"Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bình Thuận, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bình Thuận với TP.HCM chỉ còn khoảng 2 giờ. Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội này và có phương án đón đầu, tận dụng cơ hội ngay từ khi cao tốc mới được khởi công...", ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chia sẻ với Zing sau khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khánh thành.

Đón gần 3 triệu lượt khách trong 4 tháng

- Kết thúc quý I/2023, Bình Thuận xếp thứ 2/63 địa phương về tốc độ tăng trưởng GRDP (tăng 9,86%), trong bối cảnh một số thành phố, trung tâm kinh tế tăng trưởng thấp. Tỉnh đã dựa trên những điểm mạnh nào để có tốc độ tăng trưởng ấn tượng như thế?

- Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Bình Thuận đặt ra mục tiêu sớm phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội để bù đắp sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch trong 2 năm 2021-2022. Với quyết tâm khắc phục khó khăn, tỉnh tập trung phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Với hướng đi đúng đắn, kết quả tăng trưởng GRDP quý I/2023 của Bình Thuận rất khả quan và đáng mừng. Trong đó, khu vực dịch vụ - du lịch tăng 15,46%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng gần 10%; nông - lâm - thủy sản tăng gần 4%.

Đặc biệt, du lịch - thế mạnh của tỉnh có sự phục hồi và tăng trưởng rất ấn tượng; 4 tháng đầu năm 2023, chưa kể dịp lễ 30/4-1/5, tổng lượng khách đến tỉnh ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 199,4%, doanh thu ước đạt 7.260 tỷ đồng, tăng 2,64 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 10.410 tỷ đồng, tăng 7,02%. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng đạt kết quả cao với 8.288 tỷ đồng, tăng 10,41%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 21.692 tỷ đồng, tăng 32,13% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giúp tăng trưởng GRDP của tỉnh trong quý I/2023.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An.

- Để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh chung nhiều thách thức, khó khăn, Bình Thuận chuẩn bị gì cho các quý còn lại trong năm?

- Kết quả tăng trưởng một quý chưa nói lên điều gì nếu thời gian còn lại tỉnh không tiếp tục nỗ lực, thu hút nguồn lực, tạo ra các động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, cùng với những khó khăn trong lĩnh vực tài chính, bất động sản... sẽ tác động không tốt đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách đến Bình Thuận ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 199,4%, doanh thu ước đạt 7.260 tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì các động lực tăng trưởng dựa trên điều kiện hiện có và cơ hội mới. Địa phương sẽ hết sức tranh thủ hiệu ứng lan tỏa từ các hoạt động, lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch, hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia, cú hích sau khi tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng, đẩy mạnh ngành du lịch, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực có liên quan như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, bất động sản,…

Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững, tỉnh phải khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư; từ quy hoạch đất đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án… thuộc thẩm quyền của tỉnh. Chúng tôi cũng tập trung tháo gỡ khó khăn về việc tính giá đất cụ thể để doanh nghiệp sớm thực hiện nghĩa vụ có liên quan và triển khai dự án.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với phương châm “lấy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư”. Tỉnh khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng hạng mục dân dụng ở Cảng hàng không Phan Thiết, cố gắng đưa vào khai thác vào nửa cuối năm 2024, từ đó, giúp “mở cửa bầu trời” cho quá trình phát triển. Phát triển, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp; thúc đẩy thương mại, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Kết nối 3 trục quan trọng

- Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe, việc kết nối với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ được rút ngắn, giao thương, du lịch được thuận lợi hơn, tỉnh nắm lấy cơ hội này như thế nào?

- Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bình Thuận trong việc kết nối, giao thương với vùng kinh tế trọng điểm phía nam - khu vực phát triển năng động nhất cả nước, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bình Thuận với TP.HCM chỉ còn khoảng 2 giờ. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội này và đã có phương án đón đầu, tận dụng cơ hội ngay từ khi cao tốc mới được khởi công. Để phát huy hiệu quả, tỉnh tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối với 3 trục quan trọng: Cao tốc, quốc lộ, đường ven biển; trong đó, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối cao tốc với đường ven biển ĐT.719, đường ĐT.711 nối cao tốc với đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, ĐT.719B - Hòn Lan - Tân Hải nối TP Phan Thiết với thị xã La Gi, đường Tân Minh - Sơn Mỹ nối quốc lộ 55 với quốc lộ 1A và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết...

Tỉnh đã thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp có khả năng tiếp cận với đường cao tốc như: Khu công nghiệp Tuy Phong, Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân); đồng thời, phát triển thêm một số cụm công nghiệp ở khu vực phía nam tỉnh để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thúc đẩy các dự án du lịch, khu đô thị mới gắn với thế mạnh du lịch biển. Chúng tôi đã mời một số nhà đầu tư lớn, có tên tuổi, có thương hiệu, uy tín, kinh nghiệm vào cùng nghiên cứu tiềm năng, triển vọng và góp ý trong quy trình xây dựng quy hoạch tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế một cách hiệu quả nhất.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đồ họa: Tiến Hoàng.

Bình Thuận đang trở thành vùng đất hấp hẫn đầu tư, nên tỉnh sẽ tính toán thu hút nhà đầu tư lớn, có năng lực, có uy tín trong các lĩnh vực… làm đầu tàu dẫn dắt, tạo động lực kéo theo các nhà đầu tư khác cùng tham gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiên quyết thu hồi dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc không có năng lực triển khai theo đúng quy định để kêu gọi nhà đầu tư khác thực sự có năng lực, có tâm huyết với tỉnh, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Mở rộng TP Phan Thiết

- Việc mở rộng quy hoạch thành phố Phan Thiết, mở ra cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra các thách thức, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Tỉnh làm thế nào để người dân thực sự được hưởng lợi từ việc mở rộng quy hoạch?

- TP Phan Thiết là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đô thị du lịch biển của tỉnh Bình Thuận. Song, trong quá trình phát triển, vì nhiều nguyên nhân nên đến nay, quy mô, diện tích quy hoạch thành phố Phan Thiết, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố chưa thực sự xứng tầm với vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu, cũng như chưa tạo ra đột phá để thành phố phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Với mục tiêu phát triển bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương mở rộng thành phố Phan Thiết và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của thành phố; trong đó có một số nội dung mang tính đột phá với tầm nhìn dài hạn như: Quy hoạch tuyến đường ven biển thông suốt từ phía bắc đến phía nam thành phố, trong đó có việc xây dựng các cầu qua cửa sông Cái (phường Thanh Hải - Phú Hài), sông Cà Ty, tăng cường khả năng tiếp cận biển cho người dân và du khách; xây dựng một số khu vực trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế ban đêm; đảm bảo hạ tầng công ích đáp ứng phục vụ nhân dân như công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, chỉnh trang lòng sông và hai bên bờ sông Cà Ty...

Quá trình này, tất yếu phải thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất quan điểm việc mở rộng thành phố Phan Thiết phải đặt mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, vì lợi ích của người dân và cộng đồng; riêng về việc tái định cư phải lựa chọn vị trí thuận lợi, phù hợp cho nhân dân, gần khu vực nhân dân đã sinh sống từ trước đến nay, bảo đảm phương châm “sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Những chủ trương trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo cụ thể trong quá trình thực hiện. Ví dụ, khi thực hiện quy hoạch, một số khu vực quỹ đất đẹp, có thể đấu giá, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, nhưng sẽ không dùng để kêu gọi đầu tư dự án mà được dùng để bố trí tái định cư, giúp người dân có điều kiện sống tốt hơn.

Đối với dân cư ở khu vực ven biển, xoay lưng ra biển, khi thực hiện di dời, tái định cư sẽ bố trí ở phía đối diện, nhìn ra biển; khi ấy, các bãi biển được giải phóng, tạo không gian chung, bố trí bãi tắm công cộng, người dân có thể kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, homestay phục vụ du khách. Như thế, người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, tỉnh sẽ có nhiều chính sách khác đảm bảo người dân thực sự được hưởng lợi từ việc mở rộng quy hoạch TP Phan Thiết.

- Xin cảm ơn ông.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/bi-thu-binh-thuan-se-mo-them-duong-ket-noi-cao-toc-phan-thiet-post1426872.html