Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km được thông xe sáng 29/4. Tuyến cao tốc nằm trong dự án đầu tư 11 tuyến cao tốc Bắc - Nam, kết nối Bình Thuận với TP.HCM và Đồng Nai.
Tương lai, trục đường huyết mạch này sẽ nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo ra dải liền mạch TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.
Kịp thời
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công hồi tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình được dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, nhưng sau đó gia hạn đến 30/4 năm nay.
Khi đưa vào khai thác, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt về hạ tầng cho tỉnh Bình Thuận, đồng thời rút ngắn một nửa thời gian di chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM đến Phan Thiết, Mũi Né, còn 2-2,5 giờ thay vì 5-6 giờ như qua quốc lộ 1A trước đây.
Thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện thời điểm này sẽ kéo nền kinh tế đi lên, thoát khỏi tình trạng trì trệ.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Vùng và Đô thị Irus, nhìn nhận việc hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nói riêng và 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (nối Thanh Hóa - Nghệ An), Phan Thiết - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) thời điểm này là rất kịp thời.
Ông Trình cho rằng bất kỳ công trình hạ tầng giao thông nào hoàn thiện cũng sẽ đem lại tác động tích cực cho sự phát triển của vùng và khu vực xung quanh.
Việc có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đi qua Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM, sẽ là vùng nối xương sống các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đến vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là điểm kết nối vùng Tây Nguyên.
"Nếu làm được tuyến cao tốc Dầu Giây, lên Đắk Nông, Lâm Đồng,… sẽ tạo được sự liền mạch trong kết nối liên vùng. Động lực này sẽ kéo theo sự phát triển của bất động sản xung quanh cũng như các ngành kinh tế xã hội”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình nói.
Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước phục hồi chậm, khó khăn kéo dài do ảnh hưởng của lần dịch thứ 4 cũng như biến động chính trị trên thế giới, vị chuyên gia đánh giá việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, điển hình như đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sẽ khiến giao thương giữa các vùng, miền trong khu vực thêm sức bật tăng trưởng.
“Bên cạnh đó, những tác động, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện thời điểm này sẽ kéo nền kinh tế đi lên, thoát dần khỏi tình trạng trì trệ”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình đánh giá.
Phân tích thêm, chuyên gia nhận định nguyên nhân lớn nhất khiến những địa phương đóng góp GDP lớn cho cả nước như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trong quý I vừa qua đều tăng trưởng thấp là do kết cấu hạ tầng không đồng bộ.
“Hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các tỉnh thành miền Nam nói chung còn yếu kém, thậm chí thấp, yếu và thiếu hơn so với khu vực đồng bằng Bắc Bộ, lẫn Bắc Trung Bộ. Bắc Giang, Bắc Ninh là một ví dụ, họ làm rất tốt hạ tầng giao thông”, chuyên gia nói và cho rằng việc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nói riêng và 300 km cao tốc Bắc - Nam nói chung được đưa vào khai thác là “rất kịp thời”.
Bên cạnh đó, PGS Trình cho rằng cần thúc đẩy thêm các tuyến giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kể cả tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cho hoàn thiện. “Hiện nay, có những đoạn công trình chỉ cần nối nhịp là có thể hợp long, nhưng từ 2019 đến nay vẫn chưa làm xong”, chuyên gia nói thêm.
Cơ hội phát triển từ tuyến cao tốc
Khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác, Bình Thuận kỳ vọng có thêm động lực tiệm cận mục tiêu thu hút khoảng 6,7 triệu lượt khách trong năm nay. Đồng thời tạo đà thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cho phát triển du lịch nói riêng và cho các ngành kinh tế khác của tỉnh nói chung.
Bên cạnh đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sân bay Phan Thiết cũng đang được xây dựng, cùng với đó sân bay Long Thành dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025… là những lực đẩy quan trọng giúp Bình Thuận thu hút thêm dòng khách.
Cao tốc Bắc - Nam kết nối từ TP.HCM đến Bình Thuận tạo ra cơ hội để tỉnh tiếp cận thị trường rộng lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An
Giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa thông suốt sẽ làm chi phí, giá thành giảm, sản phẩm từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ sẽ nhanh nhạy hơn. PGS.TS Nguyễn Văn Trình gọi đây là "số nhân của số nhân" nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư Nhà nước lẫn tư nhân tăng trưởng đi lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cũng khẳng định địa phương rất mong chờ hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động. Hai dự án này khi đi vào vận hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Trong thời gian qua, ông Dũng cho biết tỉnh đã đôn đốc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp quyền khai thác các mỏ khoáng sản phục vụ dự án cao tốc. Liên quan đến công tác giải phóng mặt và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến dự án, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện.
Với vị trí cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đi qua cửa ngõ hơn 20 triệu dân như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,... Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nhìn nhận việc có tuyến cao tốc Bắc - Nam xuyên qua sẽ tạo nên thị trường rất năng động.
"Cao tốc Bắc - Nam kết nối từ TP.HCM đến Bình Thuận sẽ tạo ra cơ hội để tỉnh tiếp cận thị trường rộng lớn, cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư quan tâm tới Bình Thuận, phát triển lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch, đô thị nhà ở. Nắm bắt thời cơ này, Bình Thuận đã nhìn thấy và chuẩn bị từ trước", Bí thư Dương Văn An cho biết.
Địa phương cũng xác định nhiều phương án, giải pháp đón đầu khi cao tốc được đưa vào sử dụng. Từ đó, tỉnh đã xây dựng quy hoạch, phát triển khu công nghiệp, có những chiến lược thu hút du lịch. "Đó không phải sự tình cờ mà năm 2023 được Bình Thuận chọn đăng cai sự kiện du lịch quốc gia", ông An nói thêm.