Theo dữ liệu của CoinMarketCap, trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin đã rơi một mạch từ hơn 23.400 USD/đồng xuống 22.380 USD/đồng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2.
So với 24 giờ trước đó, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm giá 4,36%.
Thị trường tiền mã hóa cũng chìm trong sắc đỏ. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - giảm 4,42% sau một ngày xuống 1.568 USD/đồng.
Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất, Dogecoin chứng kiến mức giảm ngày mạnh nhất với 5,92%. 40 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Bất ngờ giảm mạnh
"Giá Bitcoin lao dốc vì Phố Wall né tránh các tài sản rủi ro khi lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng vọt", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính có trụ sở ở Mỹ - nhận định với Zing.
Lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng cao đã thúc đẩy đồng bạc xanh. USD Index tăng vọt từ 104,15 điểm lên 104,75 điểm. USD mạnh lên đè nặng lên những tài sản rủi ro như tiền mã hóa.
Nhưng theo ông Moya, giá Bitcoin đã sát mức đáy. Do đó, đà giảm sẽ không kéo dài. "Giá chỉ có thể giảm tiếp nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục nóng lên", vị chuyên gia cảnh báo.
Giá chỉ có thể giảm tiếp nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục nóng lên
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Giá Bitcoin sẽ tiếp tục dao động quanh vùng 21.500-25.000 USD/đồng, trừ khi một sự kiện lớn xảy ra trong ngành công nghiệp tiền mã hóa", ông Moya dự báo.
Tiền mã hóa đã lao dốc sau nhiều tuần gần như miễn nhiễm với tâm lý bi quan trên các thị trường nói chung. Bitcoin bước vào năm 2023 với mức giá 19.000 USD/đồng, và đã tăng 17% kể từ đó tới nay.
Đà tăng của Bitcoin đi ngược với các tài sản rủi ro khác như chứng khoán và hàng hóa. Nói với Zing, ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - cho rằng: "Bitcoin như đang tồn tại trong một thế giới riêng của chúng".
"Như thường lệ, giá Bitcoin có thể tăng vọt bất kể các nền tảng cơ bản và tâm lý chung của nhà đầu tư trên những thị trường khác như thế nào", ông Erlam nhận định.
Nhưng việc thiếu đi yếu tố hỗ trợ cơ bản khiến đà tăng của Bitcoin thiếu bền vững, và dễ dàng lao dốc mạnh nếu áp lực bán tháo tăng lên.
Rủi ro vĩ mô
Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tăng lãi suất mạnh tay hơn dự báo. Thống đốc Fed Christopher Waller mới đây cho biết loạt "dữ liệu nóng" về lạm phát có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái.
Ông Waller cho biết các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy một thị trường lao động "mạnh mẽ quá mức", nhu cầu tiêu dùng vẫn cao cao và áp lực lạm phát còn dai dẳng. Tất cả đặt ra câu hỏi về những gì mà Fed đã đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát.
"Cuộc chiến để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% của chúng ta có lẽ sẽ tốn nhiều thời gian hơn những dự đoán được đưa ra cách đây 1-2 tháng", ông Waller thừa nhận.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, cơ quan hoạch định chính sách của Fed nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao là một trong những lý do chính khiến giá Bitcoin giảm mạnh trong năm 2022. So với mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi cuối năm ngoái, giá của mỗi đồng Bitcoin đã giảm 67%.