Giá Bitcoin đã tăng phi mã trong tuần trước. Giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vọt lên mức cao nhất kể từ giữa năm ngoái.
Bước sang tuần này, theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin xuyên thủng ngưỡng 25.000 USD/đồng rồi điều chỉnh giảm nhẹ về 24.840 USD/đồng. Giới quan sát dự báo giá sẽ còn tăng cao hơn nữa bất chấp việc áp lực về lãi suất vẫn đang đè nặng lên thị trường chứng khoán và các hàng hóa như vàng và dầu.
"Tiền mã hóa dường như đang tồn tại trong một thế giới riêng của chúng", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - nhận định với Zing. "Đồng tiền này đang một lần nữa hướng tới mức cao nhất 8 tháng được thiết lập vào tuần trước", vị chuyên gia nhận định.
"Đây là bước ngoặt rất quan trọng với Bitcoin. Bởi nếu có thể xuyên thủng ngưỡng giá này một lần nữa, dòng tiền sẽ đổ xô vào loại tài sản này", ông Erlam nhận định.
"Tất cả chúng ta đều biết những gì sẽ xảy ra nếu sự hưng phấn bao trùm thị trường tiền mã hóa", vị chuyên gia nói thêm.
Giá Bitcoin đã lao dốc mạnh trong vòng một năm qua. Tháng 10 năm ngoái, giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 16.000 USD/đồng.
Dù đã phục hồi phần nào, giá Bitcoin vẫn thấp hơn gần 64% so với kỷ lục 68.789 USD/đồng được thiết lập hồi cuối năm 2021.
Các đồng tiền mã hóa khác cũng đang phục hồi. So với 7 ngày trước đó, giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - đã tăng 15%, tương đương mức tăng của Bitcoin.
Riêng Polygon - đồng tiền mã hóa lớn thứ 9 - ghi nhận mức tăng hơn 27% và là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong top 10.
Thị trường tiền mã hóa tăng trưởng mạnh mẽ dù thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa trong những ngày giao dịch vừa qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, tức sau khi Mỹ công bố báo cáo PPI (chỉ số giá sản xuất), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 432,2 điểm (-1,26%). Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm lần lượt 57,19 điểm (-1,38%) và 214,16 điểm (-1,78%).
Tiền mã hóa dường như đang tồn tại trong một thế giới riêng của chúng
Ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London
Trong khi đó, giá vàng đang ở quanh ngưỡng 1.850 USD/ounce, sát mức thấp nhất 7 tuần. Sau các dữ liệu mới nhất về kinh tế và lạm phát tại Mỹ, kim loại quý đã trượt giá mạnh từ mức cao nhất trong vòng 9 tháng 1.957 USD/ounce.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 16/2, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 0,7% so với tháng 12/2022 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán trước đó của giới quan sát.
Cùng với các báo cáo trước đó về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thị trường việc làm và niềm tin của người tiêu dùng, báo cáo PPI cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm thông qua việc nâng lãi suất. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 8 lần kể từ tháng 3/2022.
Năm ngoái, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12, trước khi giảm tốc độ nâng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm nay.
Lãi suất điều hành của Mỹ hiện ở mức 4,5-4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007. Lãi suất tăng cao sẽ đè nặng lên thị trường chứng khoán Mỹ và các tài sản rủi ro khác, trong đó có Bitcoin. Nhưng đà phục hồi của Bitcoin đang cho thấy điều ngược lại.
"Như thường lệ, giá Bitcoin có thể tăng vọt bất kể các nền tảng cơ bản và tâm lý chung của nhà đầu tư trên những thị trường khác như thế nào", ông Erlam nhận định với Zing.
"Mức tăng 50% kể từ đầu năm đến nay cho thấy kịch bản này hoàn toàn có thể lặp lại", vị chuyên gia dự báo.