Công nghệ

Các tạp chí khoa học viễn tưởng chật vật loại bài viết của AI

ChatGPT: Bản thân việc đang xảy ra cũng giống một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Các cỗ máy với trí thông minh nhân tạo muốn giành lấy công việc của con người.

ChatGPT đã kích hoạt làn sóng viết truyện khoa học viễn tưởng bằng AI. Ảnh: Reuters.

Trong tuần này, biên tập viên của 3 tạp chí khoa học viễn tưởng Clarkesworld, The Magazine of Fantasy & Science FictionAsimov's Science Fiction bị ngập trong các tác phẩm hư cấu được tạo ra bởi chatbot AI.

Làn sóng "câu chuyện của AI"

Làn sóng câu chuyện viễn tưởng do AI tạo ra khó kiểm soát đến mức Neil Clarke, biên tập viên của Clarkesworld, thông báo ngừng nhận bản thảo cho đến khi có cách giải quyết vấn đề tốt hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/2, Clarke nói rằng Clarkesworld, tạp chí xuất bản số đầu tiên vào năm 2006 và trả 0,12 USD một từ, thường nhận được khoảng 1.100 bài mỗi tháng.

Nhưng chỉ vài tuần trong tháng này, họ nhận được 700 bài hợp lệ và 500 bài do máy viết. Neil Clarke có thể phát hiện những câu chuyện do chatbot tạo ra bằng cách kiểm tra một số "đặc điểm" trong tài liệu, cách viết và quy trình gửi.

Ông từ chối tiết lộ cụ thể hơn nhằm tránh việc các tác giả dùng AI để viết bài tìm cách lách được sự kiểm soát. "Bài viết cũng 'tệ một cách ngoạn mục'. Họ chỉ đặt ra yêu cầu, góp nhặt lại, dán và gửi cho tạp chí", Clarke nhận xét.

Phần lớn các bài viết này do những người muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng nhờ ChatGPT.

Một số nhà văn lo lắng ngày nào đó công nghệ này có thể đảo lộn thế giới văn học, truất ngôi tác giả với tư cách là nguồn sáng tạo nền tảng.

Một hình thức mới của thư rác

Nhưng những câu chuyện được gửi dồn dập đến các tạp chí trong vài tuần qua có vẻ giống thư rác hơn, ít nhất là dễ dàng phân biệt với khoa học viễn tưởng do con người viết ra.

Sheila Williams, biên tập viên Asimov's Science Fiction, nói rằng nhiều câu chuyện do chatbot có chung tiêu đề "Hy vọng cuối cùng".

Trong vài tuần, có 500 bài do AI viết được gửi đến tạp chí Clarkesworld. Ảnh: Clarkesworld.

"Những người làm việc này nói chung không có bất kỳ khái niệm thực sự nào về cách kể một câu chuyện. Bạn không cần phải đọc hết câu đầu tiên cũng biết đó là một câu chuyện không đáng đọc", Williams cho biết.

Thomas cho rằng nhiều người sử dụng bài viết cho AI tạo ra như một hình thức spam thư rác để kiếm tiền. Tạp chí The Magazine of Fantasy & Science Fiction nơi bà làm việc trả 0,12 USD mỗi từ, tối đa 25.000 từ cho một câu chuyện.

"Thật đáng buồn khi chúng ta phải lãng phí thời gian cho nó. Nghe không giống như cách kể chuyện tự nhiên. Có vấn đề rất kỳ lạ và những thứ cho thấy rõ ràng đó là robot", Thomas cho biết.

Biên tập viên này tuyên bố sẽ cấm vĩnh viễn bất kỳ ai gửi bài viết do AI tạo ra đến tạp chí.

"Tôi không muốn đọc câu chuyện về bot. Tôi muốn đọc những câu chuyện xuất phát từ trí tưởng tượng và trải nghiệm thực tế, cũng như sự thôi thúc của chính tác giả", bà chia sẻ thêm.

Williams cho biết bài gửi đến Asimov tăng từ mức trung bình khoảng 750 bài mỗi tháng lên hơn 1.000 trong tháng này, gần như hoàn toàn là câu chuyện do chatbot tạo ra. Riêng việc mở, đọc và xóa cũng rất tốn thời gian.

Theo Williams, các tác giả có thể dùng chatbot như một phần "vui vẻ" trong tiểu thuyết của họ, nhưng "hiện tại, nó không được sử dụng theo kiểu này".

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/cac-tap-chi-khoa-hoc-vien-tuong-chat-vat-loai-bai-viet-cua-ai-post1406365.html