Khi Thung lũng Silicon tiếp tục cắt giảm khoảng 100.000 việc làm trong 6 tuần kể từ đầu năm, sau giai đoạn tuyển dụng tràn lan trong đại dịch, đông đảo nhân viên ngành công nghệ rơi vào tình trạng mất việc giữa chừng trong sự nghiệp.
Theo Insider, một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người chưa bước vào ngành: sinh viên đại học và cao học, những người mơ ước có được một việc làm đáng mơ ước sau khi cầm chiếc bằng trên tay.
Trên Handshake, website chuyên giới thiệu việc làm cho sinh viên ở Mỹ, các công việc liên quan đến phần mềm đã giảm 14% so với năm ngoái. Một số vị trí được tuyển dụng nhiều hơn chủ yếu liên quan đến kỹ thuật chuyên môn cao.
"Vì thắt chặt ngân sách, các công ty tập trung vào việc tìm kiếm nhân tài phù hợp cho các vị trí cụ thể và thường thì đó không phải là các vị trí dành cho sinh viên mới ra trường", Zuhayeer Musa, đồng sáng lập của trang web về công nghệ Levels.fyi, cho biết.
Thay đổi kỳ vọng
Triển vọng việc làm trong Big Tech ở Mỹ đang ảm đạm đến mức các cố vấn nghề nghiệp ở cả những trường đại học ưu tú nhất cũng khuyến khích sinh viên xem xét tìm việc tại các công ty nhỏ và trong các lĩnh vực ít được săn đón hơn, chẳng hạn như sản xuất hoặc chính phủ.
“Vẫn còn rất nhiều cơ hội và chúng tôi cố gắng giúp sinh viên tập trung vào cách các kỹ năng của họ có thể được sử dụng trong môi trường khác.
Thông thường, sinh viên ở một trường top đầu, đặc biệt là trường kỹ thuật, luôn muốn vào làm ở công ty có danh tiếng khi ra trường. Đó là phần chúng tôi phải làm việc với sinh viên - không hạ thấp kỳ vọng, mà điều chỉnh kỳ vọng của họ", Sue Harbor, giám đốc điều hành của trung tâm nghề nghiệp tại Đại học California ở Berkeley, cho biết.
Từ tháng 9 năm ngoái, nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn đã vắng mặt tại các hội chợ nghề nghiệp ở các trường đại học top đầu. Điều này được hiểu rằng mức độ cạnh tranh cho những vị trí còn tuyển đang gay gắt hơn bao giờ hết.
Jenny Koo, người đã mất lời mời làm việc tại một công ty công nghệ sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ về Kỹ thuật Máy tính vào tháng 12 năm ngoái, kể lại: “Có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp khác vẫn đang tìm việc, trong khi số lượng vị trí phù hợp có hạn. Làm nổi bật bản thân lúc này thật sự quan trọng".
Tin tốt cho những sinh viên kỹ thuật nhiều tham vọng như Koo là bên ngoài Thung lũng Silicon, nhiều ngành, nghề không bị ảnh hưởng vẫn cần các lập trình viên.
Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng ngoài ngành công nghệ đang nắm bắt cơ hội tuyển dụng các ứng viên tài năng vốn thường được các Big Tech săn đón, "chộp lấy".
Trên Handshake, tỷ lệ các công việc liên quan đến phần mềm tại các cơ quan chính phủ đang tìm kiếm đã tăng 36% so với một năm trước đó, còn tỷ lệ ở lĩnh vực xây dựng là 28%.
Trong một cuộc khảo sát do Handshake thực hiện vào mùa hè năm ngoái, chỉ hơn 1/3 sinh viên khóa 2023 cho biết, với triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế, họ sẵn sàng làm việc trong những ngành mà trước đây chưa từng cân nhắc.
Laura Garcia, phụ trách giáo dục nghề nghiệp tại Học viện Công nghệ Georgia, đánh giá: "Sinh viên đang có xu hướng chuyển sang các tổ chức cần công nghệ thông tin nhưng không hoạt động trong ngành công nghệ. Và điều đó không có nghĩa là bạn không thể làm việc cho Amazon vào một ngày nào đó".
Thung lũng Silicon chịu tiếng xấu
Dù sự thay đổi là cần thiết cho lớp sinh viên mới ra trường, đây có thể là tin xấu cho Thung lũng Silicon về lâu dài.
Trước sự xuống dốc của ngành công nghệ, đông sinh viên đang suy nghĩ lại về ước mơ làm việc cho Amazon, Google và Meta.
Trước đây, những gã khổng lồ công nghệ được coi là môi trường làm việc an toàn bởi hiếm khi sa thải nhân viên. Suy nghĩ phổ biến của số đông là: một khi bạn đã được nhận, bạn là một phần trong đó. Chắc chắn, bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ, nhưng đổi lại, công ty quan tâm và đưa lại nhiều đãi ngộ.
Đó là lý do giải thích tại sao, sau cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 2010, Thung lũng Silicon đã vượt qua phố Wall để trở thành điểm đến mà những sinh viên có kết quả học tập cao nhất tại các trường giỏi nhất mong muốn đến làm việc, sau khi tốt nghiệp.
Nhưng với làn sóng sa thải liên tiếp từ năm ngoái, các sinh viên đã chứng kiến cảnh những Big Tech cho thôi việc hàng nghìn nhân viên một cách thẳng tay, theo những cách khiến người lao động sốc và tổn thương, ví dụ như gửi e-mail lúc nửa đêm, khiến nhiều người còn không có cơ hội nói lời tạm biệt với cấp trên hay đồng nghiệp.
Chắc chắn, cái nhìn về các Big Tech của sinh viên không thể màu hồng như xưa. Trong mắt của lớp sinh viên Gen Z, các tập đoàn công nghệ dường như hiện lên với hình ảnh những ông chủ tàn nhẫn, không đáng tin cậy, giống với cách các ngân hàng đã làm với thế hệ Millennial trong giai đoạn đại suy thoái toàn cầu.
Christine Cruzvergara, giám đốc chiến lược giáo dục của Handshake, đánh giá rằng trong thời kỳ hỗn loạn, những người trẻ tuổi dám nghĩ dám làm cũng quan tâm đến điều quan trọng với các thế hệ lớn tuổi hơn: thu nhập ổn định.
Trong cuộc khảo sát của Handshake vào mùa hè năm ngoái, 74% sinh viên khóa 2023 cho biết một công việc ổn định sẽ khiến thu hút họ hơn, gần gấp đôi tỷ lệ sinh viên nói rằng họ muốn làm việc cho một công ty nổi tiếng (41%) hoặc một doanh nghiệp trong lĩnh vực đang phát triển nhanh (39%).
Thư Đặng, một sinh viên đến từ Việt Nam, nằm trong số những người bị lung lay bởi sự bấp bênh đột ngột của ngành công nghệ. Một năm trước, nếu phải lựa chọn giữa công việc trong hay ngoài ngành, chắc chắn Thư sẽ chọn làm đúng ngành.
Hiện giờ, nữ sinh viên nói ngành công nghệ dường như không còn hấp dẫn với cô ấy như trước.
"Mọi thứ rất tuyệt trong lúc các công ty vận hành tốt. Bạn có nhiều đãi ngộ, thức ăn miễn phí cùng một mức lương cao. Nhưng với việc sa thải, giờ đây tôi biết rằng dù mình có làm việc chăm chỉ đến đâu, họ vẫn có thể cắt giảm chỉ sau một đêm. Đó là điều tôi lo lắng nhất", cô nói.