Công nghệ

Cấm vận không hiệu quả, Mỹ muốn chặn Trung Quốc dùng công nghệ này

RISC-V, công nghệ quan trọng trong thiết kế chip do đại học của Mỹ phát minh, đang là giải pháp được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đang sử dụng RISC-V để phát triển chip bán dẫn. Ảnh: VisionFive.

RISC-V vốn là công nghệ được tạo ra từ một phòng thí nghiệm máy tính ở trường đại học California. Nó dần được phát triển để trở thành nền tảng trong thiết kế vi xử lý, được áp dụng rộng rãi trên thiết bị điện tử.

Công nghệ này vốn là một dạng mã nguồn mở, ai cũng có thể tiếp cận và đóng góp vào dự án. Tuy nhiên, giới chính khách và chuyên gia công nghệ Mỹ đang xem RISC-V như một mối nguy an ninh, bởi nó được các công ty Trung Quốc sử dụng để phát triển vi xử lý.

RISC-V là gì?

Theo New York Times, cuộc tranh luận về RISC-V trở nên phức tạp vì đây là một dự án mã nguồn mở. Nó hoạt động giống như hệ điều hành Linux, nơi bất cứ nhà phát triển nào cũng có thể xem và sửa đổi mã nguồn. Giải pháp này giúp thúc đẩy cạnh tranh và giảm hiện tượng độc quyền.

Một bộ máy tính chạy Linux, dùng chip phát triển từ kiến trúc RISC-V. Ảnh: OMG Linux.

Ra đời vào 2010, mục tiêu của những người phát triển dự án là để tiết kiệm chi phí. Cụ thể, các nhà khoa học muốn tìm hiểu sự vận hành bên trong máy tính mà không phải trả tiền cho Arm. Công ty Anh tính phí bản quyền cho mọi con chip dùng kiến trúc họ thiết kế.

Thực tế, RISC-V không hẳn là công nghệ trực tiếp tạo ra con chip. Nó là tập hợp các hướng dẫn cơ bản, nhằm xác định các phép tính mà vi xử lý thực hiện. Kỹ sư có thể tải RISC-V và kết hợp với những tác vụ phức tạp hơn để tạo ra thiết kế bán dẫn. Có nhiều công ty bán các thiết kế trên nền RISC-V, trong khi một số trường đại học phân phối nó miễn phí.

Nhà phát triển trên khắp thế giới đóng góp vào RISC-V để nâng cấp giải pháp. Quá trình được giám sát bởi RISC-V International. Tổ chức này gồm hơn 4.000 thành viên, gồm cả các đại gia công nghệ như Google, Qualcomm hay những ông lớn từ Trung Quốc, gồm Alibaba, Huawei.

Lý do Mỹ muốn ngăn Trung Quốc có RISC-V

Gần đây, giới chính khách Mỹ quan tâm đến RISC-V bởi nó bị nghi ngờ là công cụ trung tâm, được phía Trung Quốc sử dụng để phát triển chip, bất chấp nhiều lệnh cấm. Theo nguồn tin từ thành viên quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp đang nghiên cứu cách hạn chế, ngăn chặn công dân nước này hỗ trợ Trung Quốc trong công nghệ RISC-V.

Một nguyên mẫu chip RISC-V được phát triển từ 2013. Ảnh: Derek Coetzee.

“Phía Trung Quốc đang cố dùng thiết kế từ RISC-V để vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu”, ông Raja Krishnamoorthi, thành viên Hạ viện Mỹ nói. Một số chính trị gia lo ngại Huawei có thể chèn mã độc vào các con chip sản xuất từ kiến trúc RISC-V, phá hoại hạ tầng mạng nước này. Theo nguồn tin từ New York Times, chính Arm đã vận động quan chức xem xét áp dụng hạn chế với RISC-V.

Theo ông Hanel Jones, nhà phân tích tại International Business Strategies, hiện có hơn 100 công ty “trọng điểm” của Trung Quốc đang thiết kế chip với RISC-V. Ngoài ra, hàng trăm start-up khác ở quốc gia tỷ dân cũng sử dụng giải pháp này để phát triển công nghệ mới. Hiện RISC-V mới được dùng trong các sản phẩm cơ bản. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nó sẽ làm được nhiều tác vụ phức tạp hơn trong tương lai.

Các nhà khoa học hàng không Trung Quốc đã đề xuất dùng công cụ này để phát triển máy tính hoạt động ngoài vũ trụ. Nó cũng được xây dựng để dùng ở những trung tâm dữ liệu lớn và ứng dụng vào AI.

Không dễ để cấm

Thực tế, việc áp dụng hạn chế với RISC-V vẫn gây tranh cãi vì đây vốn là dự án mã nguồn mở. Công nghệ này không thuộc về Mỹ, bởi có hơn 70 quốc gia đóng góp. Nhìn chung, nước này cũng loại trừ các công cụ như trên khỏi kiểm soát xuất khẩu.

Giáo sư David Patterson, người khởi xướng nên dự án RISC-V. Ảnh: EurekAlert.

Theo ông Daniel Pickard, luật sư mảng thương mại và an ninh quốc gia, bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ đặt ra những vấn đề pháp lý khó khăn và lo ngại sâu sắc về chính sách công.

Trong khi đó, một giám đốc giấu tên nói với New York Times rằng việc cấm RISC-V giống như cố kiểm soát ngôn ngữ hoặc chữ viết trong ngành bán dẫn.

“Thật là ngớ ngẩn. Như vậy chả khác gì việc phát hiện ra một người Trung Quốc có thể đọc cuốn sách về vũ khí hạt nhân được viết bằng tiếng Anh. Vì vậy hãy cấm bảng chữ cái tiếng Anh”, Dave Ditzel, Giám đốc Công nghệ của Esperanto Technologies, một công ty khởi nghiệp về chip sử dụng RISC-V, cho biết.

Những người ủng hộ cho rằng việc cấm RISC-V sẽ chỉ làm yếu đi sự ảnh hưởng của Mỹ trong việc phát triển công nghệ mới. Trong khi đó, nó sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến Trung Quốc bởi bộ hướng dẫn được phân phối rộng rãi.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/cam-van-khong-hieu-qua-my-muon-chan-trung-quoc-dung-cong-nghe-nay-post1454137.html