Đầu tháng 12/2023, Huawei giới thiệu chiếc máy tính xách tay Qingyun L540, sử dụng chip tự sản xuất có tên Kirin 9006C, trên tiến trình 5 nm. Đây là bước tiến khiến giới công nghệ quốc tế bất ngờ bởi công ty Trung Quốc chịu sự cấm vận của Mỹ, không thể tiếp cận với các kiến trúc xử lý mới và thiết bị quang khắc tinh vi. Trước đó, phiên bản chip hiện đại nhất của Huawei là model Kirin 9000S, do SMIC sản xuất, trên tiến trình 7 nm.
Tuy nhiên, báo cáo của Bloomberg thực hiện cùng TechInsights kết luận Kirin 9006C vốn có nguồn gốc từ TSMC, công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, có trụ sở đặt tại đảo Đài Loan. Do vậy, công nghệ chip của các công ty đặt tại Trung Quốc vẫn chưa thể có bước đột phá như những đồn đoán trước đó.
Cụ thể, sau khi tháo mở chiếc laptop Quingyun L540, TechInsight tìm thấy con chip Kirin 9006C 5 nm, được sản xuất bởi TSMC từ năm 2020. Đây là giai đoạn các lệnh trừng phạt của Mỹ đã được áp dụng, cắt đứt khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng vi xử lý của Huawei.
Không rõ bằng cách nào công ty Trung Quốc có thể mua được phần SoC 3 năm tuổi. Biên tập viên của Bloomberg cho rằng đây có thể là một phần của lô hàng tồn kho mà TSMC cung ứng cho đối tác trước thời điểm cấm vận. Thực tế, dù nằm trong “danh sách đen” của Washington từ 2019, đến năm 2020 TSMC mới ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei, để tuân thủ hạn chế thương mại phía Mỹ đặt ra.
TechInsights cho biết Kirin 9006C được chế tạo trên dây chuyền 5 nm của TSMC, đóng gói vào khoảng Quý III/2020.
Bước tiến lớn nhất về mặt bán dẫn Huawei đạt được từ khi bị Mỹ cấm vận là Kirin 9000S, con chip 7 nm bên trong chiếc Mate 60. Tuy nhiên, các thử nghiệm thực tế cho thấy mẫu điện thoại nói trên vẫn chậm hơn vài năm cho với sức mạnh hiệu năng của flagship hiện hành. Công nghệ bán dẫn hiện đã thương mại hóa ở tiến trình 3 nm, với các bộ xử lý trên iPhone, MacBook của Apple.
Theo Bloomberg