Trải nghiệm

Choáng khi làm việc với sếp Gen Z

Gen Z Mỹ đang định hình lại văn hóa công sở khi đứng vào hàng ngũ quản lý. Các sếp trẻ đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tâm thần và nhu cầu giao tiếp của cấp dưới.

Tại August, một công ty khởi nghiệp ở New York (Mỹ), nhân viên được tận hưởng “ngày thứ Sáu chánh niệm”. Đó là một ngày làm việc thoải mái, không cần họp hành.

Công ty này cũng duy trì các buổi "heart checks" (kiểm tra tâm lý) được thực hiện cố định mỗi quý, do quản lý trực tiếp thực hiện, nhằm tìm hiểu xem cấp dưới đang cảm thấy thế nào về công việc, cần hỗ trợ gì thêm hoặc hài lòng về mức lương hay chưa, theo Wall Street Journal.

Phong cách làm việc này được triển khai nhờ những nhà đồng sáng lập thuộc thế hệ Z, gồm Nadya Okamoto (sinh năm 1998) và Nick Jain (sinh năm 2000). Họ tốt nghiệp ĐH Harvard và ĐH Princeton trong thời kỳ đại dịch.

“Chúng tôi luôn cố gắng ngăn chặn sự kiệt sức tại văn phòng. Một trong những điều tôi học được là sống chậm lại", Okamoto nói.

Nadya Okamoto, đồng sáng lập 26 tuổi của công ty khởi nghiệp August ở New York. Ảnh: Jutharat Pinyodoonyachet/Wall Street Journal.

Gen Z (sinh năm 1997-2012) bước chân vào thị trường lao động trong một giai đoạn đầy khó khăn khi thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và tình trạng bất ổn xã hội. Điều này đã khiến họ hình thành quan điểm về cuộc sống và công việc.

Giờ đây, họ có cơ hội định hình nơi làm việc khi bắt đầu bước chân vào hàng ngũ quản lý. Gen Z hiện chỉ chiếm 16,8% tổng lực lượng lao động, nhưng theo dữ liệu do Viện nghiên cứu ADP phân tích, những người trong nhóm tuổi lao động này đang tăng lên nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng đã thăng chức cho nhân sự trẻ lên vị trí quản lý nhanh hơn 1,2 lần vào năm 2023 so với thời điểm năm 2019.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra Gen Z là thế hệ khó làm việc cùng. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels.

Thế hệ khó làm việc cùng

Nghiên cứu cho thấy rằng nhân sự Gen Z có thể gặp khó khăn khi làm việc cùng.

Một cuộc khảo sát với 1.344 nhà quản lý của ResumeBuilder cho thấy 74% tin rằng Gen Z khó làm việc cùng hơn các thế hệ khác, một phần do thiếu kỹ năng cũng như động lực.

Trong một cuộc khảo sát khác của ResumeBuilder, 58% các nhà tuyển dụng đánh giá Gen Z ăn mặc không phù hợp, 57% gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt với thế hệ này và 47% cho biết Gen Z đang yêu cầu mức lương vô lý.

Thế nhưng, "nhược điểm" do những người không cùng thế hệ đánh giá lại được một số nhân sự trẻ xem là dấu hiệu của khả năng quản trị tốt.

Scott De Long (64 tuổi), nhà tư vấn cho các lãnh đạo về cách quản lý các nhóm nhân sự ngày càng trẻ hơn, cho biết không phải thế hệ Z không muốn làm việc.

"Họ chỉ không muốn làm việc với những người luôn xem họ là đứa trẻ. Điều này đã khiến các nhân sự thuộc thế hệ này muốn vượt qua hệ thống cấp bậc, quy định về trang phục và những yêu cầu hà khắc", ông nói.

Nhiều nhân sự sẽ choáng ngợp khi làm việc với các sếp trẻ. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels.

Ăn mặc thoải mái, làm việc tự do

Erin Burk, Phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh tại August, người mô tả mình thuộc cuối thế hệ Millennials, cho biết một số nhân viên công khai xếp cuộc hẹn trị liệu tâm lý vào lịch làm việc chung.

Burk nhận xét điều này xảy ra là do phong cách lãnh đạo của những nhà sáng lập trẻ tuổi. Trước đây, nữ quản lý này từng làm việc ở một môi trường gò bó hơn nhiều.

Cũng không có gì lạ khi nhân viên của August ra vào văn phòng với giày thể thao và quần áo tập thể dục. Đôi khi, họ văng tục một cách thoải mái và công khai.

Khi gia nhập vào công ty này 2 năm trước, Burk còn bị ấn tượng bởi việc nhân sự thoải mái sử dụng biểu tượng cảm xúc trái tim trong group công việc.

Các nhà nghiên cứu cho biết đó là đặc điểm nổi bật của Gen Z, thế hệ thể hiện trí tuệ cảm xúc cao và không sợ phải xem xét nội tâm.

Theo một báo cáo do Deloitte công bố năm 2023, nhân viên Gen Z coi "sự đồng cảm" là đặc điểm quan trọng thứ hai ở một người quản lý. Mặt khác, các sếp của họ xếp "sự đồng cảm" ở vị trí thứ năm, và giá trị hàng đầu họ quan tâm khi làm việc với Gen Z là "sự kiên nhẫn".

Phong cách lãnh đạo của Gen Z là tập trung xây dựng trí tuệ cảm xúc với cấp dưới. Ảnh minh họa: Canva Studio/Pexels.

Xây dựng trí tuệ cảm xúc

Taylor Fulton-Girgis (25 tuổi), quản lý marketing của chuỗi nhà tắm công cộng Othership có trụ sở tại Toronto (Canada), cho biết việc quản lý một nhóm 8 thành viên đã thôi thúc cô tham gia một “khóa tu dưỡng trí tuệ cảm xúc”.

Việc này giúp cô tìm hiểu thêm về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân với tư cách là người quản lý.

Girgis đã học được rằng quản lý các nhân sự khác nhau có nghĩa rằng cô phải hiểu phong cách làm việc và cách giao tiếp riêng của từng người. Nữ quản lý này cần cố gắng đáp ứng nhân viên, thay vì bắt họ tuân theo tiêu chuẩn của riêng cô.

"Bạn phải dành thời gian cho từng người và tìm hiểu những tính cách khác nhau. Ví dụ, một số người có thể thích trao đổi qua Zoom, nhưng cũng có những người thích một buổi gặp gỡ trực tiếp...", cô nói.

Connor Trombley (29 tuổi), Phó chủ tịch của công ty phát triển và đào tạo diễn giả ImpactEleven, cũng suy nghĩ lại về phong cách quản lý của mình khi một số thành viên trong nhóm do anh quản lý không hoàn thành các sản phẩm hậu kỳ đúng thời hạn. Điều này từng khiến anh không hài lòng.

Khi thảo luận với sếp của mình, Trombley nhận ra rằng mâu thuẫn không bắt nguồn từ việc nhân viên thiếu năng lực.

“Tôi nhận ra những kỳ vọng cho bản thân không thể giống với những kỳ vọng mà mình đặt cho nhân viên", anh nói.

Trombley đã thay đổi quy trình làm việc, giúp nhân viên có thêm thời gian hoàn thành dự án. Ngoài ra, để làm hài lòng khách hàng, anh cung cấp một bản dựng thô để họ hình dung trước sản phẩm và thêm thắt ý kiến nếu cần thiết.

Anh cũng học được cách cho nhân sự của mình không gian cần thiết để họ làm việc tốt nhất có thể. Trombley cho biết bằng cách lắng nghe chân thành và hỗ trợ nhân viên của mình, anh đã đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/choang-khi-lam-viec-voi-sep-gen-z-post1464584.html