Trải nghiệm

Gen Z dẫn đầu xu hướng chơi xuyên đêm hoàn toàn mới

Trong nhiều thập kỷ, các kỳ nghỉ chỉ xoay quanh men say và cuộc sống về đêm. Giờ đây, khái niệm “dry tripping” đang định hình và tạo nên sự biến chuyển mang tính thế hệ.

Micah Dusseau đến quán bar với bạn bè ba đêm liên tiếp khi đang trong kỳ nghỉ. “Không bị hangover (nôn nao sau say xỉn), vì vậy chúng tôi có thể ở lại quán bar trễ tới mức nào cũng được”, nam thanh niên 24 tuổi sống ở Columbus (bang Ohio, Mỹ) chia sẻ.

Giống như nhiều du khách Gen Z, Dusseau không uống rượu khi đi du lịch và ngay cả những người bạn uống đồ có cồn cũng đề cao lựa chọn của anh.

“Cuối cùng các bạn của tôi cũng không uống nhiều rượu bia nữa”, Dusseau nói với BBC Travel.

Trong nhiều thập kỷ, kỳ nghỉ của nhiều người chỉ xoay quanh men say và cuộc sống về đêm. Giờ đây, khái niệm “dry tripping” (tạm dịch: du lịch không cồn) đang dần trở nên phổ biến và tạo nên một sự biến chuyển mang tính thế hệ.

Mary Honkus, 26 tuổi, một nhà văn ở New York (Mỹ), nói với BBC Travel: “Tôi không cố gắng thuyết phục những người xung quanh ngừng uống đồ có cồn vì tôi biết điều đó không hợp lý”.

"Và mỗi người đều có mối quan hệ khác nhau với đồ uống có cồn. Nhưng đối với tôi, đó là một lựa chọn hữu ích”, cô nói thêm. “Tôi vẫn có thể tận hưởng niềm vui hết mình ở những nơi tuyệt đẹp mà không cần đồ uống có cồn”.

Rõ ràng thế hệ trẻ ngày nay không còn mê đồ uống có cồn như thế hệ trước. Trên thực tế, hơn một nửa số Gen Z trong độ tuổi uống rượu hợp pháp của Mỹ - khoảng 54% - đã không uống rượu trong 6 tháng qua, theo số liệu mới nhất từ International Wine & Spirit Research (IWSR), trung tâm nghiên cứu thị trường đồ uống (trụ sở tại London, Anh) .

Vì vậy, khi nói đến du lịch, Gen Z và thậm chí cả thế hệ Millennials có thể thấy “dry tripping” là một quyết định tự nhiên và hấp dẫn. Hơn hết, bạn có thể đạt được nhiều lợi ích hơn từ kỳ nghỉ của mình - về mặt thể chất, cảm xúc và tài chính - khi loại bỏ đồ uống có cồn ra khỏi “bức tranh”: Khi tỉnh táo, bạn có thể ngủ ngon hơn, từ đó có thể dậy sớm, dẫn tới sảng khoái hơn và dễ tham gia các hoạt động thể chất hơn, có thời gian ăn ngon hơn và giá cả cũng hợp lý hơn.

“Du lịch không cồn mang lại trải nghiệm không say xỉn”, Elizabeth Gascoigne, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Absence of Proof, một công ty và nhà phân phối cho các sự kiện không cồn, nói với BBC Travel:

“Đi du lịch sẽ có những tác động lên cơ thể, từ việc phải di chuyển khoảng cách xa tới vật vã với jet lag. Và sử dụng đồ uống có cồn chắc chắn gây thêm tổn hại cho cơ thể”, Victoria Watters, đồng sáng lập của Dry Atlas, một công ty truyền thông tập trung vào các lựa chọn thay thế rượu, nói với BBC Travel.

“Nếu loại bỏ cồn khỏi bức tranh, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”.

Hơn nữa, bà giải thích, cùng với những lợi ích về thể chất, việc cắt bỏ đồ uống có cồn còn có những lợi ích về mặt tâm lý. Bà Watters cho hay rượu là chất có thể gây trầm cảm và nếu cắt giảm rượu, mọi người sẽ có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình hơn.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, lượng rượu tiêu thụ càng nhiều và uống càng thường xuyên thì một người càng có nhiều nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm tạm thời.

Các phòng gym của khách sạn đang thu hút những người muốn có cuộc sống lành mạnh - và duy trì thói quen tập thể dục dù không ở nhà. Đi đôi với xu hướng đó, khách du lịch cũng đang coi trọng việc duy trì lối sống không cồn khi trải nghiệm một điểm đến mới, Hilary Sheinbaum, tác giả cuốn sách The Dry Challenge và là người sáng lập GoingDry.co, một công ty tổ chức sự kiện và thực đơn không cồn, nói với BBC Travel.

Bà Watters chỉ ra rằng sự thay đổi này thách thức mối liên kết của chúng ta với cái gọi là "five-o’clock-somewhere" khi nghĩ về các kỳ nghỉ lễ.

“Five-o’clock-somewhere" nghĩa là “ở đâu đó đang là 5h chiều (hay 17h) - thường là giờ tan làm và người nói câu này thường ám chỉ muốn uống rượu.

Bà Watters nói thêm rằng “sự tò mò tỉnh táo" và các lựa chọn thay thế rượu không chỉ là mốt nhất thời. “Xu hướng này xuất hiện và sẽ đi xa".

“Với sự lan tỏa của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người nói tới và đón nhận trào lưu du lịch không cồn”, Honkus (nhà văn ở New York) nói và nhấn mạnh thêm rằng mọi người đang chia sẻ cởi mở và chân thành về hành trình này của mình, trên các nền tảng mạng xã hội.

Nữ nhà văn cho rằng sự thay đổi trong phong cách self-care (chăm sóc bản thân) và sức khỏe tâm thần cũng là một yếu tố góp phần tạo ra sự biến chuyển này.

“Tôi cảm thấy như mọi người đang bắt đầu nhận ra rằng nó có hại nhiều hơn là có lợi”, Honkus nói thêm, trong đó đề cập tới đồ uống có cồn.

Các hãng hàng không đang chuyển mình để bắt kịp xu hướng này và các khách sạn cũng đang điều chỉnh cho phù hợp, cung cấp các lựa chọn bia và mocktail không cồn trong thực đơn. Và khi các doanh nghiệp tập trung vào việc cung cấp các lựa chọn không chứa cồn, việc du lịch không cồn sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn.

Gen Z uống ít rượu hơn các thế hệ trước, vì vậy các khách sạn, quán bar và nhà hàng đang phục vụ theo sở thích và yêu cầu của họ”, cây viết Sheinbaum cho hay.

Delta, JetBlue và Alaska Airlines đều có các dịch vụ không cồn, phục vụ mocktail và bia không cồn cả trên chuyến bay và trong phòng chờ.

Hành khách của Delta có thể gọi các loại mocktail như "Citrus Fizz" hoặc "Pomegranate Lemon Cooler" và Alaska Airlines cung cấp Best Day Brewing, một loại bia thủ công không cồn trên mỗi chuyến bay.

JetBlue cũng phục vụ bia không cồn Athletic Brewing trên tất cả chuyến bay nội địa của hãng.

Bà Watters nhận định du lịch du thuyền cũng bắt kịp xu hướng. Chẳng hạn, Virgin Voyages đã cải tiến thực đơn mocktail, nhằm trở thành "tuyến du thuyền tốt nhất cho những người không uống rượu". Disney Cruise Line cũng đang tập trung vào dòng mocktail, hợp tác với công ty cocktail không cồn Free Spirits.

Hilton cung cấp các loại mocktail có rượu mạnh không cồn Lyre’s và Marriott đã bổ sung các lựa chọn đồ uống không cồn cho các sảnh khách và quán bar của mình.

Cây viết Sheinbaum nhấn mạnh rằng các nhà quản lý đồ uống của khách sạn hiểu rõ sự thay đổi. Ví dụ, Fairmont Kei Lani ở Maui có cocktail không cồn trên cả thực đơn nhà hàng và quầy bar.

Bà Watters cho biết Vương quốc Anh đang dẫn đầu trong xu hướng này. Khi kết hợp việc Gen Z không quan tâm đến rượu với sở thích chi tiền cho trải nghiệm hơn là vật chất của thế hệ này, bạn sẽ nhận ra nền móng vững chắc cho phong cách tiêu dùng dẫn tới lựa chọn du lịch không cồn của họ.

Bà chỉ ra rằng Vương quốc Anh đặc biệt tập trung vào sự thay đổi này, thành lập các công ty du lịch - như We Love Lucid - chuyên phục vụ du lịch không cồn.

Cây viết Sheinbaum tán đồng quan điểm này. Cô nói: “Mỹ chắc chắn đang bắt kịp, nhưng Vương quốc Anh là nơi bắt đầu trào lưu Dry January cũng là nơi xuất hiện nhiều đồ uống không cồn trước tiên”.

Tiến sĩ Subhash C. Pandey, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rượu tại Đại học Illinois ở Chicago, nói với BBC Travel: “Việc loại bỏ rượu khỏi kỳ nghỉ sẽ khiến chuyến đi trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn”.

Ông nói thêm rằng cả nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng đều cho thấy rượu không có bất kỳ tác dụng có lợi nào đối với cơ thể.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/gen-z-dan-dau-xu-huong-choi-xuyen-dem-hoan-toan-moi-post1464122.html