Dịch vụ tài chính

Chưa đến 2% người có nhu cầu vay được vốn nhà ở xã hội

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong 5 năm, TP.HCM chỉ có khoảng 300 người dân được vay vốn nhà ở xã hội trong khi số người có nhu cầu đâu đó khoảng 18.000 người.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 ngày 10/3, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết cho biết trong 5 năm, TP.HCM có 18.000 người cần vay vốn nhà ở xã hội để mua hoặc xây nhà, nhưng chỉ 310 người được vay, đạt khoảng 1,7% tổng số người có nhu cầu.

Vị này nhìn nhận người mua nhà ở xã hội (NOXH) rất khó tiếp cận và hầu như không được hưởng gói chính sách liên quan. Do đó, họ phải vay từ nguồn khác với giá thương mại, lãi vay cao hơn.

Nhiều người có nhu cầu nhưng không vay được vốn nhà ở xã hội

Lý giải nguyên nhân người dân không vay được vốn NOXH, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng hầu hết không đáp ứng đủ các điều kiện được đưa ra.

Cụ thể, người lao động thường không đảm bảo nguồn vốn tự có, khoảng 30% đối với xây hoặc sửa nhà; lao động là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú để vay vốn xây mới, sửa nhà để ở; không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Bên cạnh đó, mức vay để xây mới, sửa nhà ở tối đa là 500 triệu đồng và phải thế chấp quyền sử dụng đất. Trong khi với điều kiện tương tự, vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại được hưởng mức cao hơn, đủ tiền để xây dựng cho nhiều nhu cầu như vừa để ở, vừa cho thuê. Do đó, nhiều người chọn vay vốn từ ngân hàng thương mại.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HCMCPV.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết kể từ năm 2018, TP bắt đầu phân bổ vốn cho vay đối với các đối tượng thuộc chính sách vay thuê, thuê mua, sữa chữa, xây mới nhà để ở với lãi suất khoảng 4,8% thời hạn 25 năm.

Kết quả sau 5 năm, doanh số cho vay đạt khoảng 151 tỷ đồng cho 300 khách hàng, bình quân 500 triệu đồng/khách hàng.

Theo ông Lệnh, chương trình này đã mang lại lợi ích thiết thực, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn ít người tiếp cận được vốn vay vì đối với NOXH, với mức cho vay 70-80% tổng giá trị căn hộ thì sẽ khó khăn cho người có thu nhập thấp, để mua được thì số tiền ban đầu người vay phải có ít nhất 200 triệu đồng là không dễ dàng. Bên cạnh đó, nguồn cung NOXH vẫn còn hạn chế.

Ông Lệnh cho rằng về giải pháp lâu dài, chúng ta nên có chính sách cho thuê NOXH chứ không chỉ là phải mua và sở hữu NOXH.

Về nguồn cung NOXH trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết giai đoạn 2016-2020, TP chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 dự án NOXH với tổng diện tích 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra.

Đối với nguồn vốn đầu tư, có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách với quy mô 366 căn hộ, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 13.870 căn hộ, 1 dự án vừa sử dụng vốn ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 718 căn hộ (trong đó có 464 căn hộ thuộc vốn doanh nghiệp).

Như vậy, trong giai đoạn này, vốn ngân sách đã đầu tư 620 căn hộ (chiếm 4,15%) và 14.332 căn hộ thuộc vốn doanh nghiệp (chiếm 95,85%). Điều này cho thấy tỷ trọng nhà nước dành cho việc phát triển giai đoạn trên rất thấp.

Dựa theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TP phê duyệt trước đó, trong giai đoạn còn lại, TP cần phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng NOXH.

"Xây nhà ở xã hội còn khó hơn thương mại"

Với tình trạng nguồn cung hạn chế như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân chính là thủ tục pháp lý đầu tư còn phức tạp.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thủ tục đầu tư dự án NOXH theo quy định hiện nay nhiều hơn nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai và chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Hiện TP có khoảng 40 vị trí làm dự án NOXH đang bị vướng.

Bên cạnh đó, ông Khiết cho biết việc xử lý các chủ đầu tư dự án NOXH không trình thẩm định giá vẫn còn khó khăn vì chưa có chế tài. Theo Nghị định ban hành, chủ đầu tư dự án NOXH phải trình thẩm định giá của dự án để xác định giá bán, giá cho thuê và giá cho thuê mua trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, Nghị định này không quy định về xử lý vi phạm chủ đầu tư trong trường hợp không trình thẩm định giá hoặc tự xác định giá và thực hiện bán, cho thuê và cho thuê mua với người mua trước khi trình Sở Xây dựng thẩm định giá.

“Hiện trên địa bàn thành phố có thực trạng nhiều chủ đầu tư đã bán NOXH cho người dân khi chưa được Sở Xây dựng thẩm định giá”, ông nhấn mạnh.

Hiện trên địa bàn thành phố có thực trạng nhiều chủ đầu tư đã bán NOXH cho người dân khi chưa được Sở Xây dựng thẩm định giá.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Với những vướng mắc này, lãnh đạo Sở Xây dựng TP kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định về xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá NOXH của chủ đầu tư.

Đồng thời, Sở kiến nghị Chính phủ cho phép các chủ đầu tư thực hiện dự án NOXH, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp và khu chế xuất, được vay vốn tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, TP còn cho rằng cần nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng để được xem xét giải quyết.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của TP trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau.

Dự báo bình quân mỗi năm TP.HCM tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng khoảng 1 triệu người, lãnh đạo TP nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra là đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội của một đô thị lớn.

"TP sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và kiến nghị Trung ương khắc phục những bất cập để thu hút nguồn lực phát triển nhà ở nói chung và nhà cho người lao động thu nhập thấp trong thời gian tới", Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/chua-den-2-nguoi-co-nhu-cau-vay-duoc-von-nha-o-xa-hoi-post1410732.html