Mới đây, nội dung trả lời kiến nghị của Bộ Xây dựng đối đối với chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang liên quan đến công tác xây dựng nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã chỉ ra không ít những những bất cập, tồn tại.
Cụ thể, về công tác bố trí nguồn vốn, theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động thêm 3.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định).
Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Về công tác giải ngân vốn hỗ trợ đối với gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, theo Bộ Xây dựng, báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến hết tháng 10/2022 cho thấy, trên cả nước đã giải ngân được 3.017 tỷ đồng cho 8.379 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP: Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 03 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô: 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, quá trình triển khai thực hiện chính sách liên quan đến nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn....dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.
Do đó, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, trên cơ sở báo cáo của các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Về các giải pháp trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Cụ thể, để giải quyết, một số khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng hiện đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính… để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Đối với công tác tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.