Ngân hàng

Chuyện gì đang xảy ra tại ngân hàng Credit Suisse

Việc giá cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ bất ngờ giảm mạnh đã làm gia tăng lo ngại về những điểm yếu của ngành tài chính sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley.

Theo Guardian, sự hoảng loạn của các nhà đầu tư một lần nữa được cảm nhận trong tuần này sau khi cổ phiếu của Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn tại châu Âu bất ngờ giảm mạnh.

Việc cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ lao dốc diễn ra trong bối cảnh tâm lý thị trường vẫn chưa hồi phục từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) khoảng một tuần trước đó.

Chuyện gì đang xảy ra tại Credit Suisse?

Giá cổ phiếu của doanh nghiệp tài chính Thụy Sĩ hôm 15/3 có thời điểm đã giảm hơn 30%, xuống mức thấp kỷ lục là 1,69 USD cho một cổ phiếu.

Xu hướng trên diễn ra sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, Ngân hàng Trung ương Saudi (SNB), từ chối cung cấp thêm vốn cho doanh nghiệp Thụy Sĩ này do không muốn vi phạm quy định hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu. Hiện tại, SNB sở hữu 9,9% cổ phần của Credit Suisse trên mức trần là 10%.

Trả lời Reuters, chủ tịch SNB Ammar Al Khudairy cho biết Credit Suisse là một "ngân hàng vững mạnh" và không cần thêm vốn sau khi đã huy động được hơn 4,3 tỷ USD để tài trợ cho kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp này vào mùa thu năm 2022.

Tuy nhiên, những bình luận từ người đứng đầu SNB đã khiến các nhà đầu tư khác lo sợ rằng Credit Suisse sẽ không thể nhận được nguồn cung tiền khẩn cấp từ khu vực Trung Đông.

Sự hoảng loạn của các nhà đầu tư là về điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu, vốn đã phải chịu cú sốc lớn sau sự sụp đổ của SVB. Là ngân hàng lớn thứ 17 châu Âu dựa trên số lượng tài sản sở hữu, tầm quan trọng của Credit Suisse trong hệ thống tài chính toàn cầu lớn hơn nhiều so với SVB.

Có nên lo lắng?

Cổ phiếu tại nhiều ngân hàng ở châu Âu cũng sụt giảm mạnh vào hôm 15/3 do sự sợ hãi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng giá cổ phiếu chủ yếu phản ánh tâm lý nhà đầu tư thay vì tình hình kinh doanh của ngân hàng.

Sau Credit Suisse, cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác tại châu Âu cũng giảm mạnh trong hôm 15/3. Ảnh: Reuters.

Các chuyển động của thị trường có thể khiến khách hàng rơi vào trạng thái hoảng loạn và rút tiền ồ ạt, tạo ra một cuộc tháo chạy tiền gửi đe dọa đến những ngân hàng có quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, những ngân hàng lớn hơn như Credit Suisse có vị trí tài chính vững chắc - một phần đến từ các quy định của chính phủ và bài kiểm tra áp lực hàng năm của cơ quan quản lý tài chính. Các bài kiểm tra này được áp dụng kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Những quy định sau khủng hoảng tài chính năm 2008 có đang phát huy tác dụng?

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã ban hành những quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với những ngân hàng được đánh giá có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Phần lớn các ngân hàng trung ương và cơ quan kiểm soát của từng quốc gia đã giới thiệu các bài kiểm tra áp lực để đánh giá liệu hệ thống ngân hàng có thể chống chọi được được sức ép tài chính lớn, đồng thời bảo vệ được khách hàng của mình.

Trong tình huống xấu nhất, các ngân hàng có tầm quan trọng hàng đầu phải có đủ nguồn vốn và "ý chí sinh tồn" để đảm bảo sự đóng cửa theo một cách có trật tự. Tuy nhiên, "ý chí sinh tồn" của các ngân hàng trên vẫn chưa được thử thách trong những tình huống thực tế.

Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ, Finma, đã phê chuẩn kế hoạch đóng cửa khẩn cấp của Credit Suisse vào năm 2022, tuy nhiên họ nhận xét rằng nội dung của kế hoạch này vẫn chưa đảm bảo an toàn.

Khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?

Tình trạng hoảng loạn tại Credit Suisse xảy ra sau sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ trong những ngày qua. Tuy nhiên, những vấn đề của Credit Suisse, dù không phải là mới trong ngành tài chính, có nhiều điểm khác biệt với những ngân hàng trên.

Theo đó, kết quả kinh doanh thua lỗ và những vụ bê bối gần đây là nguyên nhân tạo nên làn sóng tháo chạy của khách hàng khỏi doanh nghiệp Thụy Sĩ.

Khách hàng của Credit Suisse, chủ yếu là các cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp thay vì những người dân bình thường, đã rút tiền khỏi ngân hàng này trong nhiều tháng qua. Điều này đã dẫn đến việc Credit Suisse mất hơn 120 tỷ USD vốn vào cuối năm 2022.

Vụ việc của Credit Suisse cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về những khoản lỗ tiềm năng trong hoạt động kinh doanh của những ngân hàng khác ở châu Âu. Quá trình sụp đổ của SVB tăng tốc sau khi ngân hàng này phải bán lỗ một lượng lớn trái phiếu.

Chủ tịch của Credit Suisse Axel Lehmann. Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann hôm 15/3 cho biết ngân hàng này không cần đến sự trợ giúp của chính phủ. "Chúng tôi có tỷ lệ vốn tốt và kết quả kinh doanh khả quan. Chúng tôi đã áp dụng những biện pháp cần thiết", ông Lehmann cho hay.

Tờ Financial Times dẫn một số nguồn tin ẩn danh cho biết Credit Suisse đã bí mật liên hệ với cả Finma và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, kêu gọi những cơ quan trên lên tiếng ủng hộ tổ chức tài chính này nhằm củng cố niềm tin của thị trường.

Rắc rối của Credit Suisse bắt nguồn từ thời điểm nào?

Credit Suisse đang trong quá trình tái cấu trúc nhằm ngăn chặn đà thua lỗ, lên tới hơn 7,9 tỷ USD vào năm 2022, đồng thời tái khởi động quá trình kinh doanh sau khi phải đối mặt với nhiều cáo buộc như lách lệnh cấm vận, rửa tiền, trốn thuế và hoạt động sai quy tắc trong một thập kỷ qua.

Chỉ trong 3 năm qua, Credit Suisse đã bị phát hiện có hành vi gián điệp doanh nghiệp khi thuê điệp viên theo dõi những cựu lãnh đạo của ngân hàng này. Bên cạnh đó, công ty tài chính có trụ sở ở Thụy Sĩ cũng thừa nhận có hành vi lừa dối nhà đầu tư trong vụ bê bối "trái phiếu cá ngừ" tại Mozambique, đồng thời phải đóng khoản tiền phạt lên tới 422 triệu USD.

Ngân hàng này cũng đối mặt với chỉ trích sau khi một cuộc điều tra của nhiều hãng thông tấn trên thế giới vào năm 2022 phát hiện Credit Suisse đã cung cấp dịch vụ tài chính cho các cá nhân liên quan đến hoạt động phạm pháp như tra tấn, buôn bán chất cấm, rửa tiền, tham nhũng cùng những hành vi khác trong nhiều thập kỷ.

Đầu tuần này, Credit Suisse cũng thừa nhận cấu trúc quản lý trong hoạt động báo cáo tài chính của ngân hàng này vẫn tồn tại "một số điểm yếu", nhưng cam kết rằng các lãnh đạo doanh đang tích cực làm việc nhằm củng cố hệ thống quản lý rủi ro của doanh nghiệp này.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-tai-ngan-hang-credit-suisse-post1412449.html