Tờ Bloomberg đưa tin, ngân hàng Credit Suisse thông báo sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,68 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ dưới dạng công cụ cho vay có bảo đảm và công cụ thanh khoản ngắn hạn.
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi cổ phiếu của nhà băng này giảm mạnh vào thứ tư, chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong ngày thứ hai liên tiếp. Tin tức xấu dồn dập tới với Credit Suisse sau khi cổ đông lớn nhất của họ là Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Saudi cho biết sẽ không thể cung cấp hỗ trợ thêm nữa.
Các bước mới nhất sẽ "hỗ trợ các khách hàng và doanh nghiệp cốt lõi của Credit Suisse khi Credit Suisse thực hiện các động thái cần thiết để tạo ra một ngân hàng đơn giản và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng", công ty cho biết trong một thông báo.
Giám đốc điều hành Credit Suisse Ulrich Koerner cho biết: “Những biện pháp này thể hiện hành động quyết đoán nhằm củng cố Credit Suisse khi chúng tôi tiếp tục chuyển đổi chiến lược để mang lại giá trị cho khách hàng và các bên liên quan khác”.
“Chúng tôi cảm ơn Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ và cơ quan giám sát FINMA khi thực hiện chuyển đổi chiến lược của mình. Tôi và các đồng nghiệp của mình quyết tâm tiến nhanh để cung cấp một ngân hàng đơn giản hơn và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng”, ông nói.
Tình hình của Credit Suisse đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong toàn ngành ngân hàng. Các ngân hàng ở Châu Á-Thái Bình Dương cũng chứng kiến cổ phiếu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm qua.
Credit Suisse hôm 14/3 công bố báo cáo thường niên cho năm 2022. Trong đó, họ cho biết đã phát hiện ra "các điểm yếu" trong việc kiểm soát báo cáo tài chính và chưa đảo ngược được việc khách hàng rút tiền khỏi đây.
Ngân hàng lớn nhì Thụy Sĩ vẫn đang tìm cách hồi phục sau loạt scandal năm ngoái, khiến niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng lung lay. Trong quý IV, số tiền khách hàng rút khỏi ngân hàng này đã lên hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ (120 tỷ USD). Họ cũng ghi nhận lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) – lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Khoản phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng này đã lên kỷ lục 574 điểm cơ bản (5,74%), theo S&P Global Market Intelligence. Phí này tăng đồng nghĩa nhà đầu tư cho rằng rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang cao lên.
Trước đó vào tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu của Credit Suisse đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi nỗ lực trấn an nhân viên và các nhà đầu tư của CEO Ulrich Koerner phản tác dụng, làm gia tăng thêm những điều không chắc chắn về ngân hàng này. Thậm chí, “Credit Suisse vỡ nợ” trở thành tin đồn toàn cầu.
Cổ phiếu này đã giảm giá trị tới hơn một nửa trong năm nay trước khi trải qua cơn bán tháo khủng khiếp vào ngày thứ 2, giảm 12% chỉ trong 1 ngày xuống mức thấp kỷ lục.
Tình huống này nổi lên do Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse – công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ của ngân hàng – tăng vọt lên mức kỷ lục 250 điểm cơ bản. Đầu năm nay chúng chỉ ở mức 57 điểm cơ bản. Nhà đầu tư đặt cược có 23% khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trái phiếu trong 5 năm tới.
Nguồn: CNBC