Vĩ mô

Chuyện gì đang xảy ra với bác sĩ Hàn Quốc?

Hàng nghìn bác sĩ thực tập đình công, nộp đơn nghỉ việc. Các dịch vụ y tế bị gián đoạn nhiều ngày liên tiếp khiến người bệnh không được chữa trị kịp thời.

Các bác sĩ tại Hàn Quốc hôm 15/2 biểu tình phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu. Ảnh: Bloomberg.

Theo Sở cứu hỏa Gangwon (Hàn Quốc), một bệnh nhân tiểu đường khoảng 60 tuổi ở Yangyang, thị trấn tỉnh Gangwon, đã gọi đến đường dây nóng khẩn cấp 119 để xin giúp đỡ vì hoại tử nghiêm trọng ở chân.

Nhưng Bệnh viện Gangneung Asan, một trong những trung tâm y tế lớn nhất khu vực đã từ chối ông. Họ nói rằng không có bác sĩ thực tập sinh nào trong phòng cấp cứu.

Tất cả bệnh viện lớn ở Gangneung và Sokcho gần đó đều phản ứng tương tự. Người đàn ông cuối cùng đã được điều trị tại một bệnh viện cách đó khoảng 100 km, theo Koreaherald.

Nhiều bệnh viện lớn tại Seoul đang trong tình trạng thiếu nhân lực để chăm sóc bệnh nhân khi làn sóng các bác sĩ thực tập đình công và nộp đơn nghỉ việc gia tăng.

Tính đến tối 22/2, đã có 8.897, tương đương 78,5%, trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh từ 96 bệnh viện giảng dạy lớn ở Seoul và các nơi khác đã nộp đơn từ chức, trong đó 7.863 người trong số họ không đi làm.

"Tôi có kế hoạch phẫu thuật vào hôm 21/2 nhưng đã bị hủy. Tôi sợ rằng có thể phải ghép gan với tình hình này", tờ Yonhap dẫn lời một bệnh nhân mắc ung thư trực tràng đã di căn sang gan viết trên mạng xã hội.

Kế hoạch của chính phủ

Hồi đầu tháng 2, chính phủ Hàn Quốc thông báo kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y từ 3.000 sinh viên lên 5.000 sinh viên mỗi năm, kể từ năm 2025.

Bộ Y tế Hàn Quốc nói rằng động thái này nhằm giải quyết thách thức cho hệ thống y tế nước này, được dự báo sẽ thiếu hụt 15.000 bác sĩ vào năm 2035.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đồng thời nhu cầu chăm sóc y tế không ngừng tăng, trong khi số lượng bác sĩ cũng sẽ giảm dần do nghỉ hưu.

Kế hoạch mới cũng bao gồm tăng lương cho bác sĩ ở vùng nông thôn, bác sĩ làm trong các lĩnh vực thiết yếu như nhi khoa, sản khoa và cấp cứu. Chính phủ Hàn Quốc nói rằng các bác sĩ thường bị kiện và truy tố do sơ suất y tế, do đó, họ cũng có kế hoạch ra luật mới để mở rộng khung bảo vệ pháp lý cho bác sĩ, theo Reuters.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo trả lời họp báo hôm 18/2. Chính phủ nước này yêu cầu các bác sĩ thực tập trở lại làm việc trước tình trạng y tế gián đoạn, đồng thời kêu gọi các bệnh viện ngồi lại thảo luận. Ảnh: Yonhap.

Hàn Quốc đang có tỷ lệ 2,6 bác sĩ trên 1.000 bệnh nhân. Đây là tỷ lệ thuộc nhóm thấp nhất trong các nước phát triển.

Quốc gia có tỷ lệ cao nhất là Áo, với 5,5 bác sĩ trên 1.000 bệnh nhân. Lương cho bác sĩ chuyên khoa tại nước này thuộc nhóm cao nhất, với khoảng 200.000 USD/ năm, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi đó, bác sĩ đa khoa lại được trả lương tương đối thấp.

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết có sự chênh lệch đáng kể giữa mức lương của từng chuyên khoa. Bác sĩ nhi khoa nhận lương thấp nhất, ít hơn 57% so với mức lương trung bình, trong khi bác sĩ da liễu và thẩm mỹ thường có thu nhập cao hơn.

Làn sóng phản đối

Jeong Hyung Jun, bác sĩ y khoa và giám đốc chính sách của Liên đoàn các nhóm hoạt động Y tế Hàn Quốc, cho biết các bác sĩ trẻ lo ngại việc tăng chỉ tiêu sẽ khiến sự cạnh tranh trong ngành vốn đã khốc liệt giờ lại tăng thêm.

Ngoài ra, các bác sĩ thực tập bất bình về điều kiện làm việc. Nhiều người cho biết họ phải làm 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, nhưng lương thấp. Các thực tập sinh cho rằng bệnh viện cần thuê những bác sĩ có chuyên môn cao, thay vì tăng số lượng thực tập sinh.

Cộng đồng y khoa cho rằng hiện đã có đủ bác sĩ để đáp ứng nhu cầu từ bệnh nhân, do đó, số lượng bác sĩ không phải vấn đề. Họ cũng cho rằng chính phủ đã tự đưa ra thêm chỉ tiêu 2.000 người mà không công khai cơ sở cho quyết định này.

Một bệnh nhân được chuyển đến phòng cấp cứu ở Seoul ngày 24/2 trong bối cảnh các bác sĩ thực tập sinh biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Ảnh: Yonhap.

Các bác sĩ cho biết nếu tình trạng lương và khối lượng công việc không được giải quyết, sẽ không có động lực để bác sĩ chọn hành nghề trong các lĩnh vực thiết yếu.

Một số nhà phân tích nói rằng tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân không phản ánh chất lượng chăm sóc y tế. Họ cho rằng Hàn Quốc nằm trong nhóm đầu thế giới về khả năng tiếp cận y tế.

Nguy cơ bế tắc kéo dài

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này diễn ra. Vào năm 2020, kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển 4.000 sinh viên y trong 10 năm đã gây ra cuộc biểu tình tương tự, khiến chính phủ phải hoãn kế hoạch này.

Công chúng được cho là ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu. Một khảo sát mới đây của Gallup Korea cho biết 76% người được hỏi phản hồi tích cực với kế hoạch mở rộng. Song, một số chuyên gia cho rằng tình trạng này có thể kéo dài gián đoạn y tế, thậm chí lên đến một năm.

Chính phủ đã đình chỉ giấy phép y khoa với 2 thành viên cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) và nói rằng có thể hủy bỏ giấy phép nếu phát hiện 2 người này xúi giục đình công. Cảnh sát cũng đang cân nhắc phát lệnh bắt những người đứng đầu cuộc đình công, theo Time.

Ở chiều ngược lại, KMA cho biết họ có thể “đình công vô thời hạn” nếu giới chức Hàn Quốc kiên quyết với kế hoạch tăng chỉ tiêu.

Chính phủ lập luận rằng nước này nên bắt đầu đào tạo thêm nhiều bác sĩ mới để giải quyết những thách thức do xã hội già đi nhanh chóng đặt ra. Họ đặt vấn đề các nước phát triển lớn khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ.

Bất chấp việc chính quyền liên tục cảnh báo về việc cảnh sát điều tra, thậm chí bắt giữ các bác sĩ tham gia biểu tình trong trường hợp bệnh nhân tử vong, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, một nhóm vận động hành lang chính cho các bác sĩ, vẫn tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Seoul cho đến tháng 3.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-bac-si-han-quoc-post1461485.html