Wiki

Chuyện không tưởng đang xảy ra ở Hàn Quốc

Giữa làn sóng bác sĩ đình công tập thể để phản đối kế hoạch tuyển sinh, nhiều người Hàn Quốc vẫn đang tìm cách giành suất để trở thành sinh viên trường y.

Nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Trong khi hàng nghìn bác sĩ thực tập và giáo sư trường y Hàn Quốc đình công, nghỉ việc để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ, nhiều cơ sở giáo dục tư nhân lại tìm cách mở rộng các khóa đào tạo để giúp học sinh và cả nhân viên văn phòng có cơ hội trở thành bác sĩ.

Người ngoài ao ước, người trong ước "out"

Theo Korea Herald, các viện giáo dục tư nhân trên khắp Hàn Quốc đã mở rộng quy mô, số lượng các lớp học dành cho các học sinh chuẩn bị thi vào trường y. Thậm chí, một số nơi mở lớp học buổi tối dành cho những nhân viên văn phòng muốn trở thành bác sĩ.

Mega Study - viện giáo dục tư nhân khá lớn ở Hàn Quốc - là một trong số đó. Cụ thể, tổ chức này thông tin họ sẽ mở khóa học buổi tối dành cho những người muốn thi vào trường y. Khóa học chính thức khai giảng vào ngày 18/3.

Theo viện, khóa học dành cho những người ở độ tuổi 30, đã tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng và đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trở thành sinh viên y vẫn là lựa chọn hấp dẫn ở Hàn Quốc vì có nhiều cơ hội kiếm việc lương cao. Ảnh: Yonhap.

Các viện, tổ chức giáo dục tư nhân mở khóa ôn thi vào trường y được coi là hành động đáp lại lời kêu gọi mở rộng tuyển sinh ngành y của chính phủ. Mục đích tăng chỉ tiêu tuyển sinh chính là đối phó với nguy cơ thiếu bác sĩ trầm trọng vào năm 2035.

Trái ngược với phản ứng gay gắt của các bác sĩ thực tập và giáo sư trường y, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y lại được dư luận Hàn Quốc khá quan tâm. Lý do là bác sĩ là nghề phổ biến ở nước này, mức lương cũng rất cao, thậm chí vượt xa "vua của mọi nghề" ở Hàn Quốc là luật sư.

Cụ thể, mức lương trung bình của bác sĩ Hàn Quốc là 250 triệu won/năm (tương đương 188.000 USD). Trong khi đó, mức lương trung bình của luật sư chỉ ở mức 100 triệu won/năm, tức là khoảng 75.200 USD.

Mặc kệ bác sĩ đình công, nhiều người vẫn cố để tranh suất được vào trường y. Ngày 7/3 vừa qua, một nguồn tin nước này cho biết các trường y chỉ thừa 5 suất cho năm 2024. Kết quả, hơn 3.000 người nộp đơn đăng ký để giành suất này, nghĩa là tỷ lệ chọi vượt mức 1/600.

Tỷ lệ chọi suất tuyển sinh muộn của năm 2024 cao hơn nhiều so với năm 2023. Năm đó, chỉ 1.642 người nộp đơn giành 4 suất tuyển sinh bổ sung, tỷ lệ chọi ở mức 1/410,5.

Chính phủ quyết không lùi bước

Trong khi học sinh và dân văn phòng tìm cách giành suất vào trường y, căng thẳng giữa chính phủ và các bác sĩ vẫn chưa chấm dứt.

Ngày 11/3, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết chính phủ sẽ "nhẹ tay" với những bác sĩ thực tập chấp nhận trở lại làm việc trước khi các thủ tục đình chỉ giấy phép được hoàn tất. Khi nhận được thông báo, trước ngày 25/3, các bác sĩ sẽ phải gửi phản hồi về vấn đề đình chỉ giấy phép, nếu không sẽ chính thức nhận hình phạt.

"Chính phủ đã chủ động khoan hồng với các bác sĩ thực tập nên chúng tôi khuyến khích họ nhanh chóng trở lại làm việc", ông Cho nói với KBS.

Hơn 12.000 bác sĩ thực tập đình công khiến bệnh viện lớn ở Hàn Quốc quá tải và phải hủy hơn 50% số ca phẫu thuật. Ảnh: Yonhap.

Về phía các giáo sư trường y - những người đã, đang và có ý định nghỉ việc để bảo vệ sinh viên, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết bộ sẽ xem xét việc ban hành hình phạt đối với các giáo sư nếu họ từ chức tập thể.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chiến này. Chiều 12/3, bộ ra công văn cảnh báo các trường y rằng nếu nhà trường chấp thuận cho sinh viên y nghỉ phép hàng loạt, nhà trường sẽ bị thanh tra quy trình phê duyệt đơn xin nghỉ học.

Chính phủ cũng nhắc lại lập trường kiên định đối với công tác cải cách y tế. Trong một chương trình truyền hình hôm 9/3, ông Sung Tae-yoon, Giám đốc phụ trách chính sách quốc gia của Văn phòng Tổng thống, cho biết chính phủ sẽ kiên trì với kế hoạch tăng số lượng tuyển sinh vào trường y, đồng thời chuẩn bị các biện pháp nhằm giúp các bệnh viện lớn giảm phụ thuộc vào bác sĩ thực tập.

Bệnh nhân đã căng

Vào đầu tuần này, giáo sư y khoa - những người đang cố đảm nhận vai trò của bác sĩ thực tập đình công - cảnh báo rằng họ cũng có thể ngừng nhận bệnh nhân và ngừng phẫu thuật kể từ tuần tới. Các nghiên cứu sinh cũng đang cân nhắc điều tương tự.

Đứng trước nguy cơ không được khám bệnh, nhiều bệnh nhân và gia đình phẫn nộ, quay ra chỉ trích bác sĩ, một số khác kêu gọi bác sĩ trở về làm việc.

Bà Oh Myung-jin (44 tuổi) "nổ tung" sau khi nghe tin các giáo sư y khoa cũng cân nhắc việc rời bệnh viện để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ.

Bệnh nhân Hàn Quốc bức xúc vì đến giáo sư cũng nghỉ việc. Ảnh: Yonhap.

Hiện, bà Oh đang chăm sóc cho hai thành viên trong nhà mắc bệnh nặng. Bà lo rằng nếu giáo sư cũng rời đi, người nhà của bà sẽ phải ngừng điều trị từ tuần sau.

"Con gái và cha tôi, và cả tôi nữa, đang phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực", bà Oh nói với Korea Herald.

Người cha 70 tuổi của bà Oh lại bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4 và cũng được điều trị chung bệnh viện với cháu gái. Ông Oh cần phải xạ trị và hóa trị liên tục để duy trì mạng sống.

"Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của các bác sĩ dành cho con gái và cha tôi. Nhưng các bác sĩ không nên gây áp lực lên chính phủ bằng cách lợi dụng sức khỏe của bệnh nhân như vậy được", bà Oh đau khổ nói.

Vào ngày 13/3, một tổ chức dành cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tuyên bố rằng việc bác sĩ rời bỏ bệnh viện cũng giống như "bản án tử hình dành cho bệnh nhân". Theo đó, họ kêu gọi bác sĩ tiếp tục ở lại để hỗ trợ bệnh nhân điều trị.

Ông Yoon (80 tuổi), đang điều trị bệnh mạn tính ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, nghĩ rằng ông sẽ "chết sớm" nếu bác sĩ rời đi.

Anh Lee Jun (32 tuổi), người nhà của bệnh nhân ung thư, cũng rất tức giận khi chứng kiến bác sĩ và giáo sư nghỉ việc hàng loạt.

Thời gian gần đây, anh Lee phải chật vật để "tranh" được suất phẫu thuật cho người nhà. Ban đầu, mẹ anh được ấn định phẫu thuật trong tháng 3, nhưng giờ lịch phẫu thuật lại bị hoãn vô thời hạn.

"Tôi không hiểu các bác sĩ định biện minh kiểu gì cho hành động của họ. Rõ ràng họ chỉ đang đình công vì sợ lợi ích của họ bị đe dọa thôi", anh Lee bức xúc.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/chuyen-khong-tuong-dang-xay-ra-o-han-quoc-post1464307.html