Mỹ Hạnh (31 tuổi) đăng ký khám sức khỏe ở Bệnh viện ĐH Quốc gia Seoul vào ngày 16/3. Tuy nhiên, tuần trước, cô được bệnh viện gọi điện thông báo chuyển ngày khám sang 30/3.
Vài ngày sau đó, bệnh viện lại tiếp tục hủy hẹn và lần này không thể đưa ra một ngày cụ thể. "Tôi khá hoang mang vì không biết khi nào mới được khám. Nếu trong tuần tới vẫn chưa có lịch cụ thể thì chắc tôi phải chuyển sang viện tư", Hạnh nói với Tri thức - Znews.
Tại Hàn Quốc, các bác sĩ nội trú, những người đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc và phẫu thuật cấp cứu, đã nghỉ việc hơn 3 tuần để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường y trong năm tới.
Cuộc đình công diện rộng khiến nhiều bệnh viện lớn thiếu nhân viên; bệnh nhân hoang mang, gặp khó khăn và ngành y tế rơi vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.
Nỗi lo về chi phí
Dù không được bệnh viện giải thích cụ thể về lý do hủy lịch khám, Hạnh tin rằng nó có liên quan đến cuộc đình công đang diễn ra trong ngành y của Hàn Quốc.
"Một đồng nghiệp cũng kể với tôi rằng anh ấy bị hủy lịch phẫu thuật tại bệnh viện ở Seoul. Sống ở Hàn Quốc hơn 5 năm, đây có lẽ là lần đầu tiên tôi gặp tình huống này", cô nói.
Theo The Guardian, gần 12.000 bác sĩ từ 100 bệnh viện đại học đã nghỉ việc, dẫn đến các cuộc phẫu thuật bị hủy bỏ, thời gian chờ đợi lâu hơn và quá trình điều trị chậm trễ, bao gồm cả những bệnh nhân cần được chăm sóc khẩn cấp.
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến ngày dự sinh, Minh Thư (28 tuổi) khá hoang mang khi đọc tin tức về việc các bác sĩ đình công. Cô cho biết mình dự định sinh ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk, nhưng đây cũng là một trong những bệnh viện thiếu nhân lực, bị quá tải ở thời điểm này.
"Tôi đọc báo thì thấy ngay cả những trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu cũng bị từ chối. Với tình hình hiện tại thì chưa biết bao giờ mới có thể ổn định trở lại".
Thư chọn sinh con ở bệnh viện này vì gần nhà, thuận tiện đi lại. "Tôi cũng có bảo hiểm và dự tính gói sinh của bệnh viện sẽ vừa đủ với số tiền bảo hiểm chi trả cho mình. Bây giờ nếu chuyển sang bệnh viện khác, tôi sẽ phải tính toán lại chi phí", cô cho hay.
Trên các hội nhóm, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc, mọi người chia sẻ tin tức, bày tỏ sự lo ngại từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp gặp khó khăn, bị hủy lịch khám bệnh, một số người cho biết quá trình thăm khám của mình vẫn diễn ra suôn sẻ.
Linh Đan, sống ở Incheon, nói rằng gần đây cô đi khám ở Bệnh viện St. Mary và mọi thứ vẫn ổn, nhân viên y tế làm việc như thường ngày. "Tôi nghĩ là tùy từng khu vực, từng bệnh viện. Mọi người có thể gọi điện để kiểm tra trước khi đến".
Gánh nặng đối với các bệnh viện nhỏ
Vấn đề nảy sinh hồi đầu tháng 2, khi chính phủ Hàn Quốc đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 sinh viên/năm kể từ năm 2025, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ kéo dài ở nước này.
Bác sĩ nội trú và thực tập phản đối kế hoạch này vì cho rằng sự thiếu hụt không diễn ra trên toàn ngành mà chỉ giới hạn ở các chuyên khoa cụ thể, như phòng cấp cứu.
Theo gần 12.000 bác sĩ đình công, chiếm 93% lực lượng thực tập sinh, việc tăng tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Họ giải thích rằng gốc rễ của vấn đề chính là hệ thống y tế đầy rẫy điều kiện làm việc khắc nghiệt, mức lương thấp và kêu gọi cải thiện những vấn đề này trước tiên.
Đến đầu tháng 3, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết 4.900 bác sĩ có thể bị mất giấy phép nếu tiếp tục đình công. Hình phạt này có thể trì hoãn quá trình trở thành bác sĩ chuyên khoa trong ít nhất một năm.
Tuần này, Bộ cho biết sẽ phân công 20 bác sĩ phẫu thuật quân đội và 138 bác sĩ y tế công cộng để tăng số lượng nhân viên tại một số bệnh viện. Chun Byung-wang, Giám đốc bộ phận chính sách y tế của Bộ, gợi ý rằng nếu quay trở lại làm việc, các bác sĩ sẽ không bị trừng phạt.
Trong nỗ lực giải quyết tranh chấp, tuần trước, chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp cải thiện lương và điều kiện cho các bác sĩ nội trú, bao gồm cả ca làm việc khét tiếng kéo dài 36 giờ. Nhưng biện pháp này vẫn chưa thể xoa dịu được các bác sĩ đình công.
Một cuộc thăm dò được hãng thông tấn Yonhap công bố vào tuần trước cho thấy 84% số người được hỏi ủng hộ việc thuê thêm bác sĩ và 43% cho rằng các bác sĩ đình công sẽ phải nhận những hình phạt nghiêm khắc.
Các phòng cấp cứu tại những bệnh viện đa khoa lớn, nơi bác sĩ nội trú chiếm hơn 1/3 tổng số nhân viên, bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi những nơi này buộc phải đóng cửa, gánh nặng dồn lên các bệnh viện nhỏ hơn, bao gồm Bệnh viện Hana ở Cheongju, cách Seoul khoảng 3 giờ lái xe.
Theo Bloomberg, nhân viên cấp cứu tại Hana cho biết việc bỏ bữa là điều bình thường, khi đang phải tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân đáng lẽ ra phải đến các bệnh viện lớn hơn.