Lifestyle

Chuyển nhà, sắm vòng mát chống chọi với nắng nóng ở TP.HCM

Từ sinh viên, nhân viên văn phòng cho đến gia đình có con nhỏ đều tìm mọi cách để đối phó với nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng ở TP.HCM.

Từ đầu năm 2024, TP.HCM và các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ luôn có nhiệt độ không khí trong ngày cao kỷ lục, dao động 35-38 độ C và sắp tới có thể vượt mức 39 độ C.

Do đó, nhiều người dân thành phố chủ động áp dụng các biện pháp tránh nóng để duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trong thời gian này. Tri thức - Znews đã trò chuyện với 6 người có độ tuổi, hoàn cảnh sống khác nhau để tìm hiểu muôn kiểu "sống chung với nắng nóng".

Tuyết Xuân và ông xã đã ở nhà mới được 1 tuần.

Nhiều cây xanh là tiêu chí chọn nhà

Cù Ngọc Tuyết Xuân (33 tuổi)

Trở về TP.HCM sau thời gian nghỉ dưỡng ở nơi rừng núi mát mẻ, tôi không chỉ sốc nhiệt mà còn sốc... tâm lý.

Rất may khu vực sinh sống mới của vợ chồng tôi có công viên và nhiều cây xanh - đây là một phần lý do khiến cả hai dọn nhà đến quận 9 sau 5 năm ở quận Phú Nhuận. Quyết định được đưa ra đúng lúc TP.HCM nắng nóng.

Nhiệt độ ngoài trời cao kỷ lục nên tôi chỉ ở nhà làm việc, rảnh rỗi thì đi dạo dưới tán cây. Chồng tôi "chủ trương" không ra đường trước 15h trong giai đoạn này.

Hôm 7/4, chúng tôi đi mua cây lưỡi hổ, trầu bà về trồng để không gian trong nhà dịu mát hơn.

Tuy nhiên, điều hòa mở liên tục khiến tiền điện tăng khoảng 500.000 đồng so với bình thường. Do đó, tôi chuyển sang dùng quạt nhiều hơn, cũng là để tránh sốc nhiệt khi đột ngột di chuyển từ chỗ mát ra ngoài nắng.

Ngoài đi dạo khi thời tiết trở nên dễ chịu, tôi duy trì thói quen tắm nắng vào sáng sớm, bởi tâm niệm làm như vậy thì cơ thể sẽ quen với ánh nắng và tăng cường sức đề kháng. Tôi cũng uống đủ nước mỗi ngày phòng bệnh tật xảy ra.

Chuẩn bị 3 bộ quần áo cho con

Phan Thành Lĩnh (34 tuổi)

Gia đình Thành Lĩnh không còn đi du lịch nhiều mà chỉ ở trong nhà để "trốn nóng".

Tối 7/4, tôi và con trai hơn 2 tuổi đột nhiên bị sốt - có lẽ do thời tiết nắng nóng kéo dài nên người lớn lẫn trẻ con đều dễ đổ bệnh. Kết quả là sáng hôm sau con phải nghỉ học, tôi ở nhà chăm con.

Để làm mát thân nhiệt từ bên trong, chúng tôi ăn nhiều trái cây, bổ sung nước và trà thanh mát, không quên xịt khoáng, đắp khăn lạnh lên mặt, cổ và luôn mặc trang phục thoáng khí.

Trở về nhà vào chiều tối, chúng tôi sử dụng điều hòa liên tục nên tiền điện tăng gần gấp đôi. Trước đó, chúng tôi tốn khoảng 3,8 triệu đồng để sửa chữa điều hòa, bao gồm việc mất trắng 2,1 triệu đồng vào tay dịch vụ "lậu".

Con tôi ở trường cũng hoạt động trong máy lạnh, song ba lô luôn có quạt cầm tay và 3 bộ quần áo phòng khi đổ mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, thời tiết dạo này khiến bé mệt mỏi, không còn nhiều năng lượng chơi đùa. Chúng tôi chỉ biết áp dụng các biện pháp hạ nhiệt, tăng sức đề kháng và đưa con đi bơi trong khung giờ dịu mát cuối tuần để con vui vẻ hơn.

Chăm chỉ lên văn phòng hơn

Nguyễn Mai Phương Trúc (24 tuổi)

Thời gian này, tôi thấy một số đồng nghiệp bỗng chăm chỉ lên văn phòng để làm việc hơn hẳn (cười). Bản thân tôi cũng "cắm rễ" ở đây 5 ngày/tuần, 2 ngày cuối tuần thì tránh nóng ở trung tâm thương mại rồi trở về nhà ba mẹ ở Bình Dương.

Mỗi ngày, tôi mất 15 phút di chuyển từ nhà thuê lên công ty, đến nơi thì chưa thể làm việc ngay mà phải pha nước uống cho hạ nhiệt. Đến trưa, thay vì ăn ở ngoài, tôi và đồng nghiệp đặt đồ qua app hoặc mang cơm theo vì ai cũng ngại ra đường giờ cao điểm nắng nóng.

Tiền điện đợt này không chênh nhiều so với trước vì tôi chỉ ở nhà sau 18h30. Nhà có vị trí nhận ánh nắng trực tiếp nên tôi luôn tìm nơi "trú nóng" bên ngoài - công ty lắp máy lạnh khiến tôi có động lực đi làm; trung tâm thương mại cung cấp đa dạng dịch vụ sẽ giúp tôi "xả stress" đến tận chiều tối, khi mà nắng đã tắt và không khí bớt oi nồng. Còn mỗi lần về nhà ở Bình Dương, tôi luôn được mẹ nấu nước mát giải nhiệt.

"Trú nắng" trong rạp phim

Nguyễn Trung Như Việt (22 tuổi)

Vào rạp phim, ra quán cà phê, "thủ sẵn" thuốc chống đau đầu phòng khi say nắng... là một số biện pháp được Việt áp dụng thời gian này.

Có những hôm kết thúc công việc vào giữa trưa, tôi lười chạy xe từ quận trung tâm về ký túc xá ở TP. Thủ Đức nên tấp vào rạp phim gần nhất để vừa tránh nóng, vừa thưởng thức bộ phim mới ra rạp.

Tôi "trú nắng" kiểu này 1-2 lần/tháng; mỗi lần tốn khoảng 100.000 đồng tiền vé và nước. Các bộ phim thường kéo dài trung bình 2 tiếng, tức là thời điểm tôi ra khỏi rạp thì trời đã đỡ nắng.

Tôi không thể chịu nổi sức nóng ngoài đường nên luôn cố gắng tăng tốc, đồng thời trang bị đầy đủ găng tay, áo khoác, khẩu trang và 1-2 liều thuốc chống nhức đầu.

Chưa kể, tôi vốn bị viêm xoang, cộng với tình trạng say nắng gần đây càng khiến cơ thể mệt lử sau mỗi lần ra ngoài.

Thời tiết nắng nóng cũng tác động đáng kể đến tinh thần tôi. Bằng chứng là tôi không thể ngồi làm việc liên tục như trước mà chốc chốc lại đứng dậy rửa mặt, nằm trước quạt... vì quá nóng.

Vòng tránh nóng, khẩu trang chống UV

Nguyễn Thanh Quỳnh (26 tuổi)

Quỳnh chấp nhận bỏ tiền mua những vật phẩm giúp tránh nóng.

Công việc dạo này buộc tôi thường xuyên di chuyển ngoài đường thay vì tránh nóng ở nhà, công ty, quán cà phê... Cách giải nhiệt duy nhất là uống nhiều nước, chẳng hạn như nước sâm lạnh, và bổ sung vitamin C để cơ thể không đổ bệnh.

Tôi cũng trang bị kín mít từ đầu đến chân hệt như "ninja" mỗi khi ra đường, bao gồm đeo khẩu trang chống UV nếu không muốn tia cực tím làm hại làn da.

Đặc biệt, tôi "tậu" thêm vòng đeo cổ làm mát được bán với giá 126.000 đồng trên sàn thương mại điện tử. Chỉ cần bỏ vào ngăn đá trước khi dùng khoảng 15 phút, chiếc vòng này có tác dụng làm dịu thân nhiệt nhanh chóng. Điểm cộng là vòng di động, có thể gấp lại và tái sử dụng.

Dù trang bị kĩ tới đâu, tôi vẫn không tránh được cảm giác hầm hập của khí nóng bao quanh và chỉ mong nhanh trở về nhà.

Pha nước detox cơ thể

Lê Hoàng Phúc (21 tuổi)

Phúc tự làm đồ uống giải nhiệt để mang theo bên mình.

Một tuần của tôi gần như kín lịch với việc đi học từ 7h-16h, rồi dạy thêm ở trung tâm tiếng Anh từ 17h-21h. Riêng thứ 2 và thứ 6, tôi có lịch học ở hai cơ sở khác nhau nên phải di chuyển từ quận 3 đến quận 5 vào giữa trưa.

Ngoài trang bị đồ bảo hộ cơ bản như áo khoác vải, găng tay và khẩu trang, tôi chi từ 65.000-80.000 đồng cho một lọ kem chống nắng và 15.000 đồng cho ống đeo tay nhưng không thấy quá hiệu quả.

Tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời khiến tôi xây xẩm mặt mày, thường xuyên phải dừng lại dưới bóng cây từ 10-15 phút để phục hồi.

Ngoài quạt cầm tay và quạt điện mini, ba lô của tôi luôn có sẵn bình nước giữ nhiệt, thường là nước detox (thải độc - PV) tự pha với các nguyên liệu đơn giản như nước lọc, lá bạc hà, chanh, dưa leo... Kể từ đầu mùa nắng, tôi uống nước nhiều hơn hẳn chứ không lười như trước.

Thời gian này, tôi chỉ đi học, đi làm rồi về nhà, thỉnh thoảng thì đi cà phê vào buổi tối. Tôi tạm gác lại sở thích chụp hình ngoại cảnh khoảng 2 tháng nay vì thời tiết không thuận lợi.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/chuyen-nha-sam-vong-mat-chong-choi-voi-nang-nong-o-tphcm-post1469120.html