Theo báo cáo của Vietnam-Briefing, người Việt tiêu thụ 3,8 tỷ lít bia trong năm 2022, chiếm 2,2% thị trường toàn cầu. Thậm chí, Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu ASEAN và xếp thứ 3 khu vực châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ đồ uống này.
Tuy nhiên, xu hướng giảm tiêu thụ các sản phẩm chứa cồn như bia, rượu trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng như áp lực của Nghị định 100 đang khiến các doanh nghiệp sản xuất bia gặp khó.
Hiện phần lớn thị phần tiêu thụ bia Việt Nam nằm trong tay 4 ông lớn là Heineken, Carlsberg, Sabeco và Habeco với khoảng hơn 90%.
Việt Nam thành "điểm nóng"
Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố mới đây, Carlsberg Group ghi nhận doanh thu trong năm 2023 đạt 73,5 tỷ DKK (tương đương 10,6 tỷ USD). Dù doanh thu tăng gần 5% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế của nhà sản xuất bia lớn thứ 3 thế giới lại bị thu hẹp gần 1% xuống còn 9,3 tỷ DKK (tương đương 1,4 tỷ USD).
Năm vừa rồi, sản lượng bia của Carlsberg đạt 10,1 tỷ lít, hầu như giữ nguyên so với năm trước đó.
Trong môi trường kinh tế vĩ mô ẩn chứa nhiều thách thức, nhà sản xuất này cho biết khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đông Nam Á vẫn chứng kiến sản lượng bia tăng trưởng tự nhiên 5,1% lên 4,4 tỷ lít. Trái lại, thị trường châu Âu nói chung lại bất ngờ đi lùi 3,6%, xuống gần 5,7 tỷ lít.
Hiện nay, các sản phẩm bia của Carlsberg đều được bày bán tại nhiều quốc gia châu Á. Trong đó, nhóm thị trường Trung Quốc và Hong Kong chiếm tới 60% sản lượng bia khu vực, còn nhóm Ấn Độ và Việt Nam chiếm khoảng 17%.
Theo Carlsberg, nhờ tập trung đầu tư vào hoạt động tiếp cận thị trường, mở rộng phạm vi phủ sóng cũng như số lượng cửa hàng, việc cho ra mắt các thương hiệu bia cao cấp như Tuborg hay 1664 Blanc tại Việt Nam trong năm vừa qua đã đem lại kết quả tích cực.
Với riêng Việt Nam, nhà sản xuất bia cho biết sẽ tăng cường đầu tư, tập trung vào các thương hiệu chủ chốt. Công ty dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh với tham vọng duy trì tăng trưởng sản lượng ở mức một con số bất chấp tình hình suy giảm chung của thị trường.
Trên thực tế, việc kết quả kinh doanh hợp nhất của Carlsberg vẫn ghi nhận bức tranh tươi sáng trong năm vừa qua một phần do đóng góp từ thị trường Việt Nam vào doanh số chung của tập đoàn này tương đối thấp, nên những khó khăn ở thị trường Việt chưa phản ánh hết vào kết quả kinh doanh toàn tập đoàn.
Trong khi đó, doanh nghiệp bia ngoại khác là Heineken lại ghi nhận tổng sản lượng bia cả năm 2023 giảm 4,7% xuống 24,2 tỷ lít. Đáng chú ý, thị trường Việt Nam và Nigeria được thống kê chiếm 60% tổng sản lượng suy giảm, tức gần 860.000 triệu lít bia, do điều kiện kinh tế phức tạp.
Bên cạnh động thái rời khỏi thị trường Nga, Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến sản lượng bia cao cấp của Heineken giảm tự nhiên 5,9%. Nếu không tính 2 quốc gia này, sản lượng bia cao cấp của hãng trên toàn thế giới vẫn tăng trưởng 1,1%.
Doanh số bán hàng dòng bia Tiger tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái kinh tế và Nghị định 100. Sản lượng của Tiger Crystal, dòng sản phẩm ít đắng và có nồng độ cồn thấp hơn, cũng tăng lên không đáng kể.
Mặt khác, các sản phẩm phổ thông như Bia Việt, Bivina hay Larue vẫn cho thấy sự cải thiện về mặt thị phần. Doanh số bán Heineken Silver chủ yếu tăng trưởng ở nhóm khách hàng trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên trong khi dòng Tiger Crystal chỉ tăng trưởng ở mức trung bình một chữ số.
Tại cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh hồi tháng 8/2023, CEO Heineken Dolf van den Brink cho biết tập đoàn đang đối mặt với tình trạng kinh tế suy yếu tương đối mạnh tại thị trường trọng điểm là Việt Nam. Dẫu vậy, Heineken khẳng định hãng vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường bia Việt Nam cũng như ổn định thị phần đối với phân khúc bia cao cấp.
Doanh nghiệp nội cũng lao đao
Đối với các nhà sản xuất bia nội, cả Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HoSE: BHN) đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống trong năm vừa qua.
Với Sabeco, hãng ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 30.400 tỷ đồng năm ngoái, dù cao hơn giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng vẫn giảm 13% so với năm 2022, chủ yếu do doanh thu bán bia suy yếu.
Theo lãnh đạo Sabeco, doanh thu thuần năm vừa qua đi xuống do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia, cầu tiêu dùng giảm, cùng với việc thực hiện chặt chẽ của Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Lợi nhuận của tổng công ty cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn, phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn, mặc dù được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính.
Bất chấp việc tiết giảm các loại chi phí như tài chính hay bán hàng, lợi nhuận sau thuế của Sabeco vẫn bị giảm 23% trong năm vừa qua, đạt 4.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, Habeco chỉ thu về hơn 7.700 tỷ đồng năm vừa qua, giảm 8% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cũng vì thế mà bốc hơi 29% xuống 355 tỷ đồng.
Tương tự Sabeco, chủ thương hiệu Bia Hà Nội lý giải tình hình kinh doanh đi lùi do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu thụ của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động. Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm cũng tác động không nhỏ đến tình hình của công ty.