Công nghệ

Công nghệ nhận khuôn mặt tại các sân bay quốc tế

Dù vẫn còn mới tại Việt Nam, công nghệ nhận khuôn mặt đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore, UAE,...

.

Hệ thống kiểm tra an ninh bằng camera nhận diện khuôn mặt được lắp đặt thí điểm tại sân bay Cát Bi. Ảnh: ACV.

Cục Hàng không Việt Nam gần đây đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) triển khai thử nghiệm công nghệ dùng camera nhận khuôn mặt để làm thủ tục hàng không tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Dù vẫn còn mới tại Việt Nam, công nghệ nhận khuôn mặt đã trở nên quen thuộc và được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore, UAE... Nhiều giải pháp được các nước này thực hiện, giúp việc triển khai công nghệ được dễ dàng hơn.

Anh

Công nghệ nhận khuôn mặt đã được sử dụng khoảng gần 10 năm nay ở sân bay Heathrow, Anh. Du khách đến đây sẽ được chụp ảnh gốc khi đi qua cổng an ninh. Bức ảnh thứ hai sẽ được chụp tại cổng lên máy bay.

Hệ thống này kết hợp thông tin đăng ký trên hộ chiếu với các dấu hiệu sinh trắc học như khuôn mặt hoặc dấu vân tay. Nếu bức ảnh thứ hai khớp bản gốc ban đầu, kèm theo việc xác nhận từ cơ sở dữ liệu thì cửa sẽ tự động mở cho hành khách lên máy bay.

Công nghệ nhận khuôn mặt đã được sử dụng khoảng một thập kỷ nay ở sân bay Heathrow, Anh. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia, cách xử lý này có thể giảm một nửa thời gian cần thiết để đưa 240 người lên một chuyến bay quốc tế, giúp tăng tỷ lệ đúng giờ của các chuyến bay lên tới 10%.

Mỹ

Mỹ cũng là một trong số những quốc gia đi đầu về ứng dụng công nghệ nhận khuôn mặt để làm thủ tục hàng không. Quốc gia này sử dụng thuật toán máy tính để so sánh ảnh chụp trực tiếp tại sân bay khi khách du lịch xuất nhập cảnh hoặc tại cửa khẩu biên giới với ảnh hộ chiếu, thị thực của họ.

Mỹ sử dụng thuật toán máy tính để so sánh ảnh chụp trực tiếp tại sân bay khi khách du lịch xuất nhập cảnh. Ảnh: Bloomberg

Thay vì quá trình thủ công kéo dài từ 10 - 30 giây, phương pháp này chỉ cần 2 - 3 giây để xác minh kết quả trùng khớp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền riêng tư, hình ảnh của các hành khách sẽ được lưu trữ có mã hóa an toàn, không được đính kèm với bất kỳ thông tin nào hay thiết kế đặc biệt nào để tránh bị xâm phạm.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

Sân bay quốc tế Dubai ở UAE cũng thực hiện những cải tiến lớn về công nghệ sinh trắc học. Hiện tại, khi làm thủ tục ở quầy của những hãng hàng không như Emirates, hành khách sẽ được mời đăng ký dữ liệu gồm khuôn mặt và mống mắt ngay tại quầy.

Hành khách thực hiện việc quét dữ liệu khuôn mặt, đồng bộ với hộ chiếu ngay tại quầy làm thủ tục của hãng hàng không. Ảnh: TA.

Quá trình này chỉ mất vài phút. Sau khi dữ liệu đã được liên kết với hộ chiếu, hành khách có thể đi qua cửa an ninh và xuất cảnh tự động. Máy quét sẽ thực hiện quét khuôn mặt, mống mắt và cho qua mà không cần xuất trình hộ chiếu lần nữa.

Việc này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian làm thủ tục của hành khách. Chị Ngọc Tâm, một người Việt thường công tác tại Dubai cho biết tổng thời gian đi qua cổng an ninh chỉ khoảng 10 phút.

Ngoài việc xuất cảnh, dữ liệu này cũng có thể sử dụng để ra vào các phòng chờ thương gia của Emirates tại Sân bay quốc tế Dubai.

Singapore

Từ năm 2018, Singapore đã bắt đầu sử dụng công nghệ nhận khuôn mặt để phát hiện hành khách lỡ chuyến và thay thế hộ chiếu. Đến năm 2020, đảo quốc sư tử đã chính thức áp dụng công nghệ nhận khuôn mặt tại các điểm nhập cảnh.

Quốc gia này cũng chuẩn bị sẵn một số giải pháp, nhằm hạn chế những rủi ro khi triển khai công nghệ mới. Chẳng hạn như đối với những người chưa đăng ký, hoặc không thể sử dụng dịch vụ nhận khuôn mặt và mống mắt, có thể sử dụng vân tay để làm thủ tục nhập cảnh.

Singgapore có nhiều giải pháp thông minh giúp công nghệ mới được triển khai dễ dàng. Ảnh: BBC

Với khách du lịch nước ngoài, có thể đăng ký sinh trắc học khuôn mặt và mống mắt khi nhập cảnh lần đầu và có thể sử dụng dịch vụ này trong những lần nhập cảnh, xuất cảnh sau đó, với điều kiện họ sử dụng hộ chiếu theo đăng ký.

Trong khi đó, trẻ em dưới 6 tuổi vẫn phải sử dụng làn nhập cảnh thông thường vì không đủ điều kiện để quét nhận khuôn mặt và mống mắt. Điều này là bởi các đặc điểm thể chất và sinh trắc học liên quan của trẻ vẫn đang phát triển.

Tại Việt Nam, công nghệ nhận khuôn mặt sẽ được thực hiện dựa trên căn cước công dân gắn chip. Cụ thể, hành khách qua cửa an ninh sẽ đưa căn cước công dân gắn chip qua máy quét. Camera quét nhận khuôn mặt của khách và đối chiếu với hình ảnh gốc trong kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước mắt, ngay trong quý I/2023 thí điểm triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi máy bay và báo cáo Bộ GTVT sơ bộ kết quả thí điểm, đề xuất phương án giải quyết. Đến đầu quý II/2023 sẽ tổ chức hội nghị trao đổi, thống nhất yêu cầu, quy định triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi máy bay.

Trong quá trình thực hiện, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an; thường xuyên đánh giá, nhận diện các khó khăn, vướng mắc, báo cáo và đề xuất kịp thời để giải quyết.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/cong-nghe-nhan-khuon-mat-tai-cac-san-bay-quoc-te-post1406736.html?fbclid=IwAR3Tc7d2oTt07qfdBah4Zdi1RW8i2dvg1bOBkXQ6oQbbtduSFgYm1ov1Csk