Công nghệ

Cuộc đua của các ứng dụng gọi đồ ăn

Baemin thu hẹp phạm vi và quy mô hoạt động, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam trở lại là đường đua của những ứng dụng đa nền tảng. GrabFood được cho là có nhiều lợi thế trong cuộc đua giành thị phần trong thời gian tới.

Lĩnh vực giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Ảnh: Thanh Niên

Nội dung chính:

  • Từ 2016 đến nay, thị trường giao đồ ăn chứng kiến sự nhập cuộc của nhiều ứng dụng.
  • Cuộc chiến giành thị phần không dành cho tất cả, kể cả khi các ứng dụng chi mạnh tay cho marketing, có bên buộc phải thu hẹp quy mô thậm chí có nguy cơ rút hẳn khỏi thị trường.
  • Lĩnh vực giao đồ ăn vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng, ứng dụng có thị phần lớn như GrabFood được cho là có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Một trong những bộ ảnh đáng chú ý đăng trên trang Facebook của Baemin được chụp tại con phố Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, TP.HCM. Con phố phủ kín màu xanh của Baemin từ những ngày ứng dụng giao đồ ăn Hàn Quốc mới gia nhập thị trường Việt Nam. Người Sài Gòn vẫn gọi Nguyễn Thượng Hiền là phố Baemin hay phố xanh.

Slogan của Baemin nổi bật bên ngoài quán Tư Bò Viên, quận 3, TP.HCM. Ảnh từ Fanpage Baemin đăng ngày 7/1/2022.

Hình ảnh quán Tư Bò Viên nằm đầu tiên trong album quảng cáo nói trên của Baemin đăng ngày 7/1/2022. Slogan “Thèm gì ngồi yên đó - Để Baemin giao cho” nổi bật trên phông nền màu xanh dương. Thế nhưng, điều đáng chú ý là chủ quán Tư Bò Viên cho biết họ chỉ phục vụ tại chỗ, không bán hàng qua Baemin hay bất kỳ ứng dụng nào. Tìm kiếm trên Baemin hay GrabFood, người dùng cũng không thấy nhà hàng Tư Bò Viên. Đến nay, 2 tấm băng rôn ghi slogan của Baemin trước quán cũng đã phai màu.

Bên ngoài quán Tư Bò Viên hiện tại (Ảnh: MT)

Baemin đã có thời gian gây chú ý bằng cách marketing rầm rộ như thế. Họ hợp tác với người nổi tiếng để quảng bá, treo biển quảng cáo lớn ở những khu phố trung tâm, đưa ra những slogan hấp dẫn thú vị về dịch vụ giao đồ ăn…

Dẫu vậy, chưa đầy 4 năm gia nhập thị trường, Baemin mới đây đã hé lộ việc thu hẹp hoạt động và nhiều khả năng sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.

Cuộc chiến giành thị phần

Thông tin từ Tech in Asia, trong một email gửi tới nhân viên, bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam cho biết: "Quyết định rút lui khỏi hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam không phải là một quyết định được xem nhẹ”.

Quyết định rút lui khỏi hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam không phải là một quyết định được xem nhẹ.

Bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam

“Thật không may, quyết định này đã được đẩy nhanh bởi môi trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam với sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng”, email nêu thêm.

Hiện công ty đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An (Quảng Nam) và Bắc Ninh.

Baemin là một trong 6 ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến tại Việt Nam bao gồm Now (đã đổi tên thành ShopeeFood), LoShip, GrabFood, BeFood, GoFood, Baemin. Trong đó ShopeeFood là ứng dụng có mặt đầu tiên, từ năm 2016.

Giai đoạn mới gia nhập thị trường (năm 2019), ứng dụng đến từ Hàn Quốc hợp tác với nhiều nghệ sĩ để thu hút sự chú ý, sau đó phủ sóng các thị trường lớn ở Hà Nội và TP.HCM bằng những biển quảng cáo lớn màu xanh ở các khu vực trung tâm.

Chiến lược marketing của Baemin nhanh chóng mang lại kết quả khả quan khi gia tăng thị phần từ 3% vào năm 2021 lên 12% vào năm 2022. Nhưng hành trình của Baemin không hề dễ dàng khi hai ông lớn là GrabFood và ShopeeFood vẫn chiếm tới 86% thị phần, theo dữ liệu từ Momentum Works.

Nguồn: Momentum Works

Ai sẽ lấp đầy khoảng trống Baemin để lại?

Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo một nghiên cứu của Statista, doanh thu dự kiến của phân khúc giao bữa ăn trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt 538,4 triệu USD vào năm nay, cao hơn 19,4% so với năm 2022. Đơn vị này cũng tính toán và cho rằng đến năm 2027, doanh thu của lĩnh vực giao bữa ăn có thể chạm mức 678 triệu USD.

Nhìn sang Thái Lan - quốc gia có dân số ít hơn Việt Nam khoảng 30 triệu người - khối lượng giao đồ ăn ở quốc gia này vượt Việt Nam xấp xỉ 3 lần.Giá trị trị thị trường giao đồ ăn của Thái Lan là 3,6 tỷ USD, trong khi Việt Nam là 1,1 tỷ USD, theo báo cáo do Eden Global Capital công bố vào quý II/2023.

Giá trị thị trường giao đồ ăn của Thái Lan là 3,6 tỷ USD, trong khi Việt Nam là 1,1 tỷ USD.

Sau khi Baemin thu hẹp quy mô hoạt động hay kể cả khi họ rút lui hoàn toàn tại trường Việt Nam, các ứng dụng còn hoạt động tại đều có thể tận dụng khoảng trống mà ứng dụng Hàn Quốc để lại. 12% thị phần của Baemin trong năm 2022 là không hề nhỏ.

Các ứng dụng giao đồ ăn hiện tại đều có thể giành thị phần mà Baemin để lại. Ảnh: VietNamNet

2 “ông lớn” GrabFood, ShopeeFood hay những ứng dụng ít người sử dụng hơn như BeeFood, GoFood, thậm chí cả những ứng dụng gia nhập thị trường sau này, đều có thể giành thêm thị phần từ khoảng trống của Baemin. Việc chuyển ứng dụng từ trước đến nay của người dùng vẫn được tiến hành mau chóng, dễ dàng và phụ thuộc phần nhiều vào cách các hãng bỏ tiền ra thu hút.

Trước mắt, cuộc đua giành thị phần sẽ còn lại những cái tên quen thuộc như GrabFood, ShoppeFood, GoFood. Điểm chung của những ứng dụng lớn còn hoạt động tại thị trường Việt Nam sau khi Baemin rút đi là tính đa nền tảng. Các ứng dụng này cung cấp nhiều dịch vụ từ gọi xe, giao hàng đến giao đồ ăn… Những ưu thế về nền tảng, định hướng hoạt động của các ứng dụng này sẽ quyết định một phần tương lai của thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam trong thời gian tới.

Sau năm 2021 đầu tư bùng nổ vào mảng gọi đồ ăn ShopeeFood, Shopee đã thu hẹp quy mô để tập trung mang lại lợi nhuận cho mảng kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử, nhường một phần sân chơi mảng giao đồ ăn cho Grab.

Trong khi đó, Gojek vẫn đang ưu tiên cho thị trường Indonesia.

GrabFood với ưu thế về số lượng tài xế, những chương trình ưu đãi lớn, liên tục và việc đã dựng được thói quen sử dụng cho người tiêu dùng Việt, được cho là một trong những ứng dụng “khỏe mạnh” nhất hiện nay và sẽ dành lợi thế chiếm “khoảng trống” mà Baemin có thể sẽ bỏ lại.

Giá trị đơn hàng GrabFood đã tăng 41% kể từ 2019, đơn hàng có giá trị lớn nhất năm 2022 đạt gần 2 triệu đồng.

Theo báo cáo về xu hướng thị trường của Grab công bố cuối năm 2022, Covid-19 trở thành một yếu tố thúc đẩy thị trường gọi đồ ăn, khi người trẻ ngày càng “ngại” ra nhà hàng do lo sợ lây nhiễm. So với năm 2019, mức độ đặt món của người dùng Việt Nam năm 2022 trên ứng dụng GrabFood đã tăng 1,2 lần.

Cũng theo Grab, người dùng không chỉ đặt món thường xuyên hơn mà còn chi tiêu nhiều hơn trên mỗi đơn hàng. Cụ thể, giá trị đơn hàng GrabFood đã tăng 41% kể từ 2019, đơn hàng có giá trị lớn nhất năm 2022 đạt gần 2 triệu đồng.

Báo cáo tài chính được công bố của Grab cho thấy GrabFood đóng góp vào doanh thu mảng giao hàng 567 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu mảng giao hàng chiếm quá nửa tổng doanh thu của ứng dụng này. Để đạt tốc độ tăng trưởng này, Grab cho biết công ty sở hữu mạng lưới tài xế hoạt động hiệu quả; cải thiện được chất lượng nhà cung cấp, hiệu suất giao hàng, trải nghiệm ứng dụng và mở rộng quy mô của các đợt khuyến mãi.

Doanh số tăng trưởng nhanh mở ra nhiều kỳ vọng cho GrabFood và Grab nói chung. Nikkei trích lời của Jianggan Li - Giám đốc điều hành của Momentum Works – từ một cuộc họp báo trực tuyến cho biết: "Nhờ niêm yết thông qua công ty SPAC, Grab đã nhận được một khoản tiền mặt lớn. Vì vậy, so với những đối thủ khác, họ có lượng tiền mặt khả dụng nhiều nhất".

Tính đến cuối quý II/2023, lượng tiền tại quỹ của Grab đạt 2,28 tỷ USD, tăng 17% sau nửa năm.

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/cuoc-dua-cua-cac-ung-dung-goi-do-an-41346.html